Hiện nay, theo lời đồn thổi, rất nhiều người dân đã tự ý sử dụng cây mật gấu mà không thông qua kiểm chứng dẫn đến những hậu quả khôn lường, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Phóng viên Đời sống Plus đã có cuộc trao đổi với Y sinh Tuệ Lâm (Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác) về vấn đề này.
Theo Y sinh Tuệ Lâm, trước khi sử dụng bất kỳ một vị thuốc nào, cần lưu ý khi tiếp nhận thông tin về cây thuốc, nếu không muốn tự biến mình trở thành con mồi hoặc vật thí nghiệm miễn phí.
Cơn ác mộng mang tên…cây mật gấu
Cây mật gấu. |
Từ hơn 1 năm qua, cây mật gấu làm mưa làm gió khắp nhiều tỉnh thành trong cả nước. Từ chốn thị thành đến các vùng nông thôn, đi đâu cũng thấy người ta trồng cây mật gấu.
Người ta nói, người ta đồn, người ta rỉ tai, người ta chỉ bảo với nhau cây mật gấu hay lắm, tốt lắm, chữa được tiểu đường, huyết áp, ung thư các loại, tim mạch, xương khớp… gì uống mật gấu cũng tiệt nọc.
Nhưng hỏi bằng chứng y học nào nói cây mật gấu có những công dụng kể trên thì cả thảy lắc đầu, bảo nghe nói, nghe đồn, nghe mấy trang mạng nói vậy.
Cây mật gấu bị thổi phồng công dụng, người bệnh dùng cây mật gấu đổ bệnh nặng hơn. Nếu dùng dược liệu mà dễ dãi đến như vậy, thích thì dùng, ai chỉ gì dùng nấy, dùng cây thuốc mà chẳng biết nó công dụng kỳ thực là gì, tác dụng phụ đến đâu… thì quả là đại liều mạng! Điều oái ăm ở chỗ, nhiều người khi được cảnh báo điều này lại bỏ ngoài tai, thậm chí là bực tức.
Y sinh Tuệ lâm cho biết, một bệnh nhân là chị Hồ M. quê ở An Giang đã chia sẻ: “Tôi coi trên mạng thấy người ta nói cây mật gấu tốt lắm. Có người bị tiểu đường, cao huyết áp với đau nhức xương khớp nhờ dùng cây mật gấu mà khỏe. Chưa hết đâu, có người bị ung thư phổi, ung thư gan cũng hết ung thư nhờ dùng cây mật gấu, đó”.
Khi đó, anh Tuệ Lâm vô cùng ngạc nhiên, có hỏi người bệnh là tài liệu y học nào nói cây mật gấu có thể chữa bệnh kể trên thì chị nói chỉ nghe người ta đồn, nghe trên mạng nên biết vậy thôi. Bản thân chị M cũng chưa thấy tận mắt trường hợp nào khỏi bệnh tiểu đường, huyết áp hay ung thư nhờ uống cây mật gấu.
Y sinh Tuệ Lâm tỏ rõ quan điểm rằng “cây mật gấu là sản phẩm của phường kinh doanh dược liệu phi nhân tính và những trang mạng được điều hành bởi những kẻ không biết gì về kiến thức y học lại nhẫn tâm. Họ thổi phồng tác dụng của cây mật gấu, phịa đặt đủ điều để chơi trò bán buôn. Bằng chứng là những điều họ nói về cây mật gấu, chẳng có tài liệu y học nào đề cập. Nhân chứng mơ hồ, nói không có sách – mách chẳng có chứng.
Nhiều bi kịch thê thảm…
Trước khi nói sâu về tác dụng và cả tác dụng phụ của cây mật gấu, y sinh Tuệ Lâm cũng chia sẻ câu chuyện của một số nhân chứng sống là nạn nhân của cây này. Cạnh nhà anh có cụ Hồ Thị Lý, ngoài 70 tuổi, cán bộ hưu trí Công an tỉnh Đồng Tháp. Cụ Lý bị nhiều chứng bệnh, trong đó có bệnh lý cao huyết áp, nghe người ta tung hô cây mật gấu như thần dược, cụ bứt mấy lá nhai, vừa nuốt vô thì xây xẩm, đổ vật ra, may mà cô giúp việc kịp đỡ. Y sinh biết chuyện ghé thăm, khuyên cụ ngưng dùng cây mật gấu, cụ hẳn nhiên là nghe lời, nhưng thắc mắc:
“Bà coi trên báo, thấy người ta nói cây mật gấu tốt lắm mà. Nhà báo còn nói người ta phối hợp cây mật gấu uống với nấm lim xanh bệnh ung thư nào cũng chữa dứt…”.
Lúc này, Y sinh có giải thích: “Nhân chứng thì mơ hồ, ví như chúng nói Anh Nguyễn Văn Mai ở Tri Tôn- An Giang hết bệnh ung thư nhờ uống cây mật gấu với nấm lim xanh. Có trời mới biết anh Mai kia ở Tri Tôn là ai? Huyện Tri Tôn mấy chục ngàn dân, bà biết tìm anh Mai kia ở thôn nào, xã nào?”.
Cây mật gấu bị thổi phồng công dụng, Cụ Hồ Thị Lý, ngoài 70 tuổi, cán bộ hưu trí Công an tỉnh Đồng Tháp là một trong số những nạn nhân
Cụ Lý chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của hội chứng dùng dược liệu theo lời đồn, mà cụ thể ở đây là cây mật gấu. Cách đây hơn 1 tháng, theo chân các thành viên đoàn Y bác sĩ Niềm Tin đến thăm khám và tặng quà cho bà con vùng lũ ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, lúc ghé thôn Phú Sơn (xã Xuân Quang 2), trong khi bác sĩ Thế Dũng khám bệnh cho bà con, Tuệ Lâm tiếp xúc với nhiều người mắc cùng lúc nhiều bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, đau nhức xương khớp, thiếu máu não… và phát hiện ra phần đông họ có dùng cây mật gấu.
Khi được hỏi thăm ai chỉ dùng, nhiều người vô tư: “Có đứa cháu đọc trên mạng thấy kêu dùng”.
Trò chuyện với nhiều người, mới biết quanh vùng, có rất nhiều người bị tai biến nằm liệt một chỗ mà trước đó có tiền sử dùng cây mật gấu.
Lạm dụng cây mật gấu cực kỳ nguy hiểm
Một số lương y đăng đàn trả lời cây mật gấu mà không qua thực tế lâm sàng, chỉ dựa trên tài liệu của nước ngoài.
Trả lời về tính dược của một cây thuốc mà không có trải nghiệm thực tế gì, chỉ dựa vào tài liệu của nước ngoài (chắc gì công bố của nước ngoài đã chính xác?), các vị trên nào biết mình đã tiếp tay cho phường ác nhân khi tung hô thái quá để biến người bệnh vừa là con mồi vừa là vật thí nghiệm của chúng.
Cây mật gấu có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết tán ứ, khu trùng. Thường dùng trị viêm gan vàng da cấp tính, viêm túi mật cấp, viêm ruột, lỵ, đòn ngã tổn thương.
Vậy đó, công dụng chính thống của cây mật gấu chỉ như vậy thôi. Vậy mà người ta tung hô ầm ĩ nào là thần dược chữa bách bệnh, bệnh gì uống vào cũng hết, không bệnh uống vô phòng bệnh, giúp khỏe mạnh sống lâu… Có một mà đồn gấp trăm gấp ngàn, miệng lưỡi của người đời và phường ác nhơn khủng khiếp thiệt!
Nhiều tác dụng phụ
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội dược liệu TPHCM khi được Tuệ Lâm hỏi thăm về tác dụng phụ của cây mật gấu, đã nói ngay: “Đó là cây thuốc chữa bệnh, không thể tùy tiện dùng nếu không muốn bị trụy mạch”.
Trụy mạch, có thể hiểu một cách dân dã là huyết mạch sẽ bị đảo lộn, khi tụt khi tăng, từ đó dẫn đến chứng tụt huyết áp hoặc tăng huyết áp, cả hai đều dẫn đến mối hại bị tai biến, nhẹ thì liệt nửa người, nặng thì liệt toàn thân.
Thường cây thuốc có công dụng trị viêm có tính kháng sinh. Cây mật gấu trị viêm gan, là có tính kháng sinh. Đã là kháng sinh thì không được tự ý dùng, không được dùng quá liều, không được dùng kéo dài. Bằng không sẽ bị phá máu huyết, làm suy giảm hệ miễn dịch, cơ thể sẽ hốc hác, đổ đa chứng bệnh mà không rõ nguyên do.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.