Gửi con - Người con riêng của chồng mẹ

Sau bao trăn trở, mẹ viết những dòng tâm sự này cho con. Chỉ có trong thư mẹ mới dám xưng hô mẹ con thoải mái như thế mà không phải đối diện ánh mắt dè chừng và thái độ độ dửng dung, lạnh lùng của con.

Con à, mẹ không phải là người phụ nữ mà bố con chỉ cần “vơ bèo gạt tép” mà có. Mẹ cũng không phải là người cướp đi người chồng từ tay mẹ của con. Mẹ gặp bố con khi bố và mẹ con đã chọn những con đường đi khác nhau cho tương lai của mình. Con ở lại với bố, mẹ con sang phương trời Tây với hạnh phúc mới. Thật khó có thể nói ai đúng ai sai trong một cuộc hôn nhân đổ vỡ đúng không con? Nhưng một điều mẹ hiểu rất rõ, con rất thiệt thòi và tổn thương. Bố con đã cố bù đắp cho con rất nhiều nhưng cũng không thể đủ đểv lấp đầy được khoảng trống khi thiếu vắng mẹ trong con. Mẹ cũng muốn cùng bố chăm sóc con. Nhưng thôi, mẹ nói làm gì, con cũng chả tin đâu, ít nhất là ở thời điểm này.

Mẹ sinh ra trong một gia đình nề nếp, mẹ là người có học thức, hình thức khá ưa nhìn, một công việc ổn định và một vị trí nhất định trong xã hội. Tuổi trưởng thành, mẹ cũng có những người đàn ông theo đuổi… Như bao phụ nữ bình thường khác, mẹ luôn mơ một mái ấm gia đình hạnh phúc của riêng mình, với một người đàn ông chưa ràng buộc hôn nhân. Bố con không có đủ những điều đó, nhưng mẹ đã yêu bố con. Chắc con sẽ khó hiểu vì sao lại thế đúng không?

23 tuổi xuân phới phới, mẹ dè dặt bước chân vào cơ quan của bố con thử việc. Người trực tiếp hướng dẫn chuyên môn cho mẹ chính là bố con. Rất nhiều chú trong cơ quan để ý, săn đón mẹ. Họ trẻ trung, lịch lãm và biết chiều phụ nữ. Vậy mà mẹ lại dành hết thời gian cho công việc và sự chú ý tới trưởng phòng của mẹ là bố con…Một trưởng phòng có năng lực, có tâm huyết và… một khác biệt nữa, bố con còn là một trưởng phòng luôn gây chú ý cho mẹ vì ngày nào cũng đến cơ quan sát giờ với một dáng vẻ tất tưởi mỗi sáng để lo cho con đi học và vội vã trở về khi vừa hết giờ làm để kịp đi chợ, đón con và lo bữa tối. Có những ngày con ốm, bố con phải nghỉ làm để chăm con, mẹ và mọi người đến thăm có khi không gạt được nước mắt trước cảnh gà trống cặm cụi nuôi con… Mẹ thú nhận với con rằng, mẹ đã yêu bố con trước và mở lòng mình đón nhận sự đáp trả chân thành từ bố con – một người đàn ông chững chạc, từng trải và chịu đựng nhiều nỗi đau từ hôn nhân tan vỡ.

Ngày đầu tiên, bố dẫn mẹ về ăn bữa tối cùng con. Mẹ không quên ánh mắt và thái độ của con ngày hôm đó. Một đứa trẻ 7 tuổi nhìn mẹ đầy thách thức, tức tối. Con không nói với mẹ câu nào dù mẹ ra sức chuyện trò cùng con. Con tỏ thái độ vùng vằng quăng ném khi bố con nhắc nhở và gắp thức ăn cho con. Cuối cùng con bỏ lên phòng để mặc bố con và mẹ ở lại bàn ăn với bộn bề cảm xúc…
Mẹ biết thật khó lòng để mẹ có thể bước qua những định kiến để mẹ có thể xây dựng một nhịp cầu trong một mối quan hệ mà người đời thường lạnh lùng gọi là “dì ghẻ - con chồng” đầy phân biệt, ích kỉ, hẹp hòi. Nhưng mẹ tin tình yêu thương thật sự, sự quan tâm chân thành mới có thể giúp mẹ vượt qua hố sâu huyết thống tồn tại giữa hai chúng ta. Chính vì thế bố mẹ đã tiến tới hôn nhân.

Mẹ đã về một nhà cùng con hơn tháng nay. Con đã 8 tuổi. Con chưa lớn nhưng không còn quá nhỏ để người khác khó nhận ra những cảm xúc trong con. Sau khi có sự thuyết phục của ông bà nội, của bố con, con đã đồng ý cho mẹ…được sống ở nhà con. Nhưng mẹ biết trái tim con đã tổn thương sau khi hôn nhân của bố mẹ con đổ vỡ, mẹ biết bù đắp khoảng trống đó trong con là không hề dễ. Ngày mẹ về sống cùng bố con, con nhìn mẹ với ánh mắt khó tả, như nhìn một kẻ vừa cướp đi từ con bao thứ quý giá. Ánh mắt con đầy thương tổn, mẹ quên sao được. Mẹ tủi thân và thấy mình bất lực, kém cỏi làm sao.

Mẹ mong con có thể gần gũi với mẹ hơn

Như bao người phụ nữ khác, khi chấp nhận lấy một người chồng đã lập gia đình trước đó, mẹ sẵn sàng tâm lý làm quen và hòa thuận cùng con. Mẹ cố gắng dành thời gian chuyện trò cùng con, nấu những món ăn con thích, hỏi han quan tâm tới việc học hành của con…Lúc con im lặng, lúc con trả lời nhát gừng, lúc con giả vờ như không nghe thấy...Mẹ phải làm sao đây con?

Sáng hôm qua, mẹ đưa đồ ăn cho con đến lớp, con đã cầm nhưng hơi miễn cưỡng. Mẹ vui mừng nhân ra thái độ của con với mẹ từ việc coi là kẻ thù, tới người lạ cho đến giờ là người quen. Thôi thế cũng là được rồi. Bao giờ con sẽ coi mẹ là người thân? Bao giờ con?

Đêm qua, ghé sang phòng con, thấy con cầm ảnh mẹ đẻ con mà khóc nức nở. Con nhớ mẹ lắm phải không con? Lâu lắm rồi con cũng chưa nhận được điện thoại từ mẹ đẻ. Mẹ chạy lại, ôm chầm con và khóc theo con. Con vòng tay ôm lại và khóc to hơn. Mẹ run lên trong niềm hạnh phúc vì được con mở lòng. Thế mà sáng nay, khi thức dậy, con nhìn mẹ tỉnh bơ như chưa có chuyện đêm qua…

Con yêu! Mẹ không phải là bánh đúc không xương. Con là con gái của người mẹ yêu thương nhất, con cũng là món quà vô giá bố con có được. Người xa lạ còn có thể vì nhau, thì tại sao chúng ta không thể lại gần nhau khi chúng ta có sợi dây yêu thương kết nối. Nếu có thể, con hãy cho mẹ thêm cơ hội làm mẹ của con – một người mẹ theo đúng nghĩa. Mẹ không sinh ra con, nhưng mẹ hứa mẹ sẽ dành cho con sự chân thành bằng cả trái tim yêu thương vô tận của mình.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang