Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hầu hết những người mắc COVID-19 đều hồi phục hoàn toàn, nhưng bằng chứng cho thấy có khoảng 10-20% trường hợp đối mặt với tình trạng hậu COVID. Khi đối diện với hậu COVID, bệnh nhân thường có dấu hiệu mệt mỏi, tức ngực, khó thở, ho, stress, mất mùi, mất khứu giác... triệu chứng này xuất hiện trong vòng 3 tháng kể từ khi mắc bệnh. Tình trạng này cũng có thể xuất hiện ở cả những người không triệu chứng trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị lây nhiễm.
Hiện các nhà nghiên cứu đang làm việc với những bệnh nhân phát triển tình trạng hậu COVID-19 để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và mức ảnh hưởng của nó.
Những nhóm F0 nào cần cân nhắc đi khám hậu COVID-19?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng) cho hay hai nhóm đầu tiên nên đi khám hậu COVID đó là F0 bệnh nặng, từng phải điều trị trong phòng hồi sức; hay nhóm người dù âm tính nhưng vẫn cần phải điều trị tại khu phục hồi chức năng... 2 nhóm người này hầu hết đều sẽ bị di chứng hậu nhiễm.
Một nhóm nữa cũng cần đi khám hậu COVID đó là dù đã âm tính nhưng vận động vẫn thấy ngộp thở, tức ngực, vận động kém... đây là dấu hiệu đặc trưng của hậu nhiễm vì vậy cũng cần đi khám. Bác sĩ cho biết, các dấu hiệu trên đôi khi không phải của hậu COVID mà là dấu hiệu các bệnh như hen, suyễn... lúc này càng cần đi khám để có phác đồ điều trị phù hợp.
Nhóm thứ tư mà bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên nên lưu ý đến vấn đề hậu COVID đó là người bệnh sau COVID có dấu hiệu tâm thần như hoảng loạn, lo âu, bế tắc.
Theo bác sĩ Khanh, người bệnh sau COVID nên chú ý các dấu hiệu trong cơ thể, nếu sau khi khỏi COVID-19, người không có triệu chứng hoặc vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường thì không phải đi khám. Chỉ đi khám khi có các triệu chứng trên dai dẳng vài tuần, vài tháng.
Còn theo BS Đinh Thế Tiến (khoa Nội tổng hợp thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), còn có 2 nhóm người cần khám hậu COVID nữa đó là người có bệnh nền (tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường), người trên 60 tuổi mắc COVID.
Cần làm gì khi đối mặt với tình trạng hậu COVID?
Theo WHO, cách tốt nhất bạn có thể làm để tự bảo vệ mình trước tình trạng hậu COVID-19 là làm mọi thứ để tránh nhiễm COVID-19. Bao gồm việc tiêm phòng vaccine ngay khi đến lượt, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, mở cửa sổ thông thoáng nơi ở, rửa tay thường xuyên...
BS Trương Hữu Khanh cho biết khi đối mặt với tình trạng hậu COVID, mọi người cần phải bình tĩnh, chủ động tăng cường dinh dưỡng.
- Trường hợp bị mất mùi nên tập ngửi bằng các loại tinh dầu hoặc vỏ cam, vỏ chanh có mùi hương.
- Người bị rụng tóc cần bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, nhất là kẽm, B Complex.
- Người cảm thấy mệt mỏi hậu COVID cần phải sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
- Người bị ho cần kiểm tra những tác động từ thời tiết, bệnh lý hen suyễn, cảm cúm để loại trừ nguyên nhân do hậu COVID-19. Chỉ đi khám hậu COVID nếu đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa giảm ho.
- Người có biểu hiện đau nhức xương khớp, cơ thể nên sử dụng thuốc xoa bóp, uống giảm đau, tăng cường tập luyện vận động, làm việc nhà nhẹ nhàng.
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/f0-co-dau-hieu-nay-sau-khi-khoi-benh-nen-di-kham-hau-covid-19-222022232111747396.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.