Ông Thái Tiếu Vãn (SN 1941) là một bác sĩ, chuyên gia giáo dục gia đình nổi tiếng tại Trung Quốc. 6 người con của ông lớn lên đều thành đạt và có địa vị cao trong xã hội. Con trai cả, Thái Thiên Văn tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Cornell (Mỹ) và là giáo sư nhiệm kỳ tại Đại học Pennsylvania (Mỹ).
Con trai thứ hai, Thái Thiên Vũ 14 tuổi đã được nhận vào Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. 19 tuổi được nhận giải thưởng khoa học, 25 tuổi thành Tiến sĩ và từng giữ chức phó chủ tịch của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs, Mỹ.
Con trai thứ ba, Thái Thiên Sĩ là một sinh viên tiến sĩ tại Đại học St. John's ở Hoa Kỳ. Con trai thứ tư, Thái Thiên Nhuận là sinh viên tiến sĩ tại Đại học bang Arkansas, Hoa Kỳ, hiện đang thành lập một bệnh viện tư nhân.
Ông Thái Tiếu Vãn bên con cháu.
Con trai thứ năm - Thái Thiên Quân có bằng thạc sĩ của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, và hiện đang làm việc cho Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. Con gái út Thái Thiên Tây mới 18 tuổi đã là ứng cử viên tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts, 28 tuổi trở thành Phó giáo sư trẻ nhất tại Đại học Harvard.
Tại Trung Quốc, ông Thái Tiếu Vãn được ca ngợi là một "ông bố vĩ đại" vì khả năng nuôi dạy con khoa học, vượt trội. Ông được mời xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình để thuyết giảng về cách nuôi dạy con của mình. Không chỉ vậy, ông Thái còn xuất bản sách với tiêu đề "Sự nghiệp làm cha của tôi" (tạm dịch), chia sẻ kinh nghiệm giáo dục trẻ em và trở thành cuốn sách bán chạy nhất năm.
Chân dung ông Thái Tiếu Vãn.
Theo đó, bí quyết để cả 6 người con lớn lên đều thành đạt, xuất chúng hơn người của ông Thái Tiếu Vãn nằm ở những điều sau:
Luôn chú trọng đến yếu tố giáo dục sớm
Ông Thái Tiếu Vãn sinh ra trong một gia đình tri thức, giàu có ở Triết Giang, Trung Quốc. Ngay từ nhỏ, ông đã có đam mê đọc sách và theo học tại một trường trung học nổi tiếng. Sau đó, ông theo học ngành Y nhưng không thể theo đến cùng vì nhiều biến cố thời cuộc. Cuối cùng, ông Thái trở thành một bác sĩ làng và lấy vợ.
Khi biết vợ đang mang thai, ông quyết định phải đầu tư hết sức cho các con về mặt giáo dục và coi việc làm cha là một sự nghiệp quan trọng. Vào thời của ông Thái, văn học đọc sách đang thoái trào và nhiều người cho rằng, sách vở chỉ là kiến thức suông, không giúp ích nhiều trong thực tiễn.
Tuy nhiên, ông Thái Tiếu Vãn không hề đồng tình với điều này. Cả 6 người con của ông đều được bố rèn cho thói quen đọc sách từ nhỏ. Ông bố vĩ đại này thường tặng con những quyển sách, qua đó khuyến khích tinh thần tự học, tự đọc của con. Một điều khác biệt nữa của ông Thái so với những bậc phụ huynh cùng thời, đó là cực kỳ chú trọng đến việc giáo dục sớm cho con.
Vợ chồng ông Thái Tiếu Vãn và các con hồi nhỏ.
Ông Thái bắt đầu giáo dục cho con từ giai đoạn 0 tuổi. Ông cũng cho rằng, mỗi đứa trẻ cần là đối tượng được cha mẹ chú ý đầu tiên trong ngày. "Một người cha chỉ hôn trán con trước khi đi ngủ và cuối tuần là người cha thất bại. Trẻ nhỏ cần nhiều sự quan tâm hơn thế", ông Thái bày tỏ quan điểm.
Khi các con mới chỉ 2 tháng tuổi, ông đã bắt đầu đọc sách cho con nghe và kể về toán học. Đến khi 8 tháng tuổi, cả 6 người con của ông đều có thể bi bô nói được 1 số tiếng và đến khi 1 tuổi thì đếm được từ 1 đến 10.
Khi các con lên 3 tuổi, ông Thái Tiếu Vãn thường kể những câu chuyện toán học theo cách thú vị sau đó hỏi các con về tình tiết, đáp án. Để khích lệ các con học tập, ông Thái tổ chức những cuộc thi toán học nho nhỏ giữa các con, ai trả lời nhanh và chính xác câu hỏi của bố sẽ được thưởng 5 xu. Điều này vừa giúp 6 người con có thêm niềm hào hứng học tập, vừa hiểu được giá trị của tiền.
Ông Thái Tiếu Vãn được mời lên truyền hình để nói về cách dạy dỗ các con.
Vợ chồng ông Thái Tiếu Vãn.
Bên cạnh đó, ông Thái cũng hạn chế cho các con xem tivi. Thay vào đó, vợ chồng ông thường cùng các con nói chuyện, trao đổi về các vấn đề trong sách vở, kể những câu chuyện thần thoại Hy Lạp,... Để các con không ham mê tivi, chính ông cũng làm gương khi không sa đà vào thiết bị vô tuyến.
Một điều vô cùng quan trọng, đó là ông Thái luôn cố gắng tạo môi trường học tập vui vẻ nhất cho các con. Nhà đông con, lại gặp thời buổi loạn lạc nên gia đình ông từng rất nghèo. 8 người chen chúc trong căn nhà vỏn vẹn 16m2. Bên dưới là phòng khám tư của ông Thái, bên trên là không gian để sinh hoạt, ăn uống ngủ nghỉ.
Tuy nghèo nhưng ông Thái Tiếu Vãn vẫn cố gắng mua xe đạp cho các con, để 6 đứa trẻ được thoải mái về tâm lý, vô tư nô đùa như bạn bè cùng trang lứa. Ông bố vĩ đại tin rằng, chỉ khi tinh thần sảng khoái thì việc học tập mới đạt hiệu quả cao nhất. Còn cứ ép buộc việc học tập mà không để ý đến cảm xúc của trẻ thì dần dần trẻ sẽ cảm thấy nhàm chán và không còn động lực. "Việc giáo dục cần nhẹ nhàng và vững chắc", ông Thái Tiếu Vãn nhấn mạnh.
Một bức ảnh chụp đại gia đình ông Thái Tiếu Vãn.
Dạy con đức tính kiên trì, luôn chịu trách nhiệm trước mỗi quyết định
Có 1 điều mà ông Thái Tiếu Vãn luôn căn dặn các con, đó là không có khoảng cách giữa thiên tài và người bình thường. Điều quan trọng là bạn có kiên trì, nỗ lực học hỏi hay không. Hồi còn nhỏ, cậu con trai thứ tư của ông Thái - Thái Thiên Nhuận là người hay bỏ cuộc nhất.
Ông Thái kể lại, cậu từng mê mệt bộ phim Thiếu Lâm tự và muốn bỏ học, lên núi luyện võ để trở thành võ sư. Vợ chồng ông sau đó đồng ý với nguyện vọng của con. Tuy nhiên chỉ mới 2 tháng, Thiên Nhuận đã tỏ ra chán nản và xin bố được quay về nhà học tiếp. Ông Thái khi đó không vội đồng ý với con mà bảo: "Con không thể ngay lập tức quay lại, bỏ cuộc. Con phải kiên trì. Nếu con không chịu trách nhiệm về sự lựa chọn cuộc sống của mình, con làm sao có thể thành công được trong tương lai?".
Thái Thiên Nhuận sau đó tiếp tục học võ nhưng rồi nhận ra bản thân không phù hợp với bộ môn này. Sau đó, cậu trở về nhà và quyết tâm học tập chăm chỉ. Chính sự giảng giải của ông Thái đã giúp con trai biết nỗ lực với lựa chọn của mình, đồng thời nhận ra điều gì thực sự phù hợp với bản thân.
Với ông Thái, các con có quyền được lựa chọn thử sức ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống, được quyền sai lầm và hối hận. Tuy nhiên, trước khi muốn quay đầu, các con của ông buộc phải nỗ lực hết mình, để xem khả năng của mình thực sự đến đâu. Ông không cho phép các con chưa nỗ lực mà đã bỏ cuộc.
Trong cuộc sống hàng ngày, ông cũng cho các con quyền được tranh luận, đưa ra ý kiến của mình. Khi các con bảo vệ quan điểm của mình một cách đúng đắn, ông lập tức khen ngợi để tạo cho con sự tự tin, nâng cao lòng tự trọng.
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.