F0 không khai báo y tế sẽ mất quyền lợi gì?
Theo quy định tại Điều 100, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc Covid-19 cần hai giấy tờ:
- Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú.
- Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Trên thực tế, hiện nay, chủ yếu người bệnh Covid-19 tự cách ly và điều trị tại nhà, không thể đến cơ sở khám, chữa bệnh để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Trong khi đó, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động cấp.
Khi đã có được giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH, người lao động nộp lại cho công ty để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau với mức hưởng bằng 75% mức đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Như vậy, trong mọi trường hợp, F0 điều trị tại nhà cần phải khai báo với Trạm y tế để được cấp giấy xác nhận hoàn thành điều trị Covid-19/giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và hưởng tiền trợ cấp ốm đau theo quy định của Luật BHXH. Nếu không khai báo, người lao động sẽ không được cấp giấy và mất quyền lợi này.
Người dân xếp hàng tại trạm y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) xin giấy xác nhận khỏi Covid-19 (Ảnh: Đinh Huy)
Tuy nhiên, thống kê sơ bộ của Bộ Y tế tính đến ngày 1/3, Việt Nam có khoảng 920.000 F0 điều trị tại nhà có nhu cầu cấp giấy chứng nhận mắc Covid-19 để hưởng chế độ, trong đó có chế độ nghỉ hưởng BHXH.
Tại một số địa phương, nhiều người lao động mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà đang gặp rất nhiều khó khăn khi xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau, vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian.
Số lượng F0 đến các trạm y tế xin giấy chứng nhận mắc Covid-19 rất lớn, dẫn đến quá tải hệ thống y tế cơ sở. Các nhân viên y tế đang phải làm việc với cường độ rất cao nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu.
Ở các tỉnh, thành có số ca mắc cao như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, F0 điều trị tại nhà phải xếp hàng, tốn nhiều thời gian để được cấp giấy chứng nhận. Nhiều người đang là F0 nhưng vẫn tự mình đến Trạm y tế để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, do đó nguy cơ gây lây lan dịch bệnh.
F0 điều trị tại nhà không khai báo sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo điểm a khoản 3 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, người có hành vi "che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A" sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Trong khi đó, theo Quyết định 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Covid-19 đã được liệt kê là một trong những bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Như vậy, F0 che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời tình trạng bệnh với Trạm y tế nơi đang sinh sống sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Thực tế nhiều F0 không khai báo y tế, vẫn đến các địa điểm công cộng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Luật quy định hành vi "không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch" sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với cá nhân; từ 60-80 triệu đồng đối với tổ chức.
Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 11 nghị định 117/2020 NĐ-CP quy định, người nào có hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng. Trong trường hợp hành vi vi phạm nêu trên dẫn đến việc lây bệnh cho người khác thì đối tượng liên quan sẽ bị xử lý hình sự.
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/f0-khong-khai-bao-y-te-tu-y-den-noi-cong-cong-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao-162220903094350509.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.