Đứa trẻ được cứu nhờ sự "tọc mạch" của hàng xóm: Câu chuyện có thật và lời cảnh tỉnh cho những người luôn nghĩ rằng "con ai người nấy dạy"

Hóa ra trong lúc mình đang đắn đo, nhiều hàng xóm khác cũng nhìn thấy dòng chữ trong thang máy và họ đã báo cảnh sát...

Câu chuyện được kể từ một người phụ nữ Việt sinh sống tại Anh, về 1 bé gái hàng xóm với những dấu hiệu "có vẻ" cần sự trợ giúp. Lúc này cô đang là sinh viên và nhận thấy 1 bé gái với những dấu hiệu có vẻ bất thường. Trong lúc đang băn khoăn có nên gọi điện báo cảnh sát hay không vì chị lúc đó chỉ là du học sinh, văn hóa chưa rõ, bản thân cũng chưa hiểu rõ sự tình sợ làm ảnh hưởng đến người mẹ. 

Thì điều bất ngờ đã xảy ra... có người khác đã làm thay chị điều này.

Shanon rất buồn và đau

Câu chuyện được chị Alicia Vũ (Quỳnh) kể lại như sau:

Hồi sinh viên, mình ở nhà thuê. Bên cạnh là một gia đình có mẹ là single mom và 3 đứa trẻ: Shanon, Jimmy và Elfie. Khi mình chuyển vào ngôi nhà đó sống, Shanon - cô bé lớn nhất mới được 6 tuổi, Jimmy 3 tuổi và Elfie mới sinh.

Mình đã không biết người mẹ đó là single mom vì luôn có đàn ông sống cùng cô ta. Mãi sau này, hàng xóm nói mình mới biết đó không phải bố của những đứa trẻ và để ý thì mới nhận ra cứ vài ba tháng lại là một người đàn ông khác nhau. Người mẹ luôn xuất hiện trong tình trạng say, những đứa trẻ thì lôi thôi, lếch thếch, thậm chí không mặc quần áo tử tế đi chân đất chạy chơi ngoài hành lang giữa mùa đông 0 độ.

Là hàng xóm sát vách, mình thường xuyên nghe thấy tiếng cãi vã, gào thét, đập phá đồ đạc từ nhà đó, đôi khi là ngay giữa nửa đêm. Mình không rõ là người mẹ đánh những đứa trẻ, hay cô ta và nhân tình của mình đánh nhau. Có lần, mình đã gọi điện cho council (Hội đồng - PV, là khái niệm chỉ một nhóm người tham khảo ý kiến và đưa ra quyết định, có thể hoạt động như một cơ quan lập pháp, đặc biệt là ở cấp thị trấn, thành phố hoặc quận / shire) để phản ánh vì mình sợ cô ta đánh bọn trẻ hoặc bị nhân tình bạo hành. Tuy nhiên những lần đó không có bằng chứng nên người mẹ chỉ bị cảnh cáo về việc gây mất trật tự khu vực.

Đứa trẻ được cứu nhờ sự
 

Hôm đó đã 11 giờ đêm, mình ra ngoài đổ rác, thấy Shanon đứng ở góc tường chỗ nhà mình và cầu thang đi xuống (nhà mình là nhà cuối hành lang). Lúc này Shanon đã 9 tuổi. Đi đổ rác về mình vẫn thấy con bé đứng đó, áo khoác thì không mặc.

- “Are you ok?” (Em có ổn không?)

- “… I’m ok.” (Em không sao)

- “No, you are not. What make you stand here at this hour?” (Không, em không ổn. Có chuyện gì mà giờ này em đứng đây?)

- “… I just don’t want to go home.” (Em chỉ không muốn về nhà)

- “Is there anything I can help?” (Chị có giúp gì được em không?)

- “It’s ok. I’ll stay here a few minutes and go back inside.” (Không sao đâu. Em đứng đây vài phút nữa rồi sẽ vào nhà)

- “Did your mother or someone else hit you?” (Mẹ em hay ai đó đánh em à?)

- “No, no one hi.t me. Don’t worry!” (Không, không ai đánh em. Đừng lo!)

Vài tháng sau đó, mình thấy dòng chữ nguệch ngoạc viết trong thang máy: “Shanon is very sad and hurt. She just wants to run away.” (Shanon rất buồn và đau. Cô bé chỉ muốn chạy trốn.) Mình có linh cảm người viết những dòng này chính là Shanon chứ không ai khác.

Đứa trẻ được cứu nhờ sự

Chị Alicia Vũ (Quỳnh) hiện đang sinh sống tại Anh.

Mình đã đắn đo rất nhiều, không biết có nên gọi điện báo cảnh sát hay council không vì đây có thể coi là bằng chứng. Hoàn cảnh gia đình này rất phức tạp. Nếu mình báo, họ hoàn toàn có thể bị mất nhà và tước quyền nuôi con (gia đình này sống bằng trợ cấp Chính phủ, nhà cũng là Chính phủ phát cho). Liệu những đứa trẻ có thật sự mong muốn điều đó không? Mình không biết nếu điều đó xảy ra, tương lai bọn trẻ sẽ như thế nào. Dù sao mình cũng chỉ là một sinh viên nước ngoài, không hiểu biết luật pháp cặn kẽ. Một bước đi sai lầm có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời người khác.

Sáng hôm sau, mình đi học về thì thấy cảnh sát đã phá cửa vào nhà bên cạnh. Hóa ra trong lúc mình đang đắn đo, nhiều hàng xóm khác cũng nhìn thấy dòng chữ trong thang máy và họ đã báo cảnh sát. Những đứa trẻ tạm thời được đưa đi trong lúc cảnh sát điều tra. Mình cũng từng bị cảnh sát hỏi với tư cách là nhân chứng.

Đứa trẻ được cứu nhờ sự
 

Sau đó mình không còn gặp lại 3 đứa trẻ. Một thời gian sau, người mẹ cũng bị thu hồi nhà. Mình không biết bây giờ 3 đứa trẻ đang ở đâu, nhưng theo hàng xóm nói, chúng đã từ chối việc tiếp tục được mẹ nuôi dưỡng và đồng ý vào bảo trợ xã hội. Chúng có thể sống ở đó đến khi trưởng thành hoặc sẽ được người khác nhận nuôi.

Hoá ra trong suốt những năm mình ở đó, council vẫn không hề làm lơ những đứa trẻ. Họ thu thập bằng chứng qua những lần gọi báo của hàng xóm, nói chuyện và nghe bọn trẻ dù chúng chỉ là trẻ con. 

Người mẹ có thể cũng biết rõ luật nên cô ta không đánh bọn trẻ, nhưng cô ta đã bạo hành tinh thần chúng, không làm tròn trách nhiệm tạo ra một môi trường nuôi dưỡng tốt cho bọn trẻ nên cô ta bị tước quyền nuôi con. Thu thập bằng chứng về bạo hành tinh thần rất khó khăn và cần nhiều thời gian hơn nhiều.

Chúng ta, hãy bỏ suy nghĩ "con ai người nấy dạy"

Từ chuyện về bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết, chị Alicia Vũ đã rất đau lòng. Chính vì vậy, chị kể lại câu chuyện này để người lớn cùng suy nghĩ khác đi để tạo ra nhưng radar bảo vệ lũ trẻ:

"Mình chỉ xin mọi người hãy bỏ suy nghĩ “con ai người nấy dạy” hay “thương cho roi cho vọt”. Nếu biết đứa trẻ nào đó đang gặp vấn đề, xin đừng làm ngơ. Sự tọc mạch của bạn hôm nay biết đâu có thể cứu sống một đứa trẻ không có khả năng tự vệ. Minh Minh và Vân An có thể đã được cứu như Shanon, Jimmy và Elfie, nếu người lớn đừng quay mặt đi khi biết chúng bị hành hạ".

Đứa trẻ được cứu nhờ sự
 

Chị cũng nói thêm: “Có thể chỉ cần một người để nuôi dưỡng một đứa trẻ, nhưng cần cả cộng đồng để bảo vệ chúng. Bài viết này không phải để tranh luận về chi tiết từng vụ việc, cũng không phải để so sánh hệ thống luật pháp 2 nước. Thay vì tranh luận những việc vô bổ, lần sau, nếu nghi ngờ đứa trẻ nào bị bạo hành, bạn làm ơn hãy báo cảnh sát, báo bất kỳ ai có thể. Đơn giản nhất là ra mặt can thiệp, để họ biết rằng hành động của họ không được chấp nhận và các radar xung quanh luôn sẵn sàng canh chừng sự an toàn cho bọn trẻ.

Hiện tại là chuyên gia tâm lý trẻ em và cũng đã làm mẹ nên chị Alicia Vũ rất quan tâm đến các vấn đề về quyền an toàn của trẻ em. Chị nhấn mạnh: "Đừng đợi chính quyền hay chính phủ tạo ra một thế giới trong mơ, từng cá nhân hãy cùng nhau tạo ra cộng đồng mình muốn sống".

Theo kết quả nghiên cứu "Kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình ở một số quốc gia và thực tế ở Việt Nam" của PGS.TS Đặng Thị Hoa, có đến 69.5% trẻ em ở độ tuổi 10-15 cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng các hình thức bạo lực nào, như đánh, đấm, đập, tát,...

 
 
 
https://afamily.vn/dua-tre-duoc-cuu-nho-su-toc-mach-cua-hang-xom-cau-chuyen-co-that-va-loi-canh-tinh-cho-nhung-nguoi-luon-nghi-rang-con-ai-nguoi-nay-day-20211228223256365.chn
 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang