Đừng la mắng, xúc phạm con

(lamchame.vn) - Cha mẹ có tâm lý ổn định sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ tự tin, bình tĩnh. Cha mẹ hay la mắng, con sẽ trở nên nhút nhát, nhạy cảm, bướng bỉnh.

Vừa đón cu Bin (10 tuổi) đi học về, chị N.T.K.Q (ngụ quận 10, TP HCM) đã sa sầm nét mặt. Gạt chân chống xe, chị quày quả vào nhà, bắt đầu điệp khúc quen thuộc.

Điệp khúc la mắng

"Sao nói hoài vậy, cứ về đến nhà là ném cặp, vớ, giày dép lung tung. Đúng là đầu bò đầu bướu mà" - chị Q. quát lớn nhưng cu Bin đã chạy lên gác mở máy chơi game, bỏ ngoài tai lời mẹ. Vừa dọn, chị Q. vừa thở dài than: "Con người ta nói một lần nghe, con nhà này ngày nào cũng nhắc mà nghe tai này qua tai kia, như không".

Mỗi ngày cuối tuần, bé Rin (4 tuổi) được ở nhà là hàng xóm lại "điếc tai" vì tiếng la hét của cả mẹ và con. Bé Rin biếng ăn, mỗi bữa ăn có khi kéo dài hơn 2 giờ vẫn không hết chén cơm. Nóng ruột vì lo cho con, chị Đ.T.P.T (quận Bình Thạnh, TP HCM) lớn tiếng la mắng, giục giã. 

Lúc đầu cô bé còn khóc lóc, sau này nghe mẹ la: "Ăn nhanh đi. Rề rề hoài bao giờ mới xong? Giờ ăn không, không ăn đổ thùng rác luôn nha, cho đói luôn"; Rin liền lớn tiếng cãi lại: "Con ăn nè. Mẹ kỳ quá đi! Ồn ào quá đi!".

Ngày 3 cữ, chưa kể những lần con uống sữa, ăn trái cây rồi tắm rửa, đi ngủ…, căn hộ chung cư của họ ầm ào từ sáng đến tối. 

Góp ý thì chị T. phân bua: "Hai ngày cuối tuần có nhiều việc phải làm nhưng chuyện ăn uống của con bé đã ngốn không biết bao nhiêu thời gian. Giao cho ba nó thì cầm chắc không có cái gì vô bụng vì không ăn là ổng dẹp luôn, kêu "đói tự khắc ăn", càng thêm bực".

Trong bữa tối giao thừa cuối năm 2023, tại một nhà hàng ở quận 5 (TP HCM), nhiều ánh mắt ái ngại dành cho cậu bé chừng 6 tuổi đang rưng rưng nước mắt đứng ở góc phòng. 

Nguyên nhân là khi cả nhà đang ăn, cậu bé lại cau có, cầm muỗng khuấy liên tục thức ăn trong chén. Sau nhiều lần giục con ăn, không kìm được, người cha xô ghế đứng dậy: "Sao bữa ăn ngon thế mà mày cau có vậy?". 

Đứa bé nhìn cha nói: "Dở quá! Con không thích". Nghe xong, người cha tức giận: "Mày không ăn thì đi ra ngoài để mọi người ăn". Mặc sự can ngăn của những người bà con ngồi trong bàn, người cha lôi cậu bé ra góc phòng, bắt đứng im ở đó.

Minh họa: KHỀU

Minh họa: KHỀU

Bình tĩnh, nhẹ nhàng

Hai con trai sinh đôi (15 tuổi) của chị Nguyễn Thu Tâm (ngụ quận 3, TP HCM) luôn khiến nhiều người trầm trồ bởi sự tự tin, ứng xử lễ phép, nói năng đĩnh đạc, nhẹ nhàng. 

Hỏi bí quyết nuôi dạy con, chị Tâm cho biết chị may mắn được sinh ra và lớn lên từ một gia đình có cha mẹ là giáo viên, bản thân chị cũng là giáo viên tâm lý học nên "được rèn sự bình tĩnh, kiên nhẫn, nhẹ nhàng nhưng lại rất nguyên tắc, kiên quyết".

"Con trẻ mắc lỗi thường xuyên hay quậy phá khiến nhiều cha mẹ khó giữ được bình tĩnh dẫn đến quát mắng, dọa nạt, nói ra những câu gây tổn thương con, nhất là khi áp lực công việc, gia đình, tài chính đè nặng. 

Tuy nhiên, la mắng, bạo lực bằng ngôn từ có thể gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. Không chỉ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ mất dần lòng tin vào người khác trong tương lai, mà còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí tuệ, cảm xúc của trẻ" - chị Tâm nói.

Cũng theo chị Tâm, lần đầu bị trách mắng lớn tiếng, trẻ sẽ sợ và miễn cưỡng nghe lời. Nhưng khi việc này lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ không quan tâm nữa mà bỏ ngoài tai những lời nói khó nghe từ cha mẹ. Thêm vào đó, trẻ sẽ bắt chước hành vi của cha mẹ, học cách lớn tiếng với người khác, hình thành tính cách nóng nảy.

"Để con nghe lời và tiếp thu, tôi luôn cố gắng hạ giọng khi trò chuyện. Như vậy giúp tôi lý trí, bình tĩnh hơn, cảm xúc cũng được cân bằng; các con dễ tiếp nhận thông tin. Chẳng hạn, tôi nói: "Mẹ biết con không thích nhưng cư xử của con chưa đúng, con cần sửa đổi"… Sau đó nhẹ nhàng phân tích. Con sẽ tự ngẫm và hiểu những gì mà mẹ nói" - chị Tâm chia sẻ.

Được đánh giá nuôi dạy con thành công khi 4 đứa con đều tốt nghiệp đại học, cao học, có vị trí xã hội nhất định và rất hiếu thảo, bà Ngô Thị Hồng Nhạn (78 tuổi; ngụ quận 4, TP HCM) nói bí quyết của bà chính là dùng yêu thương để thấu hiểu và dùng sự nghiêm khắc, chừng mực để dạy con.

"Tôi thường giải thích cặn kẽ để con hiểu những gì nên và không nên, được và không được phép. Nếu xảy ra những việc không như mong muốn, tôi không bày tỏ thất vọng trước mặt con, cũng không buông lời trách mắng, chỉ trích mà ngồi lại cùng thảo luận về nguyên nhân và cách khắc phục tốt nhất. Tôi cũng không ngại nói lời xin lỗi con nếu mình chưa đúng. 

Sự chân thành, tôn trọng, tin tưởng của cha mẹ là động lực quan trọng cho sự tiến bộ của con trong quá trình khôn lớn; cũng là tấm gương để sau này các con dạy dỗ con cái của mình" - bà Nhạn nhắn nhủ. 

Mỗi lời nói và hành động của con cái đều là tấm gương phản chiếu bóng hình cha mẹ. Ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái bắt đầu từ thời thơ ấu và kéo dài suốt đời.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang