Cuộc sống không bao giờ là dễ dàng. Trong cuộc sống, mỗi người đều phải chịu những áp lực nhất định trên vai. Nhưng đối với một số người, áp lực vẫn có thể giải quyết bằng nhiều sự lựa chọn, trong khi một số người khác, cuộc đời họ giống như màn đêm đen, buồn nản, kéo dài và không có lối thoát.
Cha mẹ nào cũng muốn con phải thật chăm chỉ, phải có thành tích tốt và trở thành người vượt trội. Nhưng khi con đặt ra câu hỏi "Vì sao con phải chăm chỉ?", ít ai có thể giải thích được rõ ràng.
Câu trả lời mà một đứa trẻ cần ở đây là gì? Bộ phim tài liệu Thanh Xuân Lưu Thủy Tuyến có lẽ sẽ giúp nhiều phụ huynh sáng tỏ. Đạo diễn đã quay bộ phim trong ba năm, ghi lại cuộc sống và công việc của những người công nhân trẻ tuổi đang làm việc trên dây chuyền sản xuất trong nhà máy, cùng sự bối rối và bất lực mà họ không thể nói hoặc không biết đến từ đâu.
Thành quả của cuộc sống sớm nở tối tàn hầu hết đều chua chát
Ít ai có thể ngờ rằng hơn 90% công nhân trong dây chuyền lắp ráp đều những người trẻ sinh vào những năm 1990-2000. Ở độ tuổi thanh xuân nhưng họ hầu như không còn sức sống và dấu vết của sự đấu tranh nên mới buộc phải hòa nhập vào cuộc sống công xưởng, bản thân lu mờ dần sau các dây chuyền sản xuất.
Dương Bằng, sinh năm 1995, là một "cán bộ kỳ cựu" trong nhà máy với kinh nghiệm làm việc 3 năm. Ngoại trừ vô số vết sẹo trên tay và cơ thể kiệt quệ, cuộc sống công xưởng không mang lại bất cứ điều tốt đẹp nào. Ngay cả bố mẹ của bạn gái cũ cũng từ chối cuộc hôn nhân vì cho rằng anh không có tương lai gì cả.
Bạn gái hiện tại của Dương Bằng cũng đang làm việc trong nhà máy, nhưng đối diện với ống kính, anh không chắc chắn về tương lai của hai người sẽ ra sao.
Trong khi Dương Bằng đã dần thích nghi với cuộc sống này thì bạn gái của anh ấy lại luôn nghĩ đến việc rời khỏi nhà máy và theo đuổi ước mơ của mình. Nhưng cô gái trẻ này lại không có kỹ năng, học lực không cao, việc theo đuổi một cuộc sống có thể bay cao bay xa hơn có thể chỉ là con đường đầy rẫy những chông gai.
Dương Bằng và bạn gái chỉ là đại diện cho những công nhân trẻ tuổi trong nhà máy. Có rất nhiều thanh niên như họ trong cuộc sống, tuổi trẻ và tương lai của họ dường như chỉ có thể gắn chặt với công việc miệt mài trên dây chuyền sản xuất.
Điều đáng sợ không phải là họ đã trở thành lực lượng lao động rẻ nhất và ít tương lai nhất ở độ tuổi rất trẻ, mà là một số người vẫn chưa nhận ra sự khủng hoảng thật sự trong cuộc sống.
Tất Tử Y Lâm, đến nhà máy làm việc từ năm 14 tuổi và anh không nghĩ làm việc trong nhà máy có gì sai: "Có tiền thì đi chơi, ra ngoài kiếm bạn gái".
Có lẽ trong mắt anh, đi karaoke, ra quán game giải trí, tìm các mối quan hệ qua đường thế là hết ngày hết tháng. Anh không biết rằng bên ngoài nhà máy có những ánh đèn neon, những tòa nhà cao tầng, những con người và những thứ tốt đẹp hơn. Vì vậy anh sẵn sàng để thanh xuân của mình cứ thế trôi đi không chút tiếc nuối.
Tuổi 17, 18 dù thua vẫn có cơ hội làm lại từ đầu. Nếu có thể đi học trở lại hoặc tích cực theo đuổi kiến thức hay những điều mới mẻ thì cuộc sống tương lai của những người thanh niên này chắc chắn sẽ khác hơn rất nhiều.
Học hành đã khó, nhưng cuộc sống còn khó hơn
Có người luôn đặt câu hỏi, tại sao xã hội không thể chấp nhận những người ở dưới đáy? Nhưng trên thực tế, xã hội chưa bao giờ từ chối ai mà chính những người đang làm công việc cơ bản đã không thể hòa nhập vào xã hội ngày càng hoàn thiện.
3 giờ sáng, có người đã bắt đầu dọn rác dưới ánh đèn đường, có người thu dọn quầy hàng rồi về nhà ngủ, nhưng một số khác lại chìm đắm trong những giấc mơ ngọt ngào... Cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn cay đắng mà vẫn có rất nhiều điều tốt đẹp tuyệt vời hơn thế. Và chính sự lựa chọn của chúng ta là điều làm nên hương vị cuộc sống.
Đối với nhiều thanh niên, chỉ sau khi họ rời bỏ con đường học hành, họ mới bắt đầu nhận ra được cuộc sống tự do chỉ có được nếu như họ nỗ lực chăm chỉ. Những người chưa từng trải qua sẽ không bao giờ biết được cuộc sống khó khăn đến mức độ nào.
Cũng giống như con cái chúng ta, bọn trẻ sẽ không thể hiểu tại sao bố mẹ luôn yêu cầu chúng phải chăm chỉ học hành bởi lẽ chúng chưa từng được trải nghiệm thực tế về sự khắc nghiệt trong xã hội.
Nhiều công nhân trẻ trong nhà máy khi được hỏi đến đều xúc động nói: Nếu có cơ hội quay lại, tôi nhất định sẽ học chăm chỉ hơn. Cuộc sống bây giờ khó khăn quá!
Vì không có bằng cấp, không kiến thức, rất nhiều người trong số họ đành phải quay lại làm trong công xưởng. Họ muốn đi nhưng không có lối thoát, và họ cũng cảm thấy không muốn ở lại, không thể tiếp tục sống vật vờ như vậy. Họ hoàn toàn bế tắc!
Khi con cái chán học hoặc không có động lực học tập, đó là lúc phụ huynh cần giúp cho con hiểu được rằng những người lao động không có bằng cấp sẽ có cuộc sống như thế nào, tận mắt chứng kiến sự cực khổ và trải nghiệm lao động khó nhọc cũng là kinh nghiệm quý giá cho con cái.
Con cần hiểu được chân lý rằng, nếu có thể chăm chỉ hơn trong quá trình học tập, con sẽ có nhiều lựa chọn tốt hơn khi bước vào xã hội sau này. Chẳng hạn như mức lương cao hơn, cuộc sống thoải mái hơn, có thể hưởng thụ các dịch vụ tốt hơn...
Trong cuộc sống không có gì là dễ dàng, nhưng ít nhất chúng ta có thể chọn mức độ nỗ lực ra sao để giành được những phần thưởng xứng đáng. Bởi chúng ta không thể quyết định nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta có thể làm việc chăm chỉ hơn để cuộc sống sau này trở nên thoải mái, bằng phẳng hơn chứ không chỉ có bóng tối và khó khăn bao trùm.
(Nguồn: 163)
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.