F0 ra khỏi nhà "nhan nhản", Bộ Y tế vẫn cấm, liệu có hợp lý?

Trong bối cảnh số ca mắc tăng cao như hiện nay, nhiều F0 không khai báo y tế vẫn phải ra ngoài tự mua thuốc và giải quyết công việc gia đình.

Tự test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 hôm 23/2, Nguyễn Thanh Mai, 27 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội được yêu cầu ra trạm y tế phường test lại, để được công nhận là F0.

Mai hơi bất ngờ với thông báo trên, chưa kịp hỏi lại nhân viên y tế thì đầu dây bên kia đã “quá tải”. Cô lo ngại sẽ lây bệnh cho người khác, quyết định mặc áo bảo hộ kín, đem theo lọ rửa tay sát khuẩn.

6h tối, trạm y tế phường khá đông, F1 và F0 đứng xếp hàng “hoà” vào nhau, chờ được xét nghiệm. Mai được lấy mẫu bệnh phẩm, 15 phút sau lên “hai vạch”. Cô được nhân viên y tế đóng dấu công nhận F0, khuyến cáo về nhà tự cách ly và điều trị theo triệu chứng.

“Vì sống một mình, nên trên đường về, mình ghé cửa hàng mua cháo. Mình đứng giãn cách, mặc bảo hộ, không tiếp xúc với ai”, Mai nói thời điểm này số ca Covid-19 tại Hà Nội tăng cao, người thân và hàng xóm đều lần lượt mắc bệnh, không thể nhờ mua hộ thức ăn hay thiết bị y tế.

Theo Mai, trong bối cảnh này, F0 tự đi xét nghiệm, tự chăm sóc, Bộ Y tế nên nới lỏng quy định đối với F0. Nếu người bệnh đảm bảo các điều kiện như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn đầy đủ thì có thể ra khỏi nhà.

“Ở yên trong nhà 10 ngày thực sự bất tiện. Mình cũng ý thức được việc phải đảm bảo các quy định chống dịch, tuy nhiên vẫn có những trường hợp bất khả kháng phải ra ngoài”, Mai chia sẻ.

Anh Hoàng Minh, 35 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội cảm thấy bối rối và “ngại” mỗi khi nhờ người quen mua hộ thức ăn, thiết bị y tế, trong quá trình cả gia đình 5 người tự điều trị Covid-19 tại nhà. Sau hai ngày, vì số lượng hàng lớn, lại không muốn làm phiền người khác, anh tự ra khỏi nhà để “giải cứu” gia đình.

“Tôi dặn hàng quen chuẩn bị sẵn đồ, đứng xa 2m. Sau khi nhận hàng, tôi thanh toán bằng chuyển khoản, không tiếp xúc”, anh Minh nói

Anh nhận định, thực tế hiện nay nhiều F0 không khai báo y tế vẫn phải ra ngoài tự mua thuốc và giải quyết công việc gia đình. Theo anh, khi Việt Nam dần mở cửa trở lại, Bộ Y tế nên tiếp tục nới lỏng một số hạn chế để người dân được sinh hoạt dễ dàng hơn.

“Cách gọi F0, F1 không còn phù hợp nữa. Quan trọng là người dân nên hiểu biết, chọn lọc thông tin, tự điều trị theo triệu chứng”, anh Minh cho hay.

F0 ra khỏi nhà nhan nhản, Bộ Y tế vẫn cấm, liệu có hợp lý? - Ảnh 1.

Nhiều F0 không khai báo y tế vẫn phải ra ngoài tự mua thuốc (Ảnh minh họa)

Bộ Y tế ngày 14/3 ban hành hướng dẫn mới nhất về quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19. Theo quy định mới này, người dân tự xét nghiệm nhanh hoặc PCR, nếu dương tính có thể thông báo cho xã, phường biết, để được công nhận là F0.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu người mắc Covid-19 cần hạn chế ra khỏi nơi cách ly. Khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác.

Quy định này gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, Bộ Y tế khẳng định không có chuyện "F0 được ra khỏi nhà". Cụ thể, người mắc Covid-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định không thể cấm tuyệt đối F0 không ra khỏi nhà. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người bệnh cần hạn chế, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt như làm việc, mua thức ăn hay thuốc men, có thể ra khỏi nhà.

Theo ông Nga, ngày 17/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 38 về chương trình phòng chống dịch Covid-19 để bình thường hoá cuộc sống. Trên cơ sở này, các địa phương cần áp dụng linh hoạt, các F0 không triệu chứng vẫn có thể đi làm bình thường.

“F0 ra khỏi nhà cần tuyệt đối tuân thủ 5K, đeo khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách. Khi đến cơ quan làm việc, F0 phải giữ khoảng cách với người khác, không tham gia hoạt động có thể phát tán virus”, ông Nga nói.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga đánh giá trong bối cảnh 2 năm tới khi Bộ Y tế chuyển Covid-19 từ nhóm bệnh truyền nhiễm A sang B, đây là một chuyển biến tốt, phù hợp với xu hướng trên thế giới.

Ông Nga phân tích, khi Covid-19 chuyển sang nhóm B, không có nghĩa là hết dịch. Bệnh chỉ chuyển từ nhóm “đặc biệt nguy hiểm” sang “nguy hiểm”, nới lỏng các hoạt động kinh tế-xã hội nhưng vẫn phải chống dịch, tiếp tục chương trình tiêm chủng.

“Khi Covid-19 chuyển sang nhóm B, người dân vẫn tuân thủ các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, rửa tay”, ông Nga nhấn mạnh phải bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ có bệnh nền, các bệnh viện vẫn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, thực hiện theo dõi bệnh nhân và đề phòng việc bệnh nhân Covid-19 vào ở chung với bệnh nhân thường.

 

https://kenh14.vn/f0-ra-khoi-nha-nhan-nhan-bo-y-te-van-cam-lieu-co-hop-ly-20220318102649982.chn

 

Theo kenh14.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang