Nhưng thứ để cha mẹ cảm thấy tự hào, vui sướng sau một năm học của con là giấy khen học tập, phần thưởng. Thành quả của con bây giờ là thứ trưng diện cho cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái.
Nhiều người đã lên tiếng phàn nàn bây giờ nhà trường phát giấy khen cho học sinh như kiểu “của nhà trồng được”, “cứ ngoan là có quà”, khiến cho việc tặng thưởng bị lạm phát và mất đi giá trị chân thực của giáo dục. Thành tích học tập không thể đánh giá theo kiểu đại trà, mà phải phát hiện, nuôi dưỡng, khen ngượi. Phải những em có học lực giỏi, đạo đức tốt mới đáng nhận phần thưởng cao quý của nhà trường. Chưa vội nói chuyện nhà trường, thầy cô, mà cha mẹ phụ huynh có thích con mình cầm tờ giấy khen với bảng điểm toàn 10 không? Chắc chắn cha mẹ sẽ quá hãnh diện và nhanh chóng chụp hình đăng facebook. Và khi bảng điểm, giấy khen của con được nhiều bình luận, like, thả tim…cha mẹ sẽ thấy thích thú và tự tin rằng việc mình dạy dỗ con cái đã thành công. Thử hỏi, trong lớp các bạn đều được giấy khen, nhưng con mình không nhận được giấy khen dù lực học giống các bạn, thì cha mẹ sẽ rất suy nghĩ, thậm chí tức giận cô chủ nhiệm. Điều đó, khiến cho thầy cô giáo không nỡ lòng nào tước đoạt niềm vui của học sinh cũng như phụ huynh, còn cô giáo thì có được thành tích và sự an toàn. Dù biết rằng biệt phân bổ giấy khen đó chỉ là hình thức, trào lưu, làm đẹp cho “bộ ba”: học sinh- phụ huynh- thầy cô giáo, nhà trường.
Theo một nghiên cứu của nhóm tác giả Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện năm 2017 đưa ra những con số đáng suy ngẫm về bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay. Nhóm nghiên cứu đã tổ chức 140 cuộc tọa đàm với 710 đối tượng là học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý, cán bộ sở, phòng GD&ĐT, chính quyền địa phương, cán bộ cộng đồng, các chuyên gia trong và ngoài ngành giáo dục ở 4 tỉnh thành phổ được khảo sát là Hà Nội, TPHCM, Hưng Yên và Nghệ An. Thông tin từ kết quả khảo sát cho biết: Đối với cha mẹ học sinh, 43,1% đánh giá họ xin điểm, chạy chứng chỉ, giấy khen giải thưởng cho con mình để có hồ sơ học tập đẹp để có thành tích cao hơn thực lực là phổ biến và tương đối phổ biến. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, chính quyền địa phương cũng góp phần tạo ra bệnh thành tích trong giáo dục.
Theo PGS Vũ Trọng Rỹ, thành viên nhóm nghiên cứu, đối với học sinh, bệnh thành tích được biểu hiện ở khía cạnh học sinh gian dối trong học tập cốt để có thành tích cao (73% học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh và giáo viên được hỏi khẳng định có biểu hiện này ở học sinh), học sinh nhờ can thiệp làm đẹp học bạ, hồ sơ để được khen thưởng hoặc được lên lớp (hơn 48% ý kiến đồng ý với ý kiến này). Đối với giáo viên, gần 38% đối tượng được khảo sát cho rằng giáo viên thiếu trung thực trong đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp mình dạy/chủ nhiệm để được nhà trường công nhận danh hiệu thi đua. Gần 65% các chuyên gia đánh giá biểu hiện này ở giáo viên là tương đối phổ biến và phổ biến. 27% người được khảo sát cho rằng giáo viên thiếu trung thực trong báo cáo kết quả công tác của mình để được nhận danh hiệu thi đua cao hơn thực tế. Tuy nhiên, 40% giáo viên, giảng viên né tránh không trả lời hai câu hỏi này. Trong đó, giáo viên THCS “né” không trả lời là 66,7%, THPT 47,9% và tiểu học 38,4%. Đối với cấp lãnh đạo, 50% các chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên cho rằng có 4 biểu hiện của bệnh thành tích: Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo xếp loại học lực, hạnh kiểm học sinh vào cuối kỳ, cuối năm cao hơn thực tế để nhà trường đạt các chỉ tiêu thi đua. Lãnh đạo nhà trường báo cáo thiếu trung thực với cấp trên và cha mẹ học sinh. Lãnh đạo nhà trường dung túng, tạo điều kiện cho cấp dưới thổi phồng, ngụy tạo thành tích, che giấu những hạn chế yếu kém để nhà trường đạt danh hiệu thi đua. Lãnh đạo nhà trường mua chuộc cấp trên và những người có chức, quyền để lấp liếm những yếu kém, hạn chế của cá nhân cũng như của nhà trường để nhà trường đạt danh hiệu thi đua. 46,2% đối tượng khảo sát cho rằng chính quyền địa phương gây áp lực cho ngành giáo dục bằng mọi cách đạt chỉ tiêu thi đua do địa phương đặt ra. 52,4% các đối tượng được khảo sát cho rằng cơ quan quản lý giáo dục các cấp báo cáo nâng cao thành tích so với thực tế và 59,2% cho rằng cơ quan quản lý còn có biểu hiện dung túng, làm ngơ sự gian dối của cấp dưới vì thành tích của ngành là biểu hiện của bệnh thành tích.
Từ câu chuyện đời thực là con em chúng ta, cho tới khảo sát mang tính thực tiễn, thống kê, đã cho ta nhìn nhận hệ thống giáo dục đang bị ám ảnh bới màu mè, giả tạo. Việc đó, có sự “kết nối, chia sẽ” từ hai phía: nhà trường và phụ huỳnh. Cuối cùng học sinh nhận được nhiều giấy khen theo kiểu đại trà không phải là nỗ lực thực sự của các em ( nếu có thì rất ít) mà là khát khao của người lớn. Phụ huynh và cả thầy cô giáo đều rất mê thành tích. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều biết, nhưng không ai dám từ chối.
Theo www.phapluatplus.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.