Thúy Hạnh - Minh Khang
Đối với gia đình của nhạc sĩ Minh Khang và bà xã Thúy Hạnh, ngày Tết luôn là dịp cả nhà quây quần bên nhau, dọn dẹp nhà cửa và nấu nhiều món ăn ngon. Là phụ nữ gốc Hà Nội lấy chồng miền Nam, bà mẹ hai con có thể chế biến được nhiều món của cả hai miền như thịt kho hột vịt, canh khổ qua, canh măng móng giò, xôi gấc, các món xào thập cẩm, canh bóng rau củ...
Trong nhà mỗi người một khẩu vị, hai bé Suli - Suti thích xôi gấc còn ba Minh Khang lại thích thịt kho trứng với nước dừa theo kiểu miền Nam. Còn MC Thúy Hạnh thích tất cả các món ngày Tết, đặc biệt là xôi và bánh chưng nhưng vì sợ mập nên cô chỉ dám ăn mỗi thứ một ít. Bà mẹ đảm đang chia sẻ, ngày Tết không nên nấu quá nhiều đồ ăn để tránh việc ăn không hết, hâm đi hâm lại mất ngon, bạn chỉ nên nấu đủ bữa, thắp hương và hưởng lộc, bữa sau nấu tiếp để món ăn ngon hơn.
Có nhiều câu chuyện vui nhưng Thúy Hạnh nhớ nhất một kỷ niệm "nhớ đời" với nàng công chúa út Suti. Đêm 30 Tết năm đó, cả nhà vừa nấu ăn xong để cúng giao thừa. Bố mẹ có nhờ Suti hỗ trợ bưng giúp một đĩa đồ ăn lên bàn thờ, biết nàng hậu đậu nên chỉ dám đưa đĩa thịt luộc khá đơn giản. Nàng ấy vừa đi vừa tí tởn, lên cầu thang được 2 bước thì vấp ngã, "thịt một nơi đĩa một nẻo". Lúc đó, bố mẹ vừa tức, vừa thương vừa buồn cười. Ba Minh Khang thương vợ nấu nướng vất vả, các con cũng chỉ muốn giúp mẹ nên không nỡ trách mắng. Còn mẹ Thúy Hạnh thì lo lắng vì sát giao thừa, không kịp làm đồ ăn khác thay thế.
Hầu như chẳng bao giờ đi du lịch ngày Tết nhưng có một năm, hai vợ chồng đã có chuyến du lịch rất đặc biệt. "Đó năm 2008, mùng 2 Tết, hai vợ chồng phải lên đường sang Tây Ban Nha công tác và đón Tết ở đây. Vì ở phương Tây không có không khí nên cả đoàn mang theo nhiều đồ ăn như hạt dưa, hạt bí, mang cả nồi cơm điện đi để nấu xôi và thịt kho. Chuyến đi đáng nhớ vì trùng với sinh nhật của Thúy Hạnh và Valentine. Sau chuyến đi ấy, hai vợ chồng đã có bé Suti", bà xã nhạc sĩ Minh Khang vui vẻ nhớ lại.
Trước xu thế đón Tết đơn giản hơn, Thúy Hạnh chia sẻ quan điểm, cần dung hòa giữa Tết truyền thống và Tết hiện đại. Không nên để người phụ nữ tất bật việc bếp núc quá nhiều mà nên giảm bớt gánh nặng cho họ, để cả nhà có những phút giây quây quần thực sự bên nhau. Tuy nhiên vẫn phải giữ những nét truyền thống như Tết phải có hoa mai, hoa đào mới có không khí, mâm cúng bàn thờ gia tiên. Bản thân Thúy Hạnh cũng thường xuyên giảng giải cho các con về các phong tục truyền thống như "mùng 1 Tết nội, mùng 2 Tết ngoại", đưa và nhận lì xì phải biết nói lời cảm ơn...
Adrian Anh Tuấn - Sơn Đoàn
Cặp đôi Adrian Anh Tuấn và Sơn Đoàn luôn đi du lịch xa ngay sáng mùng 1 Tết, cứ đón giao thừa xong là chuẩn bị hành lý ra sân bay đi du hí đầu năm. "Từ ngày làm blog du lịch thì những chuyến đi này còn mang một ý nghĩa may mắn, thuận buồm xuôi gió cho cả năm. Mỗi năm, chúng tôi chọn một nơi khác nhau, nhiều năm liền cả hai đều qua Mỹ thăm gia đình vì bố mẹ hai bên đều định cư bên đó và sẵn tiện thăm thú nhiều thành phố khác nhau khắp châu Mỹ. Còn năm ngoái, cả hai đã ra Hội An ở hết 5 ngày Tết, vừa để nghỉ dưỡng vừa xem người dân địa phương ăn Tết. Mỗi lần đi xa trong dịp Tết như vậy là lại học được biết bao nhiêu điều mới lạ về văn hoá địa phương khắp nơi", nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn chi sẻ và bật mí, nhiều bộ sưu tập của mình lấy cảm hứng từ những chuyến đi ngày Tết này.
Tuy đi chơi vào đúng Tết nhưng cả hai đã kịp tận hưởng không khí Tết trong những ngày trước đó bởi đây cũng chính là những ngày vui nhất, không khí chuẩn bị nhộn nhịp, hối hả tặng quà và gặp mặt gia đình và bạn bè ăn uống tất niên. Năm nào, cặp đôi cũng háo hức đi chợ hoa, lựa chọn chậu mai, chậu cúc trang trí cho nhà cửa. Dù thời gian gấp rút nhưng hai người vẫn kịp nấu một số món ăn ngày Tết.
"Món ăn ngày Tết mà chúng tôi thích nhất là thịt kho nước dừa dùng với bánh chưng. Bánh chưng thường là đặt mua, còn thịt kho nước dừa thì năm nào ngày 29 Tết, Sơn cũng kho một nồi lớn để vừa ăn và tặng cho mấy người bạn thân. Muốn thịt kho ngon thì phải ướp thịt qua đêm, trước khi kho còn thấy Sơn áp miếng thịt trên chảo nữa", Adrian Anh Tuấn bật mí.
Thừa nhận rằng Tết ngày nay có nhiều điểm thuận lợi, chỉ cần một cú phone là món gì cũng có, quà gì cũng xong, bản thân cặp đôi cũng tận dụng các dịch vụ này do quá bận rộn. Nhưng cả hai luôn muốn dung hoà cái mới lẫn cái cũ, những phong tục tập quán từ bao đời như cúng giao thừa, chúc Tết, đi chùa đầu năm... là cái gốc của người Việt nên luôn phải giữ gìn. Gần đây, hai người còn tham gia khởi xướng phong trào mặc áo dài dịp Tết để tôn vinh giá trị truyền thống.
Vân Trang
Gác lại công việc bận rộn, vào mỗi dịp Tết đến xuân về, Vân Trang lại dành nhiều thời gian cho gia đình. Nghỉ nhận show từ 25 Tết, bà mẹ một con tranh thủ dọn nhà và mua sắm đồ trang trí ngày Tết, trang hoàng cho căn nhà. Khoảng mùng 1-2 Tết, cô cùng chồng con sẽ về quê để chúc Tết họ hàng, ông bà bố mẹ. Vân Trang tâm sự, ngày thường làm người nổi tiếng nhưng ngày Tết cô lại trở về làm một người bình thường, đón Tết như bao nhà khác. Đó là cả nhà quây quần nấu các món ăn ngày Tết như thịt kho hột vịt, khổ qua nhồi thịt, củ kiệu, lạp xưởng, bánh tét, bánh tráng... và tận hưởng không khí đầm ấm. Từ nhỏ đến lớn, truyền thống này của gia đình cô chưa từng thay đổi.
Trong nhiều món ăn ngày Tết, Vân Trang nhớ mãi món hủ tiếu do ba cô làm, hương vị khó quên không đâu có được. Quê nữ diễn viên ở Tiền Giang - nổi danh với món hủ tiếu Mỹ Tho nức tiếng xa gần - nên mỗi khi về nhà, đây là một trong những món ăn yêu thích nhất của Vân Trang. Không nhận lịch diễn và cũng không bao giờ đi du lịch những ngày này, nữ diễn viên quan niệm, Tết là dành cho gia đình.
Bằng Lăng
Đây là cái Tết thứ 8 diễn viên Bằng Lăng đón ở nước ngoài. Cô lập gia đình với ông xã người Đức và hiện sống tại Mỹ. Tuy vậy, từ khi lấy chồng, Bằng Lăng luôn duy trì truyền thống đón Tết cổ truyền, nhất là sau khi sinh con. Bà mẹ hai con chuẩn bị Tết từ khá sớm với đầy đủ nghi lễ như làm cơm đưa ông Táo về trời, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, cúng giao thừa, lì xì cho người già trẻ nhỏ và xông nhà.
Ngày mùng 1, tuy ở nước ngoài không được nghỉ như ở Việt Nam nhưng gia đình Bằng Lăng vẫn thu xếp thời gian quây quần bên nhau cả ngày, cùng ăn uống, tâm sự. Bằng Lăng tâm sự, cô luôn giữ những nét văn hóa truyền thống được mẹ chỉ dạy khi còn ở nhà. Trước đây, gia đình nữ diễn viên kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực nên cô cũng rất khéo léo về nữ công gia chánh, mọi công đoạn nấu nướng đều rất chỉn chu. Mâm cúng giao thừa xa nhà nhưng vẫn phải đầy đủ các món mặn cổ truyền như bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt, phá lấu, gỏi gà, mâm ngũ quả với cặp dưa hấu thật đẹp. Ngoài ra, Bằng Lăng cũng nấu một số món chay để cúng ông bà.
Trong các món ăn ngày Tết, bà mẹ hai con thích nhất thịt kho hột vịt ăn với cải chua và phá lấu cuốn bánh tráng vì mẹ cô nấu những món này rất ngon. Bí quyết gia truyền chính là phải ướp thịt trước một đêm, khi nấu không thể thiếu nước dừa, kho lâu với lửa nhỏ thì thịt mới chắ, ngấm gia vị và ngon hơn.
Thu Thuỷ
Đối với ca sĩ Thu Thủy, Tết là phải ở nhà, tìm về nơi mình sinh ra và hưởng thụ không khí gia đình ấm áp và cô không bao giờ đi du lịch trong những ngày này. Thu Thủy quan niệm, trong năm có rất nhiều dịp để đi xa nhưng Tết thì chỉ có một và khoảng thời gian này sẽ rất ý nghĩa nếu ở bên những người yêu thương. Ở gia đình Thu Thủy, những ngày giáp Tết rất vui vẻ khi cả gia đình cùng nhau nấu nướng, trang trí và dọn dẹp nhà cửa. Trước Tết vài ngày, cả nhà sẽ bắt đầu gói bánh chưng và chia ra mỗi người một nhiệm vụ. Thu Thủy được phân công rửa lá dong và vo gạo, mẹ cô phụ trách nêm nếm gia vị còn những người đàn ông trong gia đình sẽ là người bỏ khuôn gói bánh. Gia đình Thu Thủy đã giữ truyền thống này suốt nhiều năm, từ khi cô còn nhỏ.
Bánh chưng cũng được làm rất cầu kỳ, tất cả các nguyên liệu đều được chọn kỹ càng. Gạo nếp là loại gạo miền Bắc, đậu xanh và lá cũng phải đạt yêu cầu khắt khe. Thịt lợn cũng do gia đình tự nuôi nên thịt rất thơm ngon và đảm bảo sạch sẽ. Thu Thủy cho biết, Tết xưa và Tết ngày nay khác nhau rất nhiều. Ngày nay, mọi người có xu hướng đi du lịch để đón năm mới ở một nơi xa khiến Tết có phần "lạnh lẽo" hơn. Nữ ca sĩ lại thích không khí Tết ngày xưa vì gợi lại trong cô nhiều ký ức tuổi thơ. Một vài năm, cô và gia đình trở về quê ở Hà Nội (Hà Tây cũ) để cảm nhận cái Tết lạnh ở đất Bắc và thăm thú họ hàng, đón năm mới thật an nhiên.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.