Giảng viên Bách khoa nói về nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất HUST, 9 điểm/môn vẫn trượt, chưa ra trường đã được mời về làm việc

(lamchame.vn) - Đây đều là những ngành học "trong mơ" của dân khối A.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, nhóm ngành liên quan đến Công nghệ thông tin đã chứng kiến mức điểm cao kỷ lục. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn cao nhất theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là ngành CNTT: Khoa học Máy tính (IT1, 29,42 điểm) tức thí sinh phải đạt hơn 9,8 điểm/môn mới có thể trúng tuyển). Tương tự ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10, 28,8 điểm); CNTT: Kỹ thuật Máy tính (IT2, 28.29 điểm).

Trong khuôn khổ của Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 được diễn ra tại sân trường Đại học Bách khoa Hà Nội mới đây, giảng viên chịu trách nhiệm tư vấn tại gian tư vấn của Trường Vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội) tiết lộ, nhiều sinh viên học ngành CNTT của trường dù chưa tốt nghiệp đã được các công ty mời về làm việc với mức lương "ngàn đô".

Giảng viên Bách khoa nói về nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất HUST, 9 điểm/môn vẫn trượt, chưa ra trường đã được mời về làm việc - Ảnh 1.

Các bạn học sinh tham khảo các ngành tại gian tư vấn của Đại học Bách khoa tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 (Nguồn: Đại học Bách khoa Hà Nội - Hanoi University of Science and Technology)

Đã là dân khối A, nếu muốn học CNTT thì chắc hẳn Bách khoa là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rằng CNTT là một thuật ngữ rất rộng và tại Đại học Bách khoa, trường gói gọn CNTT thành công thức: CNTT = Khoa học Máy tính (IT1) + Kỹ thuật Máy tính (IT2) + Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10).

Và IT1 , IT2 và IT-E10 cũng chính là 3 ngành nhận được sự quan tâm của các bạn học sinh. Song nhiều học sinh hiện vẫn chưa biết 3 ngành này có sự khác biệt như thế nào.

Phân biệt 3 ngành IT1 , IT2 và IT-E10 tại Bách khoa

- Khoa học Máy tính (IT1) là ngành liên quan đến lập trình phát triển ứng dụng chạy trên máy chủ (server), máy tính (PC, laptop, và thiết bị cá nhân thông minh) sử dụng các kiến thức về công nghệ phần mềm, và hệ thống thông tin nói chung. Khoa học Máy tính là ngành đào tạo cơ bản nhất trong các lĩnh vực liên quan đến CNTT.

Học IT1, sinh viên sẽ có đầy đủ kiến thức về phát triển phần mềm, xây dựng và quản trị cơ sở dữ liệu, phát triển các giải pháp tích hợp nhằm cung cấp các hệ thống thông tin phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, phát triển và tối ưu các giải thuật tính toán, các phương pháp và hệ thống tính toán song song, tính toán phân tán, xử lý dữ liệu lớn, các kỹ thuật và phương pháp phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, học máy…

- Kỹ thuật Máy tính (IT2) là lập trình trên thiết bị với bộ vi xử lý có năng lực tính toán, dung lượng bộ nhớ hạn chế hơn, năng lượng – pin – cũng hạn chế hơn, người ta hay gọi chung là hệ nhúng. Ví dụ: Lập trình trên camera thông minh, robot, hay điện thoại.

Ngoài ra IT2 còn dạy các kiến thức về mạng máy tính, truyền dữ liệu (làm thế nào để dữ liệu truyền từ máy này đến máy kia hiệu quả), và đặc biệt là an toàn thông tin (bảo mật, chống tấn công mạng…), cũng như một phần kiến thức quan trọng về xử lý tín hiệu, điện tử số, ghép nối… để các em có thể can thiệp sâu hơn xuống mức thiết bị nếu cần, dù hiện tại các nhà sx phần cứng đã đáp ứng hầu hết nhu cầu đa dạng, và trong đa phần giải pháp, hơn nhau là phần mềm trên thiết bị, và đó là mục đích của IT2.

Giảng viên Bách khoa nói về nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất HUST, 9 điểm/môn vẫn trượt, chưa ra trường đã được mời về làm việc - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

- Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10) là chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm đào tạo các chuyên gia trình độ cao về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên theo học IT-E10 tại Bách khoa sẽ được trang bị các kiến thức toán đặc thù của ngành như xác suất -thống kê, sau đó ở giai đoạn chuyên ngành, sinh viên được đào tạo tập trung vào các mảng chuyên môn của lĩnh vực như AI, học máy, học sâu, các phương pháp/kỹ thuật nhận dạng, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy, xử lý dữ liệu lớn…, cũng như các kiến thức cơ bản ở một số lĩnh vực ứng dụng quan trọng như: phân tích kinh doanh (BA), trí tuệ kinh doanh (hoặc có thể dịch là kinh doanh thông minh, BI)…

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên theo IT-E10 có thể trở thành các chuyên gia phát triển các hệ thống, công cụ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, cũng như các chuyên gia ứng dụng các công nghệ này trong các lĩnh vực khác nhau ví dụ: tài chính, ngân hàng, chứng khoán…

Tóm lại, cả 3 ngành IT1, IT2, và IT-E10 tại Bách Khoa sẽ đều học lập trình, trong đó: IT1: chuyên sâu về công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin…; IT2: chuyên sâu về hệ nhúng và IoT, mạng máy tính, an toàn – an ninh thông tin…; IT-E10: chuyên sâu về khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.

Tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang