Những số liệu cụ thể do nhà chức trách Nhật cung cấp về số ca nhiễm SARS-Cov-2 và tử vong của các du khách trong du thuyền cho chúng ta những thông tin dịch tễ học rất quý báu để suy luận về nguy cơ tử vong trong dịchCOVID-19.
Tỷ lệ tử vong và độ tuổi nói lên điều gì?
Du thuyền Diamond Princess chở 3.711 người (trong số này có 130 nhân viên). Ngày 20/1/2020, một hành khách 80 tuổi từ Hồng Kông xuất cảnh ở cảng Yokohama, và quay về Hồng Kông ngày 25/1/2020. Ông nhập viện Hồng Kông, và 6 ngày sau (1/2/2020) được xác định là bị nhiễm SARS-Cov-2.
Ngày 4/2/2020, du thuyền vào Nhật và 10 hành khách được chẩn đoán nhiễm SARS-Cov-2. Lập tức, các nhà chức trách Nhật cách ly du thuyền tại cảng Yokohama.
Tính đến ngày 20/2/2020, có 619 ca (hay 16,7%) bị nhiễm SARS-Cov-2. Trong số 619 ca, có 82 nhân viên của du thuyền và 537 hành khách. Khoảng phân nửa (51%) số ca bị nhiễm không biểu hiện triệu chứng. Số liệu về số ca nhiễm và tử vong theo độ tuổi có thể xem qua bảng số liệu dưới đây.
Chúng ta có thể nói gì về số liệu này?
Thứ nhất, tỉ lệ nhiễm khá cao. Trong số 3.711 người trên du truyền, tỉ lệ nhiễm là gần 17%. Con số này tương đối cao, nhưng có thể giải thích được là do nhà chức trách Nhật xét nghiệm tất cả người trên du thuyền. Du khách vừa tương đối cao tuổi vừa bị phơi nhiễm một thời gian dài trước khi phát hiện, tất cả những yếu tố đó có thể giải thích tỉ lệ nhiễm tương đối cao.
Thứ hai, cao tuổi là yếu tố nguy cơ. Ở những người tuổi dưới 60, tỉ lệ bị nhiễm là 10%, nhưng tỉ lệ này tăng gấp 2 lần (21%) ở những người trên 60 tuổi. Gần 3/4 người bị nhiễm là từ 60 tuổi trở lên. Điều thú vị là trong số những người bị nhiễm không có triệu chứng, số người từ 60 tuổi trở lên chiếm đến 83%.
Thứ ba, tỉ lệ tử vong tương đối thấp. Trong số 619 người bị nhiễm, có 7 người chết, tức tỉ lệ tử vong là 1,1% (khoảng tin cậy 95% dao động từ 0,5 đến 2,4%). Tất cả 7 ca tử vong đều ở tuổi 70 trở lên.
Nếu dùng tỉ lệ tử vong được báo cáo từ Trung Quốc, chúng ta 'kỳ vọng' (sau khi hiệu chỉnh cho tuổi) sẽ có 34 ca tử vong trong số hành khách trên Diamond Princess. Thế nhưng, trong thực tế chỉ có 7 ca tử vong, tức chỉ bằng 20% số kỳ vọng. Nói cách khác, nguy cơ tử vong của hành khách Diamond Princess thấp hơn bên Trung Quốc đến 80%.
Rất khó giải thích tại sao nguy cơ tử vong ở Trung Quốc lại cao hơn so với nguy cơ tử vong trong hành khách của Diamond Princess. Tôi chỉ có thể suy đoán rằng hệ thống chăm sóc y tế giữa Trung Quốc và các nước khác rất khác nhau.
Dĩ nhiên, đa số du khách của Diamond Princess là những người có khả năng tài chánh và họ có sức khỏe trên trung bình, nên nguy cơ tử vong ở nhóm này thấp hơn ngoài cộng đồng là có thể hiểu được.
Ước tính nguy cơ tử vong của dịch COVID-19: khoảng 1,6% trên toàn thế giới
Nhưng dữ liệu của du thuyền Diamond Princess có thể giúp chúng ta ước tính nguy cơ tử vong của dịch COVID-19 trên thế giới. Nếu dùng dữ liệu của Diamond Princess là thông tin tiền định (prior information), và dùng luật phân bố beta, chúng ta có thể dùng phương pháp Bayes để ước tính xác suất hậu định (posterior probability) tử vong cho dịch COVID-19. Kết quả cho thấy tỉ lệ tử vong của dịch COVID-19 là khoảng 1,6%, với khoảng tin cậy 95% dao động từ 0,2 đến 2,6%.
Tóm lại, với dữ liệu từ du thuyền Diamond Princess, chúng ta có thể thấy người trên 60 tuổi có nguy cơ lây nhiễm cao gấp 2 lần những người dưới 60 tuổi. Ngoài ra, dữ liệu của Diamond Princess cũng giúp chúng ta suy đoán rằng tỉ lệ tử vong trong dịch COVID-19 có thể dao động trong khoảng 0,2 đến 2,6%, với trung bình chừng 1,6%, tức vẫn thấp hơn nguy cơ tử vong trong dịch SARS. Riêng Hàn Quốc thì tỉ lệ tử vong chỉ 0,6%.
Hàn Quốc có lẽ là nước xét nghiệm đại trà. Tính đến ngày 5/3/2020, họ đã xét nghiệm trên 140.000 người. Trong số này, họ phát hiện 6.088 ca nhiễm, tức 4,3%. Trong số những người bị nhiễm, tỉ lệ tử vong là như trên.
Tham khảo:
(1) https://www.niid.go.jp/…/2019-ncov…/9417-covid-dp-fe-02.html
(2) https://github.com/cmrivers/ncov/blob/master/COVID-19.pdf
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là Giáo sư xuất sắc và Giám đốc labo nghiên cứu cơ xương thuộc Đại học Tôn Đức Thắng, Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Y Hà Nội, và Giáo sư danh dự của Đại học Dược Hà Nội.
Ở Úc, ông là Senior Principal Fellow (chức danh cao nhất trong hệ thống khoa học Úc) và trưởng labo di truyền loãng xương của Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Giáo sư Trường Y, Đại học New South Wales (UNSW Sydney) và Giáo sư Y khoa Tiên lượng (Predictive Medicine) thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Ông đã công bố hơn 300 công trình nghiên cứu trên các tập san nổi tiếng trên thế giới, kể cả Nature, Science, JAMA, BMJ, Lancet, và New England Journal of Medicine.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là một trong những nhà nghiên cứu y khoa được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Ông được trao nhiều giải thưởng ở nước ngoài và trong nước về những thành tích khoa học và giáo dục. Năm 2018, ông được bầu làm Fellow của American Society for Bone and Mineral Research (Hiệp hội nghiên cứu xương Hoa Kỳ).
GS Nguyễn Văn Tuấn (từ Úc)
Link báo gốc: http://ictvietnam.vn/hoi-nhap-quoc-te/gs-nguyen-van-tuan-du-lieu-hay-bac-nhat-rat-quy-bau-ve-muc-gay-tu-vong-trong-dich-dich-covid-19.htm
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.