Chung sống tứ đại đồng đường vẫn "hưởng thụ" Tết được chứ sao?
Gia đình NSND Lan Hương - Đỗ Kỷ, đang sống cùng bố mẹ và các con, cháu nên dù ăn Tết “tứ đại đồng đường” nhưng không hề có sự “bấn loạn” ngày Tết. Nếu không muốn nói rằng cả nhà đang “hưởng thụ” Tết 1 cách đúng nghĩa và đều háo hức với Tết như trẻ nhỏ.
Đã thành lệ, cách ăn Tết của gia đình bà "mẹ chồng quốc dân" này vẫn không hề có sự thay đổi nào dù bao nhiêu năm qua. Vẫn bữa cơm quây quần đoàn viên ngày 30, vẫn cúng cơm 2 bữa mỗi ngày cho đến khi hóa vàng. Như mọi năm, nếu không dính dịch Covid-19, thì việc cả gia đình cùng nhau ra bờ hồ xem bắn pháo hoa, 10 giờ sáng mùng 1 diện áo dài Tết kéo 1 bầu đoàn thê tử đến nhà anh em họ hàng chúc Tết rôm rả là không bao giờ thiếu.
Tất cả những việc này ở gia đình chị đã duy trì như từ xưa đến nay như 1 thói quen. Ngày 25 - 26, cả nhà cùng nhau tự gói bánh chưng. Tết là ăn tập trung cả nhà, trừ những trường hợp bất khả kháng. Ngày Tết bà, mẹ, nàng dâu cùng nhau làm các món ăn, người đàn ông trong nhà dọn dẹp nhà cửa và bày biện bàn thờ, mâm cỗ. Để chuẩn bị cho Tết mỗi người 1 chân, 1 tay. Người trang trí nhà cửa, người cắm hoa, người bày mâm, người dọn nhà lau chùi bàn ghế… cái không khí ấm cúng đó làm nên sự hạnh phúc và thích thú ngày Tết.
Chính vì thế, nghệ sĩ Lan Hương rất ngạc nhiên vì sao mọi người lại kêu sợ Tết, sợ mệt, sợ vất vả đến thế. Tuy Tết nhà chị gọi là cầu kỳ thì cũng cầu kỳ, nhưng đơn giản cũng đơn giản, bởi với chị khi sắm Tết, ăn Tết, chơi Tết biết lượng vừa sức mình, hưởng Tết bằng niềm hứng khởi, không ép buộc mình phải thế này thế kia, thì chỉ có niềm vui ở lại thôi.
Dù mâm cỗ ngày Tết của gia đình chị chuẩn bị khá tinh tươm, cũng nhiều bát, nhiều đĩa. Nhưng là vì chị muốn ngày Tết mâm cỗ tươm tất, nhưng thực ra tâm tưởng thì không hề câu nệ đến mức nhất thiết phải thế này hay thế kia. Mâm cỗ chị chuẩn bị hiện tại là sự kết hợp của các món truyền thống từ xa xưa như nem rán, canh măng, canh bóng, gà luộc, giò, bò kho… và những món mới như tôm, cua hải sản, ngô chiên… mà con cháu thích ăn. Vì thế cũng thành ra nhiều bát, nhiều đĩa.
Nhưng mà dù vậy, chị vẫn cho rằng làm cỗ đơn giản lắm. Có những món có thể làm sẵn như canh măng nấu nồi to, giò xào, nem cuốn trước… còn những món nhất thiết phải làm mới như canh miến, canh bóng, tôm chiên, cua… thì có thể chuẩn bị trước, nấu cũng nhanh.
Do sắp xếp khoa học và khéo léo nên chỉ đến 10h là cả nhà đã cúng xong cơm sáng mùng 1 và ăn xong cơm để diện áo dài đi chơi Tết họ hàng. Chị nói, may nhờ khí hậu miền Bắc vào Tết thường se lạnh, hiện tại điều kiện cũng có tủ lạnh, tủ đông nên chị sẽ chuẩn bị luôn cái gì cũng nhân đôi để làm phần cơm cúng cho buổi chiều. Cơm cúng buổi sáng sẽ được nấu lại để ăn vào bữa tối. Nên vì thế kể cả gia đình có đi chơi đến 4-5 giờ chiều thì cơm cúng và bữa cơm tối cũng được chuẩn bị ra rất nhanh gọn.
Đêm 30 nhà chị bao giờ cũng thổi xôi gấc và luộc gà. Gà thì đã luộc sơ trước, chuẩn bị cho đêm 30 và sáng mùng 1. Làm thế nào để từ 7h đến 10h tối là hoàn thiện xong hết cả việc cúng lễ. Lúc phụ nữ làm trong bếp thì đàn ông sẽ quét dọn lại nhà cửa cho sạch bóng lên 1 lần nữa, chồng chị là nghệ sĩ Đỗ Kỷ làm rất giỏi việc này. Vì thế, dù chu đáo, tỉ mỉ với các thủ tục cúng bái, lễ lạt nhưng lúc nào cả nhà chị vẫn có thời gian cùng nhau đi xem bắn pháo hoa đêm giao thừa. Chị rất thích không khí ở thời khắc linh thiêng cả nhà cùng nhau ngắm pháo hóa và nghĩ về những điều tốt đẹp cho năm mới. Rồi lúc trở về nhà là con cháu chúc Tết ông bà, ngồi ăn uống bằng sạch hết phần xôi gà, rót rượu chúc tụng nhau đến 2 giờ sáng. Thế nhưng đều đặn 6 giờ sáng mùng 1 chị sẽ dậy để làm cơm cúng.
"Không cần thiết phải chuẩn xác bao nhiêu đĩa, bao nhiêu bát, có cơm canh và lòng thành là được. Nhưng các cụ vẫn nói giỗ cha không bằng lo 3 ngày Tết, nên mình cũng chuẩn bị 1 mâm cơm thịnh soạn, có nhiều món cả truyền thống và hiện đại. Nhưng lúc nào cũng có 3 bát canh (canh măng, canh bóng, canh miến). Có đĩa thịt gà, nem, giò xào, bò kho... ngoài ra có những món mới như tôm rán, cua, hạnh nhân, bắp bò muối...
Món ăn ngày Tết trong gia đình mình không bao giờ thiếu là món bò kho, bò ở giữa cho 1 lõi mỡ thăn rồi cuốn vào kho nước mắm gừng. Đến lúc ăn thì thái lát mỏng ăn với dưa góp, dưa hành, bánh chưng. Canh măng mình thường nấu 1 nồi to, đến từng bữa múc ra từng bát. Nước luộc gà thì dùng nấu canh bóng. Vì thế, ngày Tết nhà mình cũng bày mâm cơm thịnh soạn, nhưng không bao giờ quá vất vả.
Ngày Tết có thể cầu kỳ hơn mà làm nhiều món, 4 bát 12 đĩa cũng đủ, mà 1 bát canh 1 bát cơm cũng là đủ. Cỗ to, cỗ bé là do điều kiện của bạn, không nên vì thế mà quá căng thẳng. Bởi suy cho cùng Tết cũng chỉ là lấy chữ vui là chủ yếu, còn không ai bắt được bạn phải theo 1 quy chuẩn nào hết", nghệ sĩ Lan Hương chia sẻ về cách chuẩn bị cơm 3 ngày Tết như thế.
Nhà nghệ sĩ Lan Hương - Đỗ Kỷ vẫn duy trì việc đi chúc Tết đều đặn, đầu tiên là tứ thân phụ mẫu, sau là họ hàng, đặc biệt những ông bà, các bác lớn tuổi. Gia đình đông người nên đi 1 bầu đoàn đổ bộ vào các nhà ríu ran, chúc tụng cười nói vui vẻ. Trẻ con thì háo hức được nhận lì xì, mọi người thì mừng tuổi các cô dì, chú bác lớn tuổi để mong các cụ sống lâu cùng con cái, bởi bình thường có biếu tiền chưa chắc các cụ đã nhận.
Chị cũng nói rằng lì xì cho trẻ con thì lấy may thôi, nhưng mừng tuổi cho người lớn thì nên để ý vì họ là những người lớn tuổi sức khỏe đã yếu đi, còn có thể sống phụ thuộc vào con cái nữa.
Chị tâm sự: “Thời gian của những người lớn tuổi ngày càng rút ngắn đi và những lời chúc trên facebook cũng chỉ phần nào. Vẫn không gì bằng những lời thăm hỏi trực tiếp, những cái ôm, những ánh mắt, ngồi uống với nhau chén trà, cắn hạt bí hạt dưa, như thế sẽ gắn bó với nhau hơn. Bạn cũng không thể biết rằng có người gửi lời cảm ơn và nói rằng họ ổn, nhưng thực ra họ đang nằm trong bệnh viện. Cuộc sống hữu hạn, thời gian của những người lớn tuổi không còn nhiều, đừng lệ thuộc vào mạng xã hội mà đánh mất sự xúc động của con người và lạnh nhạt với nhau đi”.
Tất nhiên năm nay vì dịch Covid-19 thì khác, nhưng nếu mọi chuyện diễn biến bình thường thì đó là thói quen của gia đình từ xưa đến nay luôn đều đặn duy trì.
Nàng dâu, mẹ chồng đừng đẩy nhau về 2 chiến tuyến
Tuy người ta gọi chị là "mẹ chồng quốc dân", nhưng nghệ sĩ Lan Hương lại nổi tiếng với vai bà mẹ chồng tai quái, khó tính trong phim "Sống chung với mẹ chồng". Vậy thực tế ngoài đời chị làm mẹ chồng như thế nào khi hiện đã có 2 nàng dâu?
Bản thân nghệ sĩ Lan Hương cũng từng làm dâu, trong căn nhà hẹp cùng nhiều gia đình anh chị khác, chị cũng có những “nỗi khổ” của việc làm dâu nên chị thương con dâu lắm. Tất nhiên, đó chỉ là nỗi khổ của sự chật hẹp, của khó khăn thời bao cấp và những tư tưởng cũ. Mẹ chồng chị cũng là người hết mực yêu thương con cái, nhưng cũng phải "lựa" mà sống. Vì thế, nên chị muốn con dâu mình được thoải mái khi sống cùng nhà.
Bố mẹ, ông bà lớn tuổi cách ăn có phần khác, thấy con dâu ngắc ngứ là chị nói thầm: "Tí mẹ rửa bát cho, 2 đứa ra ngoài ăn cái gì ngon ngon đi". Ngày Tết thương con dâu vướng con nhỏ nên chị nghĩ có thái củ su hào, cà rốt... bày biện làm 1 số món ăn cũng đơn giản thôi nên để yên cho con dâu ngủ. Ấy thế mà tự dưng thấy nàng dâu chạy sầm sầm xuống bảo sao mẹ không gọi con dậy để con làm với. "Con bé thích nấu nướng, bày biện rất khéo, thích không khí nấu nướng cùng mẹ và bà nên hào hứng với những việc này. Mình sẵn sàng để con bé nếu muốn có thể ngủ thêm, không nhất thiết phải dậy, nhưng mà không gọi con bé cũng chạy xuống", chị nói.
"Tụi nhỏ cũng biết quan sát và rất có trách nhiệm. Nó bảo: "Mẹ ơi mẹ dạo này con thấy cụ có vẻ yếu, đi cầu thang chậm hơn. Và ví dụ khi mình đi công tác, chúng nó biết phân công để trông cụ. Niềm hạnh phúc đó đơn giản nhưng lớn lắm. Tụi nhỏ không phải khéo léo, đảm đang nhưng thật sự rất biết và mình hạnh phúc khi nhà có thêm con", chị tâm sự.
Chị bảo đàn bà con gái nhiều khi sợ Tết là do không giải phóng tư tưởng cho chính mình. Nếu không có điều kiện thì ngày bình thường thắp hương như thế nào thì ngày Tết cũng thắp hương như thế. Ngày Tết bình thường có "sầm uất" hơn, nhưng điều kiện đến đâu ta dùng đến đó, như thế sẽ không áp lực gì cả.
"Không cần phải áp đặt nhất nhất phải có bánh chưng, ăn bánh chưng thì ngán, có đĩa xôi thôi cũng được, hoặc mua chiếc nhỏ nhỏ thôi. Phụ nữ phải biết giải phóng tư tưởng cho chính mình, sống bằng sự thích thú của mình, không cần phải chạy theo cho giống mọi người đâu", chị nói.
Có 2 nàng dâu, là mẹ chồng nhưng chị chưa từng làm nàng dâu phải khó xử hoặc làm cho chính mình khó xử. Chưa bao giờ chị phải dạy con làm dâu phải như thế nào, mẹ chị cũng chưa từng dạy chị, nhưng nhìn vào cách sống của người đi trước mà thành lối sống thôi. Nhiều thứ chị cũng không áp đặt rằng phải thế này thế kia mà dùng tư duy mở, chị biết thương nàng dâu, thương lũ trẻ giờ khác nên cũng để cho chúng được tự do.
Ví dụ việc đi thăm hỏi họ hàng là thành lệ, nhưng có việc gì đó mà lũ trẻ không đi cùng được thì chỉ cần thấy chị bảo: "Hôm nay mẹ lên bà X. hỏi thăm, bà "điểm danh" thấy thiếu 2 vợ chồng, bà gửi tiền lì xì cho lũ trẻ này". Thế là con dâu tự bảo rằng: "Ôi, bà chu đáo quá, con lên thăm ông bà ngay đây.
"Trong 1 lần đi diễn, có 1 bạn đã tâm sự với mình thế này: Cháu cảm ơn cô lắm, nhờ phim Sống Chung Với Mẹ Chồng mà mẹ chồng cháu trước đây chỉ xưng tôi, gọi chị mà 1 ngày gọi điện bà bảo: "Con có về sớm không, mẹ phần cơm". Cháu cảm thấy hạnh phúc lắm. Bạn ấy nói thế mà mình thương vô cùng.
Có bạn thì lại bảo cháu bận tối tăm mặt mũi, không biết dọn nhà vào lúc nào, lo Tết quá. Mình bảo cứ nghĩ đơn giản đi, giữ khoảng tối thiểu ở gian phòng khách gọn gàng, khách nào vì tình cảm thì sẽ tới mà thông cảm, còn nếu không thì cũng không sao. Tết thì nên dọn nhà nhưng cũng không nhất thiết phải dọn, thường ngày sống như thế nào Tết vẫn sống như thế có sao đâu. Có bạn lại nói rằng sợ Tết vì Tết phải gặp những người không muốn gặp, mình nói rằng nếu không muốn gặp bạn cũng có thể tránh đi, cũng không có điều gì là bắt buộc cả, việc gì thoải mái thì làm".
Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu có khi vì nàng dâu hiếu thắng, mẹ chồng bảo thủ mà không thể hòa hợp. Nhưng nếu mỗi người chịu nhường nhau 1 chút và tôn trọng sự khác biệt thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Bản thân chị cũng từng phải xử trí khéo léo. Ví dụ có 1 hôm chị nấu mì xào, nhưng mẹ chồng chị bảo không thích ăn mì xào. Vậy thì chị đã tính được cả việc sẵn sàng làm cho bà bát mì nước. Chị cho rằng nàng dâu cũng không có quyền gì tước đi niềm thích thú riêng của mẹ chồng. Có những điều họ khó thay đổi và mình nương theo 1 chút là được. Ngược lại bản thân chị vốn ghét đồ ăn nhanh như gà rán, nhưng nếu tụi trẻ thích thì đó là quyền của chúng, chị tôn trọng và không bao giờ ngăn cản.
Tuy người già khó thay đổi nhưng không phải họ không thay đổi. Và việc chinh phục họ bằng tấm lòng, bằng sự chân thành thì có lẽ cũng đem đến 1 kết quả như mưa dầm thấm lâu vậy.
"Các bà mẹ chồng cũng phải xác định đấy là con dâu, tức là mình có thêm 1 đứa con gái, chứ không phải là 1 đứa chống lại mình. Bởi nghĩ cho cùng mình cũng là phận nữ, cũng từng làm dâu, cũng có điều đã từng chạnh lòng. Vậy nên cố gắng để tránh cho nàng dâu gặp phải những tình huống khó xử đó, không nên đẩy họ về 1 chiến tuyến ngược với mình. Nội ngoại chỉ là cách để phân biệt 2 gia đình vợ hay chồng thôi, chứ không nên để phân biệt ai là chính, ai là phụ", chị nói.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.