Thời gian gần đây khi số ca mắc Covid-19 tăng sau đã khỏi trở về cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, những thông tin về hậu Covid-19 khiến cho không ít người lo sợ.
Cả tầng chung cư nhà chị Hoài Phương (34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đều trở thành F0. Rất may mắn là tất cả mọi người đều hết bệnh với các triệu chứng rất nhẹ nhàng, chỉ có trẻ con sốt cao mất 1-2 ngày.
Chị Phương chia sẻ đọc thông tin trên mạng thấy mọi người nói nhiều về hậu Covid-19 nên chị khá lo sợ cho rằng: "Dù đã âm tính nhưng virus vẫn nằm sâu trong phổi khi hệ miễn dịch yếu virus sẽ mạnh lên gây ra tổn thương phổi".
Cũng vì thể mà một số chị em cùng tầng với nhà chị Phương đã rủ nhau cho bọn trẻ con đi khám hậu Covid-19. Chị Phương tâm sự: "Bọn trẻ con còn nhỏ quá mà bệnh chẳng biết thế nào. Thôi cứ cho bọn trẻ đi kiểm tra tổng thể sau có chuyện gì đỡ hối hận".
Tâm trạng của chị Phương cũng là nỗi lo lắng của rất nhiều người sau khi đã là F0 có nên đi khám hậu Covid-19 hay không?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho hay, hậu Covid-19 là có và đã được ghi nhận trên thế giới. Đặc biệt, hậu Covid gặp ở những người mắc Covid-19 nặng phải điều trị hồi sức. Hậu Covid-19 cũng giống như hậu truyền nhiễm và cần phải hồi phục. Bệnh nhân sau nằm hồi sức phải chuyển sang tập phục hồi chức năng phổi (xơ phổi), khó khăn đi lại (tập tăng cơ)...
Trường hợp bệnh nhân đi khám sức khoẻ, ảnh minh hoạ.
"Nhiều người hoảng loạn nghĩ mình bị hậu Covid-19, tôi khẳng định hậu Covid phải có triệu chứng không một ai đang khoẻ mạnh, làm việc bình thường mà nói bị xơ phổi được.
Tôi thấy nhiều người đang quá hoảng loạn khi thấy có người đi chụp phổi trắng xoá. Tôi khẳng định không có chuyện phổi trắng xoá khi không có triệu chứng.
Đối với các trường hợp F0 sau khi khỏi nếu thấy còn khó thở nên tập thở, tăng cường dinh dưỡng, đau mỏi người có thể uống thuốc giảm đau. Khi các triệu chứng này kéo dài ảnh hưởng tới sinh hoạt thì mới nên đi khám", bác sĩ Khanh nói.
Theo bác sĩ Khanh có 3 vấn đề hậu Covid-19 đáng lo ngại: tăng đông (bệnh nhân có nguy cơ tăng đông máu khi mắc Covid-19), bệnh nhân mắc Covid-19 quá nặng nằm hồi sức và vấn đề sức khoẻ tâm thần (một số bệnh nhân quá lo lắng cần phải khám điều trị).
PGS.TS Hoàng Thị Phượng, Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội Khoa Y - Đại học Quốc Gia Hà Nội cho hay, không phải ai mắc Covid-19 sẽ bị hậu Covid. Cho nên việc không phải ai cũng cần phải đi khám hậu Covid như vậy sẽ rất lãng phí. Chỉ các trường hợp xuất hiện các triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mới nên đi khám.
Các số liệu thống kê trên thế giới cho thấy có khoảng 10-20% số mắc Covid-19 là có dấu hiệu hội chứng hậu Covid. Hậu Covid có thể xuất hiện trong vòng 3 tháng từ khi mắc bệnh và sẽ tồn tại kéo dài trên 12 tuần và có thể dài hơn.
PGS.TS Hoàng Thị Phượng khẳng định: "Suy nghĩ cứ khỏi bệnh phải đi khám hậu Covid-19 là sai lầm. Các trường hợp mắc Covid-19 có viêm phổi, bệnh lý nền sau khi âm tính nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại nhà chỉ nên đi khám khi có triệu chứng".
PGS.TS Hoàng Thị Phượng cũng cho biết thêm, hậu quả nghiêm trọng nhất của hội chứng hậu Covid-19 là xơ hóa phổi, tắc mạch phổi. Đây là tình trạng di chứng rõ ràng và nặng nề nhất ở hội chứng hậu Covid-19 với các biểu hiện từ nhẹ tới nặng: ho kéo dài, đau tức nực, suy giảm chức năng hô hấp.
Nhóm bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh xơ phổi do hậu Covid-19 là: người cao tuổi, thời gian nằm viện kéo dài, bệnh đồng mắc. Đa số bệnh nhân sẽ có những triệu chứng hô hấp (khó thở, ho) và bất thường chức năng hô hấp. Đặc biệt cần lưu ý chẩn đoán xơ phổi hậu Covid-19 ở bệnh nhân sau 4 tuần nhiễm vẫn có tình trạng: thở nhanh, ho, tức ngực, giảm oxy trong máu.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/f0-lo-so-hau-covid-19-phoi-trang-xoa-nhao-nhao-di-kham-chuyen-gia-dua-ra-khang-dinh-16122220311191495.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.