Đừng tưởng con mình đẻ ra muốn đánh bao nhiêu thì đánh: Cha mẹ đánh đập con cái có thể bị xử lý hình sự

Ức chế bạn đánh con, buồn bã bạn đánh con, con lười bạn đánh con, con làm sai một chút lại đánh con… Đôi khi nhiều bố mẹ thượng cẳng chân hạ cẳng tay với con không phải bởi muốn con tốt hơn mà chỉ để xả stress, để chứng tỏ quyền người lớn với con mình. Những đứa trẻ bị bạo hành tất nhiên chịu ảnh hưởng nặng nề về cả tinh thần lẫn thể xác, và đặc biệt, bản thân cha mẹ đánh đập con cái cũng có thể chịu xử lý hình sự.

Thời gian qua, nhiều vụ việc bố mẹ đánh đập, hành hạ con cái, trong đó có nhiều trường hợp gây hậu quả đáng tiếc xảy ra. Tình trạng này hiện rất đáng báo động.

Cộng đồng mạng đã từng vô cùng tức giận và xót xa khi xem được clip người cha trẻ ở Bình Dương, vì giận vợ đòi ly hôn mình, đã dồn hết sự hận thù lên đầu cậu con trai 8 tuổi. Người cha đã quay lại clip ép con uống rượu cùng mình, và chụp ảnh con bị mình đánh bầm tím mặt gửi cho vợ để “dằn mặt”.

Trước đó, một clip trên mạng cũng ghi lại cảnh một nam thanh niên ở Tiền Giang dùng tay đánh tới tấp vào mặt con trai khoảng 3 tuổi, mặc cho người vợ gào khóc. Thậm chí anh này còn hét lên “mày có tin tao giết nó luôn không”. Được biết 2 vợ chồng mấu thuẫn do người chồng nghi ngờ vợ có người khác. Do không làm thế nào được, người chồng đã hành hung con mình để “cảnh cáo” vợ.

 

Chiều 3-4, Phòng cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết vừa ra quyết định khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Minh Tuấn (31 tuổi, trú Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) và Nguyễn Thị Lan Anh (29 tuổi, trú thôn Võng La, huyện Đông Anh) để điều tra về hành vi giết người và tàng trữ trái phép chất ma túy. Bị can Tuấn và Lan Anh đã cùng nhau hành hạ, đánh đập cháu M.M. như bắt quỳ trong chậu nước, dùng kim châm vào tay, đánh vào đầu, vào mặt... khiến cháu bé tử vong.

Bạo hành con cái: cha mẹ đánh đập con cái phạm tội gì?

Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái. Theo đó, cha mẹ phải có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo, giáo dục con, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc cho con. Hiến Pháp nước ta quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ. Điều đó có nghĩa không ai có quyền gây hại đến sức khoẻ, cơ thể của người khác kể cả có là cha, mẹ hay người nuôi dưỡng. Vậy nên hành vi đánh đập con cái của cha mẹ là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, theo Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 nêu rõ các hành vi bị cấm gồm có hành hạ, ngược đãi, đánh đập… xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của các thành viên trong gia đình.

Người thực hiện hành vi đánh đập con cái xem như vi phạm khoản 3 Điều 6 Luật trẻ em: “bạo lực trẻ em”; sẽ bị xử lý hành chính chịu với mức phạt tiền từ 1.000.000 – 1.500.000 với hành vi gây thương tích cho người trong gia đình theo NĐ 167/2013 hay mức độ nghiêm trọng hơn sẽ bị xử lý hình sự theo qui định tại Điều 134 BLHS “Tội cố ý gây thương tích” với mức hình phạt tù từ 06 tháng – 20 năm tuỳ thuộc vào mức độ thương tích gây ra. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì hành vi bạo lực đối với trẻ của thành viên trong gia đình có chế tài xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Ngoài đánh đập con cái, nhiều bậc cha mẹ còn có những hình phạt đáng sợ không kém như bắt con nhịn ăn, nhốt trong phòng, không cho tắm rửa… Những hành vi được kể trên có thể là hành vi hành hạ, ngược đãi người khác mà cụ thể là con cháu, người lệ thuộc mình, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi có thể sẽ chịu mức phạt hành chính là phạt tiền hoặc nặng hơn là phạt tù từ 06 tháng – 05 năm tù giam theo quy định tại Điều 185 BLHS “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình”.

Theo Thành viên diễn đàn Lamchame tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang