TRẦM CẢM LÀ YẾU ĐUỐI? SAI!
Trong một nghiên cứu được đăng tải trên trang Our Wolrd In Data của các tác giả Dattani, Richie và Roser, vào năm 2017, cả thế giới ước tính có tới 264 triệu người mắc trầm cảm. Còn theo thống kê của WHO, Ukraine hiện là quốc gia có tỷ lệ mắc trầm cảm cao nhất thế giới với 6,3% dân số. Xếp sau Ukraine là các nước Mỹ, Estonia và Úc, cùng có tỷ lệ 5,9% dân số.
Trong một nghiên cứu khác ở Mỹ, kết quả đã cho thấy có tới 2/3 người mắc trầm cảm không nhận ra mình mắc và cần được điều trị; đáng chú ý hơn, có tới khoảng 48% người mắc trầm cảm có ý định kết liễu bản thân.
Tại Việt Nam, bài viết đầu vào tháng 4/2021 trên tờ Lao Động có dẫn thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, cho thấy rằng ở nước ta có tới gần 1/3 dân số mắc các loại rối loạn tâm thần; trong đó, tỉ lệ mắc trầm cảm chiếm 1/4 trong số này. Nếu nói tới số ca tự vẫn có liên quan đến trầm cảm thì thống kê cho thấy mỗi năm có tới khoảng 36.000 đến 40.000 ca.
Những con số này là một minh chứng cho thấy rằng trầm cảm hay các rối loạn về tâm thần xảy ra tương đối phổ biến; song, có một sự thật đáng buồn là nhiều người chưa có quan điểm đúng về trầm cảm.
Nhiều ý kiến cho rằng trầm cảm không có gì đáng để đặt nặng, đó chỉ đơn thuần là tỏ ra yếu đuối trước những khó khăn của cuộc sống. Trên thực tế, đây là một quan điểm sai lệch. Trầm cảm là một triệu chứng rối loạn tâm thần phức tạp, có nguồn gốc xã hội, tâm lý học và cả sinh học.
Thực tế cho thấy rằng trầm cảm có thể xảy đến với mọi đối tượng, từ trẻ em, vị thành niên, đến người lớn, người cao tuổi. Mỗi lứa tuổi, mỗi cá nhân có các biểu hiện và mức độ khác nhau, do vậy mà khó có thể đánh đồng người này với người khác, nhất là khi họ đang có những vấn đề về tâm lý.
Trầm cảm là một triệu chứng rối loạn tâm thần phức tạp, có nguồn gốc xã hội, tâm lý học và cả sinh học. Ảnh minh họa.
Tuy có thể có biểu hiện và mức độ khác nhau, các nghiên cứu ghi nhận trầm cảm có tính chất tái phát và thường thấy ở những người còn trẻ tuổi. Có một số trường hợp cho thấy rằng trầm cảm có thể gây nguy hiểm tới những người xung quanh từ chính ý tưởng tự vẫn của mình mà ví dụ có thể nêu tới như chứng trầm cảm loạn thần sau sinh, có thể thúc đẩy chính người mẹ sát hại đứa con mới sinh của mình.
Với chính bản thân những người mắc trầm cảm, họ đang bị những vấn đề như sang chấn tâm lý, cú sốc về mặt tinh thần, áp lực từ công việc hay chuyện học tập... đè nặng lên. Dù có thể có biểu hiện và mức độ khác nhau, người mắc trầm cảm thi thoảng rơi vào trạng thái mất kiểm soát, không làm chủ được hành động của bản thân.
Họ cho rằng tự vẫn là phương án tối ưu có thể chấm dứt vấn đề nhất thời của họ vĩnh viễn [xin khẳng định sử dụng một phương án mang giá trị vĩnh viễn để giải quyết một vấn đề nhất thời không phải phương án tối ưu]. Cần nhắc rằng ý tưởng về tự vẫn là một triệu chứng của trầm cảm thể nặng.
YẾU TỐ KÍCH ĐỘNG NGƯỜI MẮC TRẦM CẢM
Người mắc trầm cảm thường cảm thấy bị cô đơn. Ảnh: Getty Images
Một bài viết đầu năm 2022 trên báo Tuổi Trẻ dẫn lời chuyên gia tâm lý Trung Hòa (nguyên giảng viên khoa tâm lý Đại học Mỹ thuật) rằng: "Trầm cảm có một đặc điểm là người bệnh thường cảm thấy bị cô đơn, họ co mình lại, chui vào vỏ ốc của họ, không muốn tiếp xúc với ai. Bởi vậy, họ thường sẽ không tự tìm đến bác sĩ hay chuyên gia tư vấn tâm lý để tháo gỡ. Theo tôi, chính những người thân bên cạnh phải là người khiến họ gỡ được những nút thắt từ khi bắt đầu có triệu chứng của trầm cảm. Không nên để tình trạng cảm xúc bất thường kéo dài dẫn đến hệ lụy".
Bên cạnh những kiến thức về cách chăm sóc và khuyên nhủ người mắc trầm cảm, người thân và người xung quanh bệnh nhân trầm cảm cần biết thêm về những yếu tố có thể làm gia tăng khả năng thực hiện tự vẫn. Việc tự vẫn không dễ để phán đoán; song, vẫn có một số dấu hiệu cần lưu tâm:
• Mắc trầm cảm hoặc một số rối loạn thần kinh khác;
• Nói thẳng hoặc nói vòng vo về ý tưởng tự vẫn hoặc "nếu tôi không còn ở đây nữa";
• Né tránh các hoạt động giao tiếp xã hội;
• Thay đổi bất thường ở ngoại hình và vệ sinh cá nhân;
• Cho, trao tặng các tài sản có giá trị; chuẩn bị cho "hậu vận";
• Thay đổi tâm tính bất thường.
Cho, trao tặng các tài sản có giá trị là một đặc điểm cần lưu ý. Ảnh: GOOD HOUSEKEEPING / GETTY IMAGES
Ngoài ra, một số yếu tố có thể gia tăng, kích động một người bệnh trầm cảm có ý tưởng tự vẫn như: Có tiền sử thực hiện hành vi tự vẫn; có người thân quen, bạn bè gần gũi đã tự vẫn, hoặc sinh sống, tiếp xúc với môi trường có nhiều người tự vẫn; thất nghiệp hay đổ vỡ trong tình cảm; lạm dụng chất kích thích; tiếp cận được các phương tiện hoặc cách thức để tự vẫn, có thể kể tới như đồ vật sắc nhọn, thuốc độc, khu vực nguy hiểm...
CHĂM LO NGƯỜI MẮC TRẦM CẢM NHƯ THẾ NÀO?
Với những trường hợp trầm cảm rất cần tới bác sĩ hoặc chuyên gia điều trị, đây được coi là điều kiện tiên quyết. Một trong những ví dụ điển hình là mới đây, một nữ sinh lớp 9 ở Hà Nội đã được điều trị kịp thời giúp em vượt qua trầm cảm (xem chi tiết).
Bên cạnh đó, chính người thân và người xung quanh là những người có thể góp phần hỗ trợ khiến người mắc trầm cảm cảm thấy nhẹ lòng hơn. Trọng tâm của giải pháp này đó là SỰ THẤU HIỂU.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: "Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương."
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh thời đã từng nói rằng "Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ". Câu nói này của thiền sư đặc biệt đúng đối với người mắc trầm cảm. Người thân và người xung quanh cần thấu hiểu những khó khăn mà họ đã gặp phải, nên chú ý lắng nghe, tránh phán xét hay đưa ra giải pháp, hoặc thậm chí đổ lỗi.
Người trò chuyện cùng nên có thái độ chân thành, thật tâm và tạo được lòng tin nơi người mắc trầm cảm. Có thể bắt đầu trò chuyện bằng những câu nói đơn giản như "Dạo này mình thấy bạn có nhiều đổi khác, không biết là bạn đang gặp phải vấn đề gì?". Sau đó, có thể đặt thêm các câu hỏi về "Khi nào vấn đề đó xảy ra - Tại sao - Tôi có thể giúp gì", cốt để họ có thể thoải mái nói ra những vấn đề trong lòng.
Người thân đóng vai trò quan trọng khi chăm lo cho người mắc trầm cảm. Ảnh: Ruthcummings.com
Trong bài viết trên trang Sức khỏe và Đời sống (Cơ quan ngôn luận của Bộ y tế), TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103) cho biết rằng thành viên trong gia đình cần có và duy trì cảm thông với người mắc trầm cảm khi họ than phiền về những thay đổi trên cơ thể (mất ngủ, đau đầu, chóng mặt...). Người thân cũng cần tránh thái độ quá lo lắng, sốt sắng khi có biểu hiện đã đưa đi khám, càng khiến cho bệnh nhân lo lắng hơn.
Ngoài ra, TS. Bùi Quang Huy cũng có một số lưu ý khi chăm sóc người mắc trầm cảm:
• Cho người mắc trầm cảm ăn thức ăn dễ tiêu, giàu năng lượng và hợp khẩu vị;
• Nếu người mắc trầm bị mất ngủ thì không nên để người bệnh ngủ trưa, không để đi ngủ quá sớm; yêu cầu tăng hoạt động trong ngày nhưng tránh vận động vào buổi tối;
• Cần động viên người mắc trầm cảm vận động, có thể bắt đầu từ các việc nhẹ nhàng như việc nhà, có thể gợi họ luyện tập các môn thể thao mà họ ưa thích;
• Với chứng giảm chú ý, trí nhớ kém thì có thể cho người mắc trầm cảm nghe truyện ngắn, hoặc yêu cầu họ xem báo đài, tivi với thời lượng tăng dần;
• Cần theo dõi sát sao việc uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ;
• Giữ liên lạc với bác sĩ; người mắc trầm cảm có thể ổn định trở lại sau khoảng 1 đến 2 tháng điều trị và trở nên chủ quan.
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.