Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chiều 9/8 cho biết, trong ngày đầu thành phố siết chặt cấp và sử dụng Giấy đi đường đã xảy ra hiện tượng ùn ứ, tập trung đông người tại một số chốt kiểm soát. Ông Quyền cho biết thành phố sẽ điều chỉnh việc kiểm tra Giấy đi đường thực chất và phù hợp hơn, đồng thời tiếp tục siết chặt quản lý, bảo đảm việc xác nhận và sử dụng giấy đi đường đúng mục đích, đúng đối tượng.
Ông đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và linh hoạt trong việc kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trong thời gian ngắn nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
UBND các quận, huyện, thị xã; phường, xã, thị trấn cần có kế hoạch, hướng dẫn kiểm tra, kiểm soát Giấy đi đường từ các chốt ở thôn, xóm, tổ dân phố. Ông Quyền nhấn mạnh, kiểm tra giấy đi đường không phải để phạt người dân mà làm căn cứ để phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.
Các chốt kiểm tra nếu phát hiện các trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, cần thông tin đến Công an phường, xã, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức xác nhận giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định.
Người Hà Nội xếp hàng dài tại trụ sở UBND phường để xin dấu xác nhận vào giấy đi đường
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định, Hà Nội kiên quyết và kiên trì các biện pháp mạnh nhằm đảm bảo nguyên tắc giãn cách theo đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Trước đó, từ 6h ngày 24/7, Hà Nội giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, trong công điện hỏa tốc số 18, kéo dài thời gian đến 6h ngày 23/8. Sau 2 tuần, thành phố đánh giá một trong những hạn chế lớn nhất là nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm. Số người ra đường còn đông, trong đó không ít trường hợp không đúng đối tượng, không đúng mục đích.
"Điều này ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả phòng, chống dịch; một phần làm cho tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát, lây lan rộng, đe doạ an toàn sức khoẻ, tính mạng người dân nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để khắc phục", Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Trong ngày 9/8, Hà Nội ghi nhận 70 ca Covid-19 thuộc các chùm ca bệnh hiện hành. Như vậy, đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 29/4, thành phố có tổng 1.853 ca, trong đó 1.095 người ngoài cộng đồng và 758 người trong khu cách ly tập trung. Tính riêng từ ngày 5/7 đến tối 9/8 có 1.584 trường hợp.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.