Khi còn nhỏ, Marc Brackett (1969, người Mỹ) từng là cậu nhóc có thành tích học tập kém. Ít ai biết nguyên nhân đằng sau là do Marc Brackett từng bị xâm hại tình dục, khiến cậu chịu tổn thương tâm lý, dẫn đến bỏ bê học hành. Suốt thời gian dài, Marc Brackett không dám chia sẻ với cha mẹ về sự thật đau buồn này. Cậu cũng không có bạn bè thân thiết trong trường, do tính cách hướng nội, khép mình với đám đông.
Cha mẹ Marc Brackett rất yêu thương và quan tâm con trai. Tuy nhiên, họ có một điểm chung là dễ mất bình tĩnh và không thể đương đầu với các vấn đề liên quan đến cảm xúc. Điều này càng khiến Marc Brackett tự tách rời bản thân khỏi cha mẹ, căn bệnh tâm lý cũng vì thế trầm trọng hơn.
Tuổi thơ của Marc Brackett là chuỗi ngày liên tiếp trôi qua trong ảm đạm. Cho đến khi cậu gặp được chú mình - một người đàn ông thực sự quan tâm và biết cách lắng nghe. Kết thân với chú, Marc Brackett cảm nhận được sức mạnh to lớn của việc điều khiến cảm xúc, từ đó biết thế nào là yêu thương bản thân hơn.
Những cuộc trò chuyện cởi mở giữa hai chú cháu đã "thắp sáng" cuộc sống sau này của Marc Brackett. Nhờ sự phấn đấu không ngừng, Marc Brackett không chỉ được chữa lành căn bệnh tâm lý mà còn có sự nghiệp thành công, truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Hiện tại, ông là nhà tâm lý học và cũng là Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu trẻ em (Child Study Center) thuộc ĐH Yale danh tiếng.
Trong suốt sự nghiệp, ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu sức mạnh của cảm xúc tới thành công của mỗi người. Ông đề cao tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc (EQ) tới thành công của mỗi người trẻ.
Cũng theo giáo sư, trong gia đình, nếu một trong cha mẹ có khả năng điều khiển cảm xúc tốt, EQ cao và dạy được đứa trẻ kỹ năng này thì có thể dẫn đến thành công vượt trội trong tương lai. Nhiều trường hợp phụ huynh dạy con kìm nén bộc lộ cảm xúc bên trong có thể khiến trẻ gặp các vấn đề tâm lý, dẫn đến hậu quả khôn lường.
Dựa trên kết quả nghiên cứu trong 40 năm, Marc Brackett đã chỉ ra 4 sai lầm to lớn của cha mẹ trong cách giáo dục con cái. Trong mỗi trường hợp, cảm xúc của đứa trẻ đóng vai trò lớn dẫn đến thành công, tiếc là cha mẹ lại phớt lờ suy nghĩ của con, dẫn đến nhiều hệ luỵ nghêm trọng.
- Sai lầm 1: Khả năng học tập của con chỉ được quyết định bởi trí số IQ
Nếu kết quả học tập của con không tốt, cha mẹ thường tìm cách bắt con học thêm người này người kia, thay vì tìm hiểu nguyên nhân sâu xa đằng sau. "Con có mối quan hệ tốt với thầy cô và bạn bè ở trường không? Con có bị bạn bắt nạt? Con có đang chịu quá nhiều áp lực?"... đây mới là những câu hỏi mà cha mẹ cần trả lời khi điểm số của con "xuống dốc", thay vì chỉ giải quyết vào vấn đề ở bề nổi.
Theo giáo sư Marc Brackett, cảm xúc của trẻ tốt hay không, mới thực sự là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả học tập của con. Cụ thể hơn, chúng ảnh hưởng đến sự tập trung, ghi nhớ và tiếp thu kiến thức mới.
Nếu con thấy mình rơi vào bế tắc, những cảm xúc tiêu cực sẽ càng tích tụ nhiều hơn, hình thành loạt phản ứng tâm lý như sợ hãi, tức giận... Từ đó, con sẽ dần bỏ bê việc học, thậm chí chán ghét khi nhìn thấy mớ bài tập chất đống qua từng ngày. Nếu tâm lý này không được giải toả, chúng có thể trở thành "liều thuốc độc" khiến cuộc sống của con dần rơi vào bi kịch.
- Sai lầm 2: "Đứa trẻ hư" có vấn đề về hành vi nên cần bị trừng phạt và khiển trách
Ở trường học, những đứa trẻ có phản ứng tiêu cực như khóc lóc, la hét quá to... thường bị đánh giá là "học sinh hư", dễ bị la mắng và chịu đủ mọi hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, họ mới là người cần nhận được nhiều tình yêu và sự quan tâm hơn từ thầy cô và gia đình.
Marc Brackett nói thêm về trường hợp này: "Đôi khi các biểu hiện thái quá lại là tín hiệu để kêu gọi giúp đỡ từ những đứa trẻ. Đây là cơ hội để người lớn nhận ra các vấn đề của con, dạy chúng kỹ năng điều khiến cảm xúc và xây dựng mối quan hệ lành mạnh".
- Sai lầm 3: Muốn con thành công thì phải nỗ lực học tập mỗi ngày
Nhiều cha mẹ có kỳ vọng sai lầm về thành công của đứa trẻ. Điều này khiến phụ huynh có xu hướng bắt ép con học ngày học đêm, từ đó kìm hãm sự sáng tạo và khả năng bộc lộ cảm xúc ở trẻ.
Tuy nhiên, Marc Brackett lại nhận định sáng tạo và có EQ cao mới là hai nhân tố quyết định sự thành công trong tương lai, thay vì điểm số tốt trên trường. Thế nhưng trong hệ thống giáo dục hiện nay, sự sáng tạo và khả năng điều khiển cảm xúc lại dễ dàng bị "thui chột" khi đứa trẻ chịu áp lực học tập và kỳ vọng lớn lao từ gia đình.
- Sai lầm 4: EQ cao là năng lực bẩm sinh
Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Thực tế, EQ cũng giống như năng lực học tập, cần phải được trau dồi theo thời gian mới có kết quả tốt được.
Thông qua nhiều nghiên cứu, Marc Brackett nhận thấy con người hoàn toàn có thể sở hữu EQ thông qua quá trình học hỏi. Chỉ số EQ của trẻ cao hay thấp, phụ thuộc nhiều vào các bài học được dạy từ gia đình.
Thực tế, nhiều đứa trẻ ngày nay không học được cách điều khiến cảm xúc, bởi đây không phải quan điểm giáo dục phổ biến trong các gia đình. Ngược lại, có những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có cha mẹ quan tâm đến cảm xúc con cái, dạy trẻ bộc lộ cảm xúc "đúng nơi đúng chỗ" thì chỉ số EQ sẽ tăng cao qua thời gian, giúp chúng làm chủ cuộc sống tốt hơn.
Nguồn: Sohu
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.