Năm 2023 chứng kiến một loạt các công ty công nghệ thông báo sa thải hàng trăm nghìn nhân viên do tình hình kinh tế bất ổn và giảm sút. Những công ty lớn như Alphabet, Amazon, và Meta đều đã thông báo về việc cắt giảm lớn, với tổng số lên tới hơn 262,000 nhân viên bị ảnh hưởng trên toàn cầu và con số này còn tiếp tục gia tăng.
Amazon đã sa thải 18,000 nhân viên từ tháng 11 năm 2022 đến tháng 1 năm 2023 và công bố kế hoạch sa thải thêm 9,000 nhân viên trong tháng 3. Salesforce và Dell cũng không nằm ngoài cuộc với việc thông báo cắt giảm lần lượt 8,000 và 6,650 nhân viên. Đây chỉ là số ít trong các công ty công nghệ lớn thực hiện cắt giảm nhân sự.
Bên cạnh đó, các công ty như Block, PayPal, iRobot, và Microsoft cũng đã báo cáo về việc phải giảm nhân sự đáng kể. Từ việc Block sa thải khoảng 1,000 người, PayPal bắt đầu sa thải hàng ngàn nhân viên, iRobot cắt giảm 350 người, và Microsoft giảm 1,900 nhân viên trong các mảng liên quan tới gaming chỉ trong một thời gian ngắn.
Sự sa thải rộng rãi này không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn làm dấy lên lo ngại về việc AI có thể sẽ thay thế các vị trí công việc, đặc biệt là đối với những sinh viên mới ra trường như Đinh Long.
Cơ hội nào cho sinh viên IT mới ra trường?
"Khi mới bắt đầu, mình cảm thấy lo lắng trước viễn cảnh có thể bị AI thay thế. Công nghệ phát triển quá nhanh, khiến mình tự hỏi liệu mình có còn chỗ đứng trong ngành này hay không". Đây là lời giãi bày của Đinh Long, cậu sinh viên 22 tuổi vừa tốt nghiệp chuyên ngành "Công nghệ Thông tin" của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), một trong những trường top đầu về đào tạo các chuyên ngành IT.
Công nghệ Thông tin, vốn là một ngành học "hot trend" trong vài năm trở lại đây. Bằng chứng chẳng đâu xa, có thể thấy độ "hot" của chuyên ngành này từ việc nhìn vào điểm chuẩn để đậu vào các trường đại học thuộc hàng top đều cũng cao chót vót. Cá biệt có trường hợp sinh viên đạt điểm tối đa là 30 điểm trong tổ hợp môn xét tuyển vẫn... trượt, chỉ vì có quá nhiều sinh viên cùng đạt tổng điểm tương tự, và những sinh viên ấy được cộng thêm điểm ưu tiên và nghiễm nhiên nằm trong danh sách trúng tuyển.
Đặc biệt, với sự xuất hiện của những "tay ngang" từ các ngành học khác chuyển qua làm công việc liên quan đến công nghệ thông tin, sự cạnh tranh này càng trở nên gay gắt. Tôi từng quen một anh bạn học chuyên ngành Thiết kế nội thất của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, đi làm công việc liên quan tới Nhiếp ảnh ngay khi ra trường, sau đó chuyển sang làm các công việc Thiết kế đồ hoạ, về cơ bản thì vẫn liên quan tới chuyên ngành anh bạn này học. Nhưng sau khoảng 2 năm không trò chuyện, một ngày khi vào trang cá nhân của anh bạn kể trên, tôi bất ngờ khi thấy "Nhiếp ảnh gia" tôi quen ngày nào giờ đây đã chuyển sang làm công việc Lập trình Web, chuyên nhận thiết kế giao diện Front-End cho các website. Lập trình Web cũng là lĩnh vực được rất nhiều "tay ngang" chuyển sang làm việc, bởi lĩnh vực này được đánh giá là dễ học, thị trường tuyển dụng có nhu cầu cao, nhưng đi kèm với đó cũng là sự cạnh tranh cao.
"Nhìn xung quanh, mình cảm thấy hầu như ai cũng hơn mình. Những đứa bạn bỏ học từ năm nhất, năm hai, giờ đã đi làm được 4 năm hay tự kinh doanh riêng cũng gặt hái được những thành công nhất định. Bản thân mình dù đã lấy được tấm bằng danh giá, thế nhưng làn sóng sa thải toàn cầu đúng giai đoạn ra trường đã khiến cuộc sống mình trở nên bế tắc hơn bao giờ hết", Đinh Long lo lắng. Tôi phần nào hiểu được cảm giác của Đinh Long, bởi đã từng có giai đoạn, tôi cũng mông lung về tương lai của mình, trong khi áp lực đồng trang lứa luôn đè nặng trên đôi vai.
Với sự phát triển không ngừng của AI, nỗi lo về việc AI sẽ thay thế những sinh viên mới ra trường hoàn toàn dễ dàng trở thành một áp lực lớn. "Mỗi ngày, tin tức về AI tràn ngập trên mạng xã hội. Chưa bao giờ mình cảm thấy stress về công việc và ngành học như bây giờ", Đinh Long bối rối sau khi nghe tin tức các công cụ AI đang ngày càng thông minh và có khả năng học hỏi nhanh chóng tới mức cảm thấy bản thân không còn có thể cạnh tranh được.
Dạo một vòng qua các trang tuyển dụng ngành IT, có thể thấy rằng, trong năm 2023 vừa qua, số lượng vị trí thực tập và junior được tuyển dụng có phần giảm sút đáng kể. Sự thắt chặt trong tuyển dụng phản ánh một phần từ tình hình kinh tế bất ổn và sự chuyển mình của ngành công nghệ thông tin với những bước tiến của AI và tự động hóa. Những vị trí còn lại đòi hỏi kinh nghiệm làm việc cụ thể hoặc kỹ năng chuyên sâu, khiến cho cơ hội đối với sinh viên mới ra trường trở nên hạn hẹp. Điều này không chỉ tạo ra thách thức lớn cho những người mới bắt đầu sự nghiệp mà còn khiến nhiều sinh viên mới ra trường như Đinh Long lo lắng về tương lai của mình trong ngành.
"Áp lực tạo nên kim cương"
Đối mặt với áp lực cần phải không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức, Đinh Long đã tìm cách thích nghi. "Mình nhận ra rằng, nếu không thể cạnh tranh được với AI, thì hãy làm bạn với AI".
Rõ ràng, với tâm thế không ngần ngại học hỏi, trau dồi kiến thức, thì bạn sẽ luôn tự tin với những gì mình đã và đang làm.
Ông Hoàng Tiến Nam, nguyên Chủ tịch FPT Telecom, trong một buổi giao lưu với các bạn sinh viên, khi được hỏi về vấn đề liệu AI trong tương lai có thể khiến các sinh viên mới ra trường thất nghiệp hay không, ông đã phát biểu một câu như thế này: "Nếu không có khả năng tư duy độc lập, bạn sẽ trở thành người bình thường và nhanh chóng trở thành người tầm thường. Còn nếu các bạn là người xuất sắc, sẽ không có AI hay ChatGPT nào có thể thay thế được các bạn".
Có thể bạn sẽ cho rằng "trong 1000 người thì được mấy người thực sự xuất sắc vượt trội?". Nhưng nếu không cố gắng mỗi ngày, bạn sẽ trở nên tầm thường như lời ông Hoàng Tiến Nam nói. Và với những người tầm thường, chẳng khó khăn gì để AI có thể thay thế một cách dễ dàng. Cần nhớ rằng, sự cố gắng và nỗ lực chiếm phần lớn tỷ trọng để tạo nên sự xuất sắc trong con người bạn.
Điều này cũng được chứng minh qua nghiên cứu và sự phát triển trong ngành. Từ những gì mà chúng ta thấy ở kỷ nguyên AI, các công cụ AI rõ ràng không chỉ đem lại thách thức mà còn mở ra cơ hội mới cho bất cứ ai có thể học hỏi bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào, chứ không riêng gì lập trình viên.
Đinh Long đã bắt đầu tập trung vào việc phát triển kỹ năng trong AI và học máy, một lĩnh vực mà cậu bạn tin rằng sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới. "Mình đăng ký ChatGPT 4 để biến công cụ này thành trợ lý riêng. Mỗi sáng ngủ dậy, mình có một danh sách các việc cần làm từ dễ đến khó. Mình ưu tiên các công việc dễ trước, sau đó dùng ChatGPT để lên hoạch định cho các công việc khó hơn, đưa ra chỉ dẫn làm sao để hoàn thành công việc một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Nghe có vẻ rườm rà, nhưng khi đã quen, mỗi buổi sáng mình chỉ dành ra đúng 30 phút để tạo ra một lịch trình làm việc xuyên suốt cả ngày." Đinh Long chia sẻ.
"Không chỉ riêng ChatGPT, mình còn ứng dụng nhiều công cụ AI khác để tìm ra công cụ hiệu quả phù hợp với tính chất từng đầu việc. Chi phí đầu tư vào các công cụ AI hoàn toàn xứng đáng và nó đem lại rất nhiều lợi ích trong công việc và cuộc sống".
Tôi tin rằng, mặc dù AI có thể thực hiện nhiều công việc, nhưng khả năng sáng tạo và hiểu biết sâu sắc về nhu cầu con người vẫn là điều mà AI khó có thể nào thay thế được. Các công cụ AI, về cơ bản vẫn cần tới sự giám sát của con người, và nếu bạn tự tin có thể giám sát các công cụ này một cách chặt chẽ, tận dụng AI như một trợ lý đa năng, cộng thêm sự nỗ lực và khao khát học hỏi của chính bản thân, tôi tin rằng bạn sẽ trở thành một trong những cá nhân xuất sắc nhất trong số "1000 người" kể trên, và tới lúc đấy, AI sẽ làm việc cho bạn, chứ không bao giờ AI có thể thay thế được bạn.
"Làm bạn với AI" hay còn được hiểu là "thích nghi với kỷ nguyên AI". Việc thích nghi này lại khiến tôi tự ra một câu hỏi cho chính bản thân: "Có AI, chúng ta sẽ trở nên lười biếng hơn, hay sẽ chăm chỉ hơn?". Có lẽ chủ đề này tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác.
Cuộc hành trình của cậu bạn sinh viên Đinh Long mới chỉ bắt đầu, vẫn còn vô vàn khó khăn phía trước, thách thức niềm tin và sự nỗ lực của cậu bạn Đinh Long nói riêng, cũng như thế hệ Gen Z nói chung. Chẳng phải ngẫu nhiên mà dân gian có câu "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", bạn không cố gắng, không trau dồi bản thân, không nỗ lực hơn ngày hôm qua, bạn sẽ bị bỏ lại sau cùng, đấy là quy luật rồi.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.