Phố bích hoạ Phùng Hưng
Được mở cửa để phục vụ người dân thủ đô đúng dịp Tết nguyên đán, phố bích họa Phùng Hưng đang thu hút đông người tới tham quan và hứa hẹn đông khách vào những ngày đầu năm mới. Phố bích họa nằm ở đoạn phố Phùng Hưng, gần với chợ hoa Hàng Lược, nơi đây vừa trở thành đoạn phố đi bộ từ đầu tháng 2.
Các vòm cầu cũ được các nghệ sĩ Hàn Quốc "mặc cho chiếc áo mới" bằng 17 tác phẩm tranh tường sống động, với các chủ đề gần gũi, gắn bó với lịch sử và văn hóa Hà Nội như cảnh mua bán ở chợ Đồng Xuân, tàu điện leng keng, múa lân Trung thu, gánh hàng rong, phố xá, ông đồ cho chữ ngày Tết... Đoạn đường này được xây dựng từ thời Pháp dành cho xe lửa chạy phía trên, qua nhiều năm trở nên xuống cấp. Tuy nhiên, kể từ khi được tân trang, đoạn phố trở nên tấp nập trở lại. Bên cạnh nhiều bức tranh tường được trưng bày, ban quản lý phố bích họa còn đặt một số bàn nước, chõng tre, để du khách trải nghiệm cảm giác "xuyên không" về Hà Nội những năm đầu thế kỷ.
Hoàng thành Thăng Long
Tết này, bạn sẽ không cần phải đi xa để chiêm ngưỡng những bông hoa hướng dương bung tỏa rực rỡ bởi ngay trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long cũng có vườn hoa rộng 2.000 m2 đang khoe sắc. Đây là lần đầu tiên một vườn hoa hướng dương xuất hiện trong nội thành Hà Nội, hứa hẹn được nhiều du khách ghé thăm trong dịp Tết này.
Những vạt hoa vàng được trồng ở phần sân phía trước Đoan Môn, song song với đường Hoàng Diệu và đường Nguyễn Tri Phương, được khai trương từ Tết Dương lịch và luôn đông khách trong những ngày cuối tuần. Hoa có kích thước cao lớn, màu hoa đậm, phát triển tốt, được trồng quy hoạch thành từng luống. Du khách tới đây tham quan chụp ảnh lưu ý không giẫm đạp lên hoa hay ngắt hoa bẻ cành ảnh hưởng đến cảnh quan chung. Ngoài ra, khung cảnh cổ kính, không gian thoáng rộng trong khu Hoàng thành cũng thích hợp cho cả gia đình du xuân đầu năm.
Thiên đường Bảo Sơn
Từ ngày mùng 2 Tết (17/2), người dân thủ đô sẽ có thêm một điểm vui chơi mới cho những ngày đầu năm, đó là lễ hội ánh sáng tại thiên đường Bảo Sơn. Lễ hội Light city gồm 100 mô hình rực sáng với các hình tượng như cối xay gió, giày thủy tinh, hồng hạc, thiên thần, tiên nữ, thiên nga, vườn bươm bướm, tượng nhân sư, khu vườn bí ngô, biển cá heo... Tất cả đều rực rỡ sắc màu, tô điểm cho màn đêm, bạn tha hồ tạo dáng sống ảo. Đặc biệt, ngay từ cổng vào, du khách đừng quên check in ở tháp Eiffel khổng lồ cao hơn 20 m. Lễ hội sẽ mở cửa tới 21h mỗi ngày nên bạn có thể tới từ chiều muộn và vui chơi tới tối.
Ngoài ra, tới đây, du khách còn có thể tham gia các hoạt động như vũ hội chào xuân, hội chợ ẩm thực ASEAN, biểu diễn âm nhạc, tham gia các trò chơi như vượt long môn, cung đường tốc độ, bay giữa ngân hà, nhà ma, đu quay dây văng, xe đụng hay đi dạo trong thung lũng hoa xuân ở khu vườn tình yêu.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Hình ảnh cụ đồ bày mực tàu giấy đỏ viết chữ bên tường cổ rêu phong là hình ảnh đẹp mang đậm dấu ấn Hà thành xưa. Bởi vậy, nhiều năm qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là điểm đến hút khách dịp Tết ở Hà Nội, bắt đầu từ ngay sau giao thừa. Đối với gia đình các sĩ tử có con tham gia các kỳ thi quan trọng trong năm tới, nơi đây có ý nghĩa đặc biệt để cầu mong chuyện thi cử đỗ đạt.
Ngay cả khi không có cầu xin may mắn trong chuyện học hành thì nhiều người cũng vẫn có thói quen ghé qua Văn Miếu - Quốc Tử Giám bởi muốn tìm về không khí nhộn nhịp của ngày Tết cổ xưa với nhiều hoạt động truyền thống như xin chữ, vẽ tranh Đông Hồ... Trong đó, xin chữ đầu năm là hoạt động được quan tâm nhất, bởi người ta tin rằng treo chữ trong nhà sẽ giúp ước nguyện trong năm mới sớm hoàn thành.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.