Người xưa có câu "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Trong đó, những quy tắc về ăn uống thường được chú ý và giáo dục đầu tiên. Thế nên, mọi người cho rằng chỉ cần nhìn vào hành động của một người trên bàn ăn là biết họ có được dạy dỗ tử tế hay không. Chuyện ăn uống không chỉ là ăn cho no để sống mà còn liên quan đến tương lai của đứa trẻ.
Chị Tiểu Trương (Trung Quốc) vốn mất thời gian rất dài mới sinh được mụn con nên hết mực chiều chuộng đứa con cưng của mình. Dù đứa trẻ có phạm lỗi gì, chị cũng không trách phạt. Câu "con còn nhỏ chưa hiểu chuyện, lớn lên sẽ biết điều hơn" luôn được chị Trương đưa ra để chống chế mỗi khi có ai đó than phiền về con mình.
Gần đây, Tiểu Trương đi ăn tối với những người bạn lâu năm, tuy nhiên, trên bàn ăn, đứa trẻ vẫn thiếu quy tắc như thường lệ, tùy ý nghịch bát đĩa trên bàn. Bạn của chị Trương lại là một người nghiêm túc, anh ta mắng đứa trẻ không nể nang. Cảnh tượng nhất thời trở nên rất xấu hổ, lúc này Tiểu Trương mới nhận ra bạn mình đang tức giận, vội vàng gọi đứa nhỏ ngồi xuống ăn cơm. Tuy nhiên, đứa trẻ không ngồi xuống đàng hoàng, ngược lại còn tỏ thái độ không hài lòng bằng cách hú hét. Hành vi của con khiến chị Trương hụt hẫng, đồng thời nhận ra rằng cách dạy con của mình đã thực sự sai lầm.
Trên thực tế, không chỉ Tiểu Trương, một số bậc cha mẹ cũng đã quá hời hợt trong việc dạy con những quy tắc trên bàn ăn. Giáo sư Lý Mai Cẩn - nhà tâm lý học tội phạm rất nổi tiếng ở Trung Quốc đã tham gia nghiên cứu tâm lý vị thành niên nhiều năm liền - từng nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng những đứa trẻ không có tương lai khi lớn lên sẽ có ba kiểu hành vi khi ăn. Đó chính là:
1. Loay hoay với các món ăn trên đĩa
Nhiều đứa trẻ thản nhiên lật các món ăn trên bàn ăn chỉ để tìm món chúng muốn ăn dù đang được mời cơm hay mời người khác tới nhà ăn cơm. Tất nhiên, điều này để lại ấn tượng vô cùng xấu với chủ nhà hoặc khách khứa. Họ sẽ né tránh lời mời hoặc tránh mời gia đình có đứa trẻ thiếu kỷ luật như vậy lần sau.
Có thể nói, hành vi của trẻ có thể làm hỏng mối quan hệ giao tiếp của cha mẹ, thậm chí nếu nhiều phụ huynh cho rằng vấn đề của trẻ không liên quan gì đến người lớn thì sau này khi trẻ ra ngoài giao tiếp với người khác cũng sẽ bị xa lánh bởi không ai muốn ăn chung bàn với một người có thói quen xấu đến vậy.
2. Nói quá lớn
Yên lặng ngồi ăn tại bàn là phép xã giao cơ bản nhất. Kể cả trò chuyện cũng được giữ ở mức độ không làm phiền người khác. Tuy nhiên, một số trẻ em gây ồn ào bất chấp cảm xúc của người xung quanh hoặc vui đùa trên bàn ăn, húp sùm sụp to tiếng khi uống canh...
Hành vi như vậy không chỉ khiến người khác có ấn tượng xấu về trẻ mà còn dẫn đến các vấn đề về trí tuệ cảm xúc của trẻ, chẳng hạn ích kỉ, chỉ nghĩ đến cảm xúc của mình mà không màng suy nghĩ của ai khác.
3. Thích độc chiếm thức ăn
Trong một bữa tiệc, có gia đình nhà nọ ngồi ăn. Đứa bé tầm 5-6 tuổi cứ đợi có món nào ngon được mang lên giành lấy: "Cái này là của cháu". Thế mà mẹ của thằng bé lại vẫn vừa ăn vừa nói chuyện với người khác như thể mọi chuyện chẳng có liên quan gì đến cô ấy.
Một số trẻ chiếm những món ăn yêu thích của mình để ngăn người khác chạm vào đũa tưởng chỉ là chuyện miếng ăn nhưng thực chất, việc làm này được khuyến khích vô hình trung cổ vũ tính kiêu ngạo độc đoán của trẻ. Nếu cha mẹ không nhận ra và sửa chữa vấn đề kịp thời, sau này trẻ không chỉ bị người ngoài ghét mà còn bị người thân, bạn bè không ưa vì thái độ độc đoán của mình.
Vậy cha mẹ nên áp dụng phương pháp giáo dục nào để điều chỉnh hành vi thô lỗ của con mình tại bàn ăn? Bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo nhỏ sau đây để biến con mình thành một quý ông, quý bà lịch thiệp:
1. Không nuông chiều con cái
Hành vi của trẻ trên bàn ăn thực sự liên quan đến cách giáo dục thông thường của cha mẹ. Các bậc cha mẹ không nên chiều chuộng con cái kiểu đòi gì được nấy, ngay lập tức chấn chỉnh nếu trẻ có hành vi lệch chuẩn.
2. Đặt ra các quy tắc cho trẻ em
Không làm hư trẻ là điều kiện tiên quyết, dưới tiền đề này, cha mẹ có thể tiếp tục đặt ra các quy tắc cho trẻ và để trẻ biết cách tuân thủ các phép xã giao tại bàn ăn. Bằng cách này, trẻ sẽ tự nhiên quen với sự sắp xếp của bố mẹ và không gây ra những hành vi xấu hổ.
3. Để trẻ nhận ra vấn đề
Nếu trẻ gây rắc rối trên bàn ăn, cha mẹ nên nói rõ với trẻ rằng hành vi đó là không nên. Khi biết rằng tình huống như vậy sẽ khiến người khác tức giận, thì tự nhiên trẻ sẽ giảm bớt hành vi đó, hoặc tránh coi thường phép xã giao trong bàn ăn. Chúng ta hàng ngày đều có tiếp xúc, quan hệ với những người xung quanh mình, mà bàn ăn là nơi giao lưu quan trọng. Ở giai tầng xã hội càng cao thì càng nhiều phép tắc. Và việc xây dựng thói quen ăn uống chuẩn mực là tiền đề quan trọng đảm bảo sự thành công trong sự nghiệp sau này của con trẻ.
Người thiếu lễ nghi trên bàn ăn, thứ phản ánh đầu tiên không phải là thói quen xấu của cá nhân người đó mà phản ánh sự giáo dục của phụ huynh và toàn bộ những biểu hiện của người đó trong gia đình. Cha mẹ không nên bỏ qua những vấn đề lớn nhỏ trong cuộc sống, sẽ khiến vấn đề của trẻ ngày càng nghiêm trọng, và cuối cùng là ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Vì vậy, nếu trẻ có bất kỳ hành vi lệch lạc nào cần được phát hiện và sửa chữa kịp thời.
https://afamily.vn/giao-su-noi-tieng-noi-3-hanh-vi-tren-ban-an-cua-tre-du-bao-tuong-lai-gap-ghenh-cha-me-chan-chinh-cang-som-con-cang-do-kho-20220425154019288.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.