Trong một cuộc hôn nhân thất bại, chưa nói đến việc ai đúng ai sai nhưng người thiệt thòi, chịu nhiều tổn thương nhất vẫn luôn là những đứa con. Bởi kể từ ngày bố và mẹ chọn rẽ sang hai con đường khác nhau, không còn sống chung một nhà nữa thì con cũng đã mất đi điều quan trọng nhất trong đời mình, đó là gia đình. Vậy nên việc phải cố gắng gấp 5, gấp 10 lần để bù đắp cho đứa con đang phải sống xa bố hoặc mẹ là điều rất dễ hiểu. Nhưng trong những trường hợp này, đâu là cách hiệu quả nhất cho bố/mẹ?
Bố mẹ ly hôn, con là người chịu nhiều tổn thương, thiệt thòi nhất (Ảnh minh họa).
Thỏa thuận trước vì sự tốt đẹp nhất cho con
Dù bố/mẹ có bất kỳ mâu thuẫn, khúc mắc hay hận thù gì dẫn đến việc ly hôn đi nữa, thì cũng phải ngồi lại thỏa thuận với nhau về cuộc sống tương lai của con. Trong đó, những việc làm như nói xấu nhau trước mặt con; lấy con ra làm công cụ để trả thù người kia; ngăn cấm bố/mẹ không được thăm, gặp, hỏi han và tước đi quyền làm bố/mẹ của nhau... chỉ góp phần làm hủy hoại con, đẩy con vào hố sâu tuyệt vọng mà khó có cách nào cứu vãn được.
Vì vậy, bố mẹ nếu muốn chung tay nuôi dưỡng nên một đứa trẻ hạnh phúc dù không sống cùng nhau đi nữa, thì cần thống nhất trước rằng con vẫn sẽ nhận được đầy đủ sự quan tâm, thăm nuôi của cả hai bên. Nếu bất cứ ai trong hai người nhận được quyền nuôi con thì phải tạo điều kiện giữ liên lạc giữa con với người còn lại. Chỉ có như thế thì tổn thương trong con mới vơi bớt đi. Con mới thấy được mình vẫn còn đó cả bố, cả mẹ, hai người vẫn yêu thương mình như xưa.
Thường xuyên thăm hỏi, động viên con
Trong điều kiện thế giới phẳng, bố/mẹ có thể trò chuyện với con dễ dàng dù đang ở tận những nơi xa xôi. Vì vậy, nếu bố/mẹ không có điều kiện ở gần con đi nữa thì cũng đừng quên coi những thiết bị thông minh là cầu nối để vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của con. Và để những cuộc nói chuyện không đi vào ngõ cụt, bố/mẹ hãy nhập vai như khi chia hề chia cách.
Đừng bao giờ lơ là đi cảm xúc của con, cần khéo léo đồng hành với con trong từng sự việc nhỏ cho đến cột mốc lớn (Ảnh minh họa).
Có nghĩa là bố mẹ vẫn có thể hỏi con loanh quanh bữa ăn, việc học hành mỗi ngày, những chuyện buồn, vui, về cô/cậu bạn thân của con, mong muốn, cảm nhận của con trước một câu chuyện nào đó... Bố/mẹ cũng đừng bao giờ lơ là đi cảm xúc của con, cần khéo léo đồng hành với con trong từng sự việc nhỏ cho đến cột mốc lớn. Hãy cố gắng để giữ sự kết nối, nhưng cũng đừng quá gượng ép mà cứ chân thành, tự nhiên. Trẻ con vốn rất tinh ý để nhận ra tình yêu thương, sự quan tâm thật lòng.
Làm bạn với bố/mẹ kế để có thể cập nhật tình hình của con
Hẳn nhiên những cuộc điện thoại không bao giờ là đủ để bố/mẹ bao quát được tất cả những gì đang diễn ra trong cuộc sống của con. Khi ấy, việc bố/mẹ cần làm là đặt cái tôi của mình xuống, xây dựng một mối quan hệ mới với người đang thực sự chăm sóc con mình. Đó có thể là cô giáo, ông bà nội/ngoại nhưng cũng rất có thể sẽ là bố/mẹ kế. Để việc thân thiết với bố/mẹ kế của con trở nên dễ dàng hơn, bố/mẹ cần nhạy cảm, thể hiện sự thiện chí theo hướng tất cả các bên đều có lợi.
Bố/mẹ tuyệt đối không thể hiện sự thân thiết quá đà với vợ/chồng cũ của mình dù trên danh nghĩa là vì con đi nữa, để tránh những hiểu lầm không đáng có. Và việc làm bạn với bố/mẹ kế của con sẽ trở nên minh bạch, tốt cho con hơn rất nhiều. Hãy gửi gắm con, thể hiện sự cảm kích khi bố/mẹ kế đã vất vả chăm sóc con của mình. Từ đó, con cũng sẽ cảm nhận được một bầu không khí dịu êm xung quanh, và dần dần trong con sẽ hình thành được khái niệm về gia đình mới.
Hãy để con tiếp tục được sống trong một bầu không khí thoải mái, dịu êm thay vì ganh ghét, đố kị (Ảnh minh họa).
Đón con về gần khi có dịp, thường xuyên khen tặng những món quà thích hợp
Tuy nhiên, bố/mẹ cần xác định ngay từ đầu rằng những việc làm này không phải là để lấy lòng con hay cố kéo con về phía mình, đẩy con xa bố/mẹ kế hơn. Chỉ khi như vậy, mọi việc làm của bố/mẹ mới mang nghĩa yêu thương đơn thuần và dễ dàng kết nối được với con, cũng như gia đình hiện tại của con.
Trong những dịp như cuối tuần, con được nghỉ hè, nghỉ học kỳ, cơ quan bố/mẹ tổ chức đi du lịch, nghỉ mát... bố/mẹ hãy xin phép để được đưa con đi cùng hay đơn giản là đón con về sống cùng bố/mẹ ít ngày. Đây được coi là cơ hội để giúp xóa nhòa khoảng cách dễ dàng nhất, giúp con tìm lại được hơi ấm thực sự của bố/mẹ sau bao lâu xa cách. Hãy tận dụng thời gian này để tạo ra những điều thực sự có giá trị và trở thành kỷ niệm đẹp, làm động lực trong cuộc sống của con.
Tận dụng khoảng thời gian bên con để tạo ra những kỷ niệm đẹp (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên theo dõi sát sao những cột mốc quan trọng của con để có những sự khích lệ kịp thời. Đừng để con thấy những cố gắng của mình là vô ích và không có ai ghi nhận cả. Có thể đơn giản chỉ là một cuộc điện thoại chúc con ngày mai thi tốt, biểu diễn tốt hay một con gấu bông/một quyển sách... làm quà tặng cho con khi con đã hoàn thành thử thách của mình. Và cũng đừng quên rằng dù kết quả có như thế nào thì điều con cần nhất vẫn là sự thấu hiểu của bố/mẹ.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng, ly hôn là một bước ngoặt khiến con mất đi gia đình cũ, nhưng có thể lại là cơ hội để con có thêm nhiều gia đình mới, là những người yêu và quan tâm con thật sự. Chỉ cần muốn, bố/mẹ hoàn toàn sẽ có những cách thích hợp để bù đắp cho con mình dù đang ở xa đi nữa.
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.