Các thiết bị điện tử ngày nay đã trở thành vật dụng quen thuộc, thậm chí không thể thiếu đối với trẻ. Nhưng bên cạnh mặt lợi ích cũng có nhiều vấn đề phát sinh: Trẻ nghiện game dẫn đến chán học, cảm xúc tiêu cực, quan hệ cha mẹ con cái không tốt, thậm chí dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như bị đình chỉ học, bỏ học.
Tại sao một số trẻ nghiện game, trong khi những trẻ khác thì không? Làm sao để con không bị cuốn vào game? Là cha mẹ, bạn làm cách nào để kéo con ra khỏi "vũng lầy" này? Trường hợp một bà mẹ họ Vương ở Trung Quốc được chia sẻ sau đây có thể mang lại cho bạn một số bài học hữu ích.
Mâu thuẫn
Con trai tôi vốn học giỏi, xếp loại ổn định trong top 10 của lớp, là học sinh ngoan trong mắt bố mẹ và thầy cô. Nhưng từ năm lớp 5 tiểu học, được các bạn cùng lớp hướng dẫn, con tiếp xúc với trò chơi trên mạng, dần dần say mê.
Thời gian đầu, mặc dù thích chơi game nhưng việc học và làm bài tập hàng ngày của cháu vẫn có thể đảm bảo. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên phần lớn thời gian học online, con tôi ở nhà và có nhiều cơ hội chơi game hơn. Thái độ đối với việc học và làm bài tập ngày càng chiếu lệ, thời gian chơi game ngày càng dài, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng căng thẳng.
Con có thái độ tiêu cực, chán học, động lực học tập ngày càng yếu, ngày nào về nhà cũng nhốt mình trong phòng chơi game. Thấy việc đã trở nên nghiêm trọng, tôi bắt đầu dùng đến biện pháp cưỡng chế, nghiêm cấm con đụng vào điện thoại. Nhưng tôi càng nghiêm khắc, cháu càng nổi loạn và nảy sinh những trận cãi vã triền miên.
Cho đến học kỳ 2 cấp 2, giữa tôi và con trai nổ ra mâu thuẫn.
Hôm đó đi làm về, vừa vào cửa đã thấy con nằm trên sô pha nghịch điện thoại. Tôi liền lớn tiếng hỏi: "Ai bảo con dùng điện thoại? Học hành thế nào, sao không kiểm soát bản thân vậy?". Liên tiếp nói mấy câu đều không có đáp lại, con đứng dậy chuẩn bị trở về phòng, tôi tức giận đến muốn ngất đi. Tôi xông lên giật điện thoại của con, ném xuống đất!
Nó đẩy tôi thật mạnh và hét lên: "Mẹ có quyền gì mà ném điện thoại của con!".
- "Mẹ là mẹ của con, tại sao không có tư cách quản con? Nhìn con bây giờ đi, có ra gì không?".
Con trai hung dữ nhìn tôi chằm chằm như kẻ thù, ánh mắt lạnh lùng khiến tôi rùng mình: "Vậy mẹ đừng coi con là con của mẹ! Con không muốn một người mẹ như thế!". Kể từ ngày đó, mối quan hệ cả hai như đóng băng. Trong suốt một tuần, mẹ con tôi không nói với nhau một lời nào.
Nhìn lại vấn đề
Sau khi tình cảm trở nên lạnh nhạt, lý trí lại thắng thế. Tôi nhận ra rõ ràng rằng hiện trạng này phải được thay đổi, nếu không, các vấn đề của con sẽ kéo dài và việc học sẽ bị đình trệ hoàn toàn. Hơn nữa, mỗi khi nhớ lại cái cách ngày đó con nhìn mình chằm chằm một cách hằn học, tôi lại cảm thấy có chút hoang mang.
Những năm gần đây, có quá nhiều báo cáo về hành vi cực đoan của thanh thiếu niên do mâu thuẫn với cha mẹ, tôi thực sự sợ rằng nếu điều này tiếp tục, mọi thứ sẽ phát triển ngoài tầm kiểm soát. Chồng tôi đi làm ăn xa quanh năm không thể làm gì để dạy dỗ con cái khiến tôi càng thêm lo lắng.
Tôi bắt đầu tìm hiểu về giáo dục trẻ tuổi vị thành niên qua mạng Internet, tìm tới các chuyên gia, cùng trò chuyện với những phụ huynh có con nghiện game và cai thành công. Cũng chính từ thời điểm này, tôi mới thực sự tìm ra "cứu cánh" hữu hiệu.
Tôi đã nhờ họ giúp đỡ giải tỏa những lo lắng của mình: Tôi nên làm gì để con bỏ chơi game và trở lại trạng thái học hành? Mối quan hệ của tôi với con tôi có thể được sửa chữa?
Chuyên gia bảo việc trẻ nghiện game chỉ là biểu hiện. "Nhìn bề ngoài, có vẻ như trẻ không thích học vì chơi game, nhưng lý do cốt yếu là thực tế và việc học mang lại cho trẻ những trải nghiệm tiêu cực, vì vậy trẻ chọn đắm mình trong thế giới trò chơi để trốn thoát".
Chuyên gia này cho rằng, hoàn cảnh của mỗi em mỗi khác, nhưng phần lớn là do áp lực học tập cao, cha mẹ kiểm soát quá mức, khiến con cái mệt mỏi khi nghĩ đến việc học. Lúc này, về cơ bản cha mẹ sẽ đổ lỗi vấn đề cho trẻ, cho rằng trẻ học hành không chăm chỉ, chỉ ham chơi game, không kiểm soát được bản thân.
Sau khi nghe phân tích, tôi bắt đầu suy ngẫm. Hóa ra sự thật về việc con nghiện game, chán học khác xa với những gì tôi nghĩ. Do áp lực cuộc sống và để chu cấp cho gia đình điều kiện sống tốt hơn, từ khi con trai đi học, ngoại trừ tiền bạc, chồng tôi không thể phụ giúp việc gia đình. Điều này khiến tôi coi con trai mình như đối tượng lệ thuộc của mình về mặt tình cảm.
Tôi không chỉ nương tựa vào con về mặt tâm lý mà còn đặt mọi kỳ vọng vào con, mong con học giỏi, để tôi đề cao giá trị của mình trong việc dạy dỗ con tốt. Tôi không thể xử lý tốt nỗi lo lắng trong lòng, biến thành việc kiểm soát con từng chi tiết. Tất cả những điều này khiến đứa trẻ không chịu nổi, cảm xúc có chút suy sụp, cuối cùng sinh ra tâm lý trốn tránh, đắm chìm trong thế giới trò chơi.
Hóa giải
Tôi bắt đầu giải quyết vấn đề từng bước dưới sự hướng dẫn của chuyên gia:
1. Bắt đầu từ mối quan hệ cha mẹ con cái, xoa dịu xung đột và tăng cường sự tin tưởng
Nhiều bậc cha mẹ thấu hiểu sâu sắc rằng con cái không thích học, suốt ngày dán mắt vào điện thoại, chơi game, cha mẹ nói gì, làm gì cũng không có tác dụng. Điều này là do cha mẹ không biết con cái cần gì, họ chỉ đánh giá con cái từ góc độ của mình và chưa bao giờ nghĩ đến việc thiết lập mối quan hệ hài hòa với con thông qua giao tiếp và thấu hiểu.
Chỉ khi mối quan hệ được cải thiện, con cái mới sẵn sàng nói với cha mẹ những suy nghĩ thực sự bên trong, những bối rối và khó khăn của chúng. Chỉ bằng cách này, cha mẹ mới có thể giúp con giải quyết vấn đề một cách có mục tiêu và hiệu quả.
Trong thời gian đó, tôi đã phát hiện ra rất nhiều hiểu lầm trong việc giáo dục con cái của mình, đồng thời cũng tìm hiểu được nhiều điều về đặc điểm tâm lý của trẻ vị thành niên. Tôi quyết định xin lỗi con trước, chân thành bày tỏ thái độ và thay đổi.
Cuộc trò chuyện bình đẳng khiến con trai nhận ra rằng tôi thực sự sẵn sàng buông bỏ "tư thế" làm mẹ và cố gắng thấu hiểu, gần gũi con, lớp phòng thủ bên trong của con cũng được nới lỏng.
Vào một bữa ăn tối, con trai nói với tôi:
"Con biết rằng mẹ đang cố gắng thay đổi. Thật ra con cũng biết mình thụt lùi trong học tập, thái độ của con với mẹ cũng không tốt, nhưng đôi khi sự cằn nhằn của mẹ thực sự rất khó chịu khiến con không có tâm trạng học bài. Con thà chơi game còn hơn nói chuyện với mẹ. Trên thực tế, con cũng biết rằng đam mê game là sai. Mẹ, cảm ơn mẹ đã sẵn lòng làm thân với con. Con cũng sẽ học tập chăm chỉ và bắt kịp điểm số các bạn".
Tôi vô cùng xúc động. Hóa ra mọi sự thay đổi của bố mẹ đều có thể được con cái cảm nhận. Việc nới lỏng mối quan hệ cha mẹ - con cái cũng tạo nền tảng cần thiết cho những thay đổi và giáo dục sau này.
2. Giúp trẻ tìm lại cảm giác hoàn thành và cải thiện thành tích học tập
Cảm giác hoàn thành là sự hài lòng khi thành công trong học tập, công việc và mong muốn của mình được thực hiện. Đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến động cơ học tập của trẻ.
Khi trẻ được khuyến khích và khen ngợi về sự tiến bộ, cảm giác này sẽ được củng cố, từ đó tạo ra tâm trạng tiếp tục học tập chăm chỉ, nâng cao sự nhiệt tình và động lực tích cực, thúc đẩy trẻ tiếp tục thành công. Cảm giác nhận ra giá trị bản thân và được công nhận này sẽ không bao giờ bị quên đi một khi đã trải qua.
Hiện nay, nhiều em không có ý thức phấn đấu để đạt thành tích trong học tập. Ngược lại, sẽ có cảm giác xấu hổ và thất vọng bởi những cố gắng của mình thường nhận về sự chỉ trích và phủ định. Tôi cũng từng phạm sai lầm như vậy. Đặt mục tiêu cho con rất khó vì nghĩ điều này có thể kích thích tính cạnh tranh của trẻ. Và khi con làm việc chăm chỉ vẫn khó đạt được, tôi tỏ vẻ thất vọng về con khiến con chán nản.
Tôi bắt đầu điều chỉnh phương pháp giáo dục để bao trùm lên con trai mình một bầu không khí tích cực và khích lệ. Mỗi ngày tôi sẽ cố gắng tìm ra từ con một vài tiến bộ nhỏ, ví dụ như thời gian ngồi làm bài tập trung hơn... Ngoài ra, tôi cũng nhìn ra những điều chưa làm tốt của con để cùng con thảo luận cách cải thiện.
Với sự khẳng định và động viên như vậy ngày qua ngày, con trai tôi dần cảm nhận được hạnh phúc tích cực và cảm giác thành tựu từ việc học, động cơ học tập của cháu ngày càng lớn hơn. Tôi dần buông tay và trả lại quyền quyết định cho con mình. Tôi mua cho con một chiếc điện thoại di động mới và nói: "Bạn học của con đều có, con không có điện thoại di động thật bất tiện, mẹ sẽ mua cho con một chiếc. Mẹ tin con sẽ quản lý thời gian của mình thật tốt!".
Con trai tôi ngượng ngùng cười, nhưng từ vẻ mặt của con, tôi thấy một sự kiên định.
Sau khi mối quan hệ mẹ con trở nên hài hòa và con trải qua cảm giác thành tựu từ việc học, chứng nghiện game tự nhiên tiêu tan. Thỉnh thoảng cuối tuần hay những lúc học hành mệt mỏi con cũng ngồi chơi một lát nhưng lại nhanh chóng trở lại việc chính, và nỗi ám ảnh trong quá khứ cứ thế mà trôi đi.
Điểm số của con trai tôi cũng được cải thiện đều đặn, trong kỳ thi cuối kỳ, thứ hạng của đứa trẻ đã đạt trên mức trung bình. Một kết quả như vậy nếu được đặt cách đây nửa năm, tôi thậm chí không dám mơ tới.
Sau khi trải qua cuộc "đấu tranh" này, tôi nhận ra sâu sắc rằng trong nhiều trường hợp, vấn đề của con cái giống như một tấm gương phản chiếu những vấn đề trong phương pháp giáo dục và những thiếu sót của chính cha mẹ. Vì vậy, chúng ta cũng nên nhân cơ hội này để tìm hiểu, điều chỉnh và sử dụng những phương pháp giáo dục khoa học, hiệu quả hơn để định hướng sự trưởng thành của trẻ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.