Hai mảng màu đối lập giữa nước giàu và nghèo trong bức tranh Covid-19

Trong khi số ca mắc Covid-19 mới và ca tử vong ở các nước giàu đang giảm thì tình hình dịch bệnh ở những nước nghèo hơn ngày càng trầm trọng.

Hai mảng màu đối lập trong bức tranh Covid-19  

Tình hình dịch bệnh những ngày qua trên toàn cầu đã vẽ ra bức tranh mang hai màu đối lập trong đại dịch Covid-19. Tại một số quốc gia giàu có nhất thế giới, vốn độc quyền nguồn cung vaccine trên toàn cầu, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do Covid-19 đã giảm. Các nền kinh tế cũng dần mở cửa trở lại, các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ. Cuộc sống dần trở lại bình thường, tạo ra một lầm tưởng rằng đại dịch trên toàn cầu sắp kết thúc.

Hai mảng màu đối lập giữa nước giàu và nghèo trong bức tranh Covid-19 - Ảnh 1.

Bệnh nhân Covid-19 được hỗ trợ thở oxy tại Ghaziabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, như Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom đã chỉ ra, số ca mắc Covid-19 được báo cáo trong 2 tuần qua cao hơn nhiều so với tổng số ca bệnh trong 6 tháng đầu tiên của đại dịch và hiện Nam Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Đại dịch còn lâu mới kết thúc. Số ca mắc Covid-19 đang tăng ở mức báo động trên khắp Nam Á, đặc biệt là ở Nepal, Sri Lanka và Maldives. Toàn bộ hệ thống y tế có thể sụp đổ, dẫn tới những thiệt hại về người thảm khốc hơn. Bên cạnh Nam Á, chúng tôi cũng thấy tình trạng dịch bệnh đáng báo động ở các khu vực khác trên thế giới”, UNICEF cho biết hôm 7/5.

Câu hỏi gây tranh cãi là việc làm thế nào để tăng cường sản xuất và phân phối vaccine công bằng hơn, khi cho đến nay chỉ có 0,2% trong số 700 triệu liều vaccine được phân phối tới các nước thu nhập thấp.

Vào tuần trước, chiến dịch bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine Covid-19 đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ và EU. Tuy nhiên, như các chuyên gia đã chỉ ra, công bằng vaccine cho các nước đang phát triển có thể còn phức tạp hơn.

Sự bùng phát dịch bệnh trong thời gian gần đây ở các nước Nam Á như Ấn Độ và Nepal là do các yếu tố phức tạp khác chứ không chỉ vì thiếu vaccine, đặc biệt là ở Ấn Độ, Viện Huyết thanh – nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã được cấp phép để sản xuất vaccine AstraZeneca.

Sự lây lan của virus trong một quốc gia và giữa các quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nhân khẩu học, những biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu và khả năng của hệ thống y tế. Ở các nước đang phát triển, còn có các yếu tố khác như những loại vaccine có sẵn không được phân phối và sự do dự về tiêm vaccine của người dân.

Tất cả những điều trên đã được nhấn mạnh trong một cảnh báo của WHO rằng, các quốc gia châu Phi dễ bị bùng phát dịch bệnh bởi những lý do tương tự, vốn dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay ở Nam Á.

“Sự chậm trễ trong việc cung cấp vaccine từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ cho châu Phi, sự chậm trễ trong triển khai vaccine và sự xuất hiện của các biến thể mới là những điều dẫn đến nguy cơ cao xảy ra làn sóng lây nhiễm ở châu Phi”, văn phòng của WHO tại châu Phi cho biết trong một tuyên bố ngày 6/5.

Văn phòng của WHO tại châu Phi nói thêm rằng, những biến thể xuất hiện ở Ấn Độ và Nam Phi, có thể tạo ra “làn sóng lây nhiễm thứ ba” ở lục địa này.

Châu Phi đối mặt nguy cơ rơi vào khủng hoảng Covid-19 như Ấn Độ

Tình hình dịch bệnh tại Ai Cập đang trở nên đáng lo ngại. Ai Cập vào tuần trước đã áp đặt các hạn chế mới sau khi số ca mắc mới trung bình hàng ngày tăng gấp đôi từ khoảng 500 ca mắc bệnh vào đầu tháng 2 lên hơn 1.000 ca. Các điểm nóng về dịch bệnh xuất hiện ở tỉnh phía Nam Sohag và Cairo.

“Thảm kịch ở Ấn Độ có thể sẽ không xảy ra ở châu Phi, nhưng tất cả chúng ta cần cảnh giác cao độ. Trong khi chúng tôi kêu gọi công bằng vaccine, châu Phi cũng phải nỗ lực và tận dụng tốt nhất những gì đang có”, Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO ở khu vực châu Phi cho biết.

Hai mảng màu đối lập giữa nước giàu và nghèo trong bức tranh Covid-19 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế khử trùng Nhà thờ Hồi giáo al-Fateh ở Cairo (Ai Cập). Ảnh: EPA

Theo WHO, một số quốc gia châu Phi đã đi đầu trong việc triển khai vaccine. Tuy nhiên, chỉ có khoảng “một nửa trong số 37 triệu liều vaccine ở châu Phi đã được sử dụng cho đến nay”.

Số vaccine châu Phi sử dụng chỉ chiếm 1% lượng vaccine trên toàn cầu, giảm so với mức 2% cách đây vài tuần, do các chương trình phân phối vaccine của các khu vực khác đang tiến triển nhanh hơn nhiều.

Các đợt chuyển giao vaccine đầu tiên cho 41 quốc gia châu Phi theo chương trình COVAX đã bắt đầu vào tháng 3, nhưng 9 quốc gia cho đến nay mới chỉ sử dụng 1/4 số vaccine nhận được và 15 quốc gia sử dụng chưa đến 1/2 lượng vaccine được phân phối.

Theo The Guardian, các đợt bùng phát Covid-19 cùng với sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 mới lây lan nhanh hơn, có thể ảnh hưởng đến các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Esther Duflo và Abhijit Banerjee, hai nhà khoa học đã giành giải Nobel kinh tế năm 2019 cho biết, cần phải hành động ngay bây giờ để dự đoán quốc gia tiếp theo đại dịch Covid-19 sẽ tấn công.

“Điều quan trọng nhất là chúng ta nên lường trước khả năng SARS-CoV-2 sẽ lây lan qua châu Phi, nơi mà chiến dịch tiêm chủng chưa bắt đầu đã bị đe dọa bởi tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ. Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vaccine trong khi nhiều quốc gia đang phụ thuộc vào nguồn vaccine từ nước này”, hai nhà khoa học cho biết.

“Điều này sẽ dẫn đến thảm họa ở những quốc gia có nguồn cung oxy và giường bệnh hạn chế. Mỹ và châu Âu cần sẵn sàng hành động nhanh chóng khi cần thiết. Những quốc gia này cần vận chuyển và sản xuất vaccine càng nhanh càng tốt, đầu tư vào giám sát và thử nghiệm vaccine, sẵn sàng vận chuyển oxy, thiết bị y tế cũng như hỗ trợ tài chính cho những nước đang gặp bế tắc trong đại dịch”, Esther Duflo và Abhijit Banerjee nhấn mạnh.

Thông điệp trên đã được Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của chính quyền Tổng thống Biden, ủng hộ. “Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để có thể đưa vaccine nhanh chóng tới người dân ở các nước đang phát triển. Tôi cảm thấy chúng ta cần có nghĩa vụ đạo đức với tư cách là một quốc gia giàu có, sử dụng nguồn lực trong khả năng để giúp đỡ những người có thể sẽ tử vong”, ông Fauci nói./.

 
 

Link gốc: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/hai-mang-mau-doi-lap-giua-nuoc-giau-va-ngheo-trong-buc-tranh-covid-19-856650.vov

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang