Taufiq Hidayat bước vào căn nhà, nơi có những thi thể chắc sẽ chẳng ai động đến nữa. Anh cùng hàng chục tình nguyện viên khác tiếp nhận cuộc gọi cầu cứu của những gia đình đau xót khi mất người thân ở giữa thủ đô Jakarta (Indonesia) - nơi được xem là tâm dịch của Đông Nam Á, là một trong những ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới.
"Thực sự rất khó khăn, và nóng nữa, vì chúng tôi luôn phải mặc đồ bảo hộ kín người trong lúc tìm đường xuyên qua các khu nhà với một thi thể kéo theo sau lưng," - Taufiq tả lại quá trình làm việc của mình.
Số lượng các cuộc gọi như vậy đã giảm dần kể từ sau đỉnh dịch hồi giữa tháng 7. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là vẫn có những báo cáo cho thấy người dân đang chết tại nhà, bất chấp việc các bệnh viện và trung tâm cách ly đang trống chỗ tới hàng ngàn giường.
Nhóm tình nguyện viên đến xử lý thi thể tại nhà
Tính riêng trong tháng 8, có gần 50 người đã chết tại nhà vì Covid-19 theo số liệu của LaporCovid-19 - nền tảng để công dân thông báo và tiếp nhận thông tin về dịch bệnh của Indonesia.
Số người chết tại nhà ở Indonesia đã tăng mạnh lên khoảng 2400 ca trong tháng 7, gấp 6 lần so với tháng trước đó. Tuy nhiên, giới chuyên gia sợ rằng con số ấy chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm, vì nó chỉ cho thấy những ca tử vong tại nhà ở Jakarta, nơi duy nhất tại quốc gia này công bố số liệu liên quan. Còn Bộ Y tế của Indonesia không lưu thông tin về các trường hợp như vậy, theo lời phát ngôn viên Siti Nadia Tarmizi.
Tarmizi cho biết, quy định yêu cầu người dân chỉ cách ly tại nhà khi không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Nhưng Hiệp hội Y khoa Indonesia mới đây đang thúc giục chính phủ ban hành quy định mới, bởi việc cách ly tại nhà khiến nhiều bệnh nhân khó tiếp cận chăm sóc y tế, và cũng khó kiểm soát khả năng lây lan của virus hơn.
Lựa chọn đau lòng
Tháng 7/2021, biến chủng Delta gieo cơn ác mộng cho Indonesia. Với khả năng lây nhiễm quá nhanh và độc lực mạnh, hệ thống bệnh viện tại quốc gia này nhanh chóng bị quá tải. Các bệnh nhân dương tính vì thế được yêu cầu phải cách ly tại nhà nếu họ không có triệu chứng. Nhưng đến lúc trở nặng, việc tìm được chỗ trong bệnh viện cũng rất khó khăn.
Gia đình ông Warsa khóc thương bên nấm mộ của chính ông
Warsa Tirta, tài xế 62 tuổi, dương tính với Covid vào cuối tháng 6. Ông đã làm theo chỉ thị, tự cách ly tại nhà - trích lời con rể ông là Fakhri Yusuf.
Ông Tirta không cảm thấy ốm bệnh gì, nhưng ông vẫn làm xét nghiệm vì sếp của mình đã mắc bệnh và có nguy cơ lây sang cho ông. Tuy nhiên trong những ngày cách ly, mẹ và 2 chị của Fakhri cũng nhiễm. Warsa cố chăm sóc cho họ, nhưng rất nhanh chóng cả 3 đều rơi vào tình trạng cần chăm sóc y tế.
"Tôi cố đăng ký cho họ vào Bệnh viện Cấp cứu Covid, nhưng họ chỉ có chỗ cho 1 người," - Fakhri cho biết. "Giường bệnh đều đã kín. Chúng tôi quyết định nhường nó cho chị tôi."
Thế rồi đột nhiên bệnh tình của Warsa trở nặng. Ông ra đi vào buổi sáng ngày 6/7.
Ông Warsa Tirta
Fakhri nhớ lại, anh đã gọi cho trung tâm y tế địa phương nhưng không ai có thể tới. Bởi ngoài kia, hàng trăm người cũng đã chết trong ngày hôm đó.
"Phản hồi của họ rất chậm. Họ bảo tôi là các nhân viên đều bận vì nhiều nạn nhân khác ở Jakarta."
Fakhri sau đó quyết định gọi tới Ủy ban Quốc gia Zakat - tổ chức cứu trợ của chính phủ, nơi Taufiq làm tình nguyện viên.
"Họ làm mọi chuyện rất nhanh gọn," - Fakhri cho biết. "Khoảng 4h chiều, chúng tôi đã tới nhà tang lễ, và mọi chuyện kết thúc khi trời còn chưa kịp tối."
Y tế quá tải - bi kịch của cả đất nước
Số ca nhiễm Covid tăng lên, chính phủ phải gấp rút xây dựng các bệnh viện dã chiến và trung tâm cách ly mới. Trong đó bao gồm Pasar Rumput - tòa chung cư giá rẻ, cung cấp 6000 giường bệnh.
Cơ sở được mở ra đúng kế hoạch. Nhưng cho đến tuần này, truyền thông địa phương ghi nhận mới chỉ có dưới 300 người sử dụng.
"Hiện tại chúng tôi không thấy khó khăn gì trong việc giúp các bệnh nhân tiếp cận chữa trị, dù là ở trung tâm cách ly hay bệnh viện," - Siti Nadia Tarmizi cho biết.
Nhưng dẫu giường có bỏ trống, người mắc bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn phải lựa chọn tự cách ly.
"Những ai có triệu chứng trên trung bình cần đến trung tâm cách ly. Ai có triệu chứng nặng - như khó thở - cần phải tới bệnh viện," - Siti nói thêm, đồng thời khẳng định các trường hợp cách ly tại nhà đều được giám sát thông qua một công ty khám chữa từ xa, để họ được giúp đỡ khi cần.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Daeng M. Faqih, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Indonesia, quy định này cần phải thay đổi. Theo ông, việc để người dân tự cách ly trong tình trạng này có thể khiến các ca nhiễm bùng phát, bởi nhiều người đang sống trong môi trường chật hẹp đông đúc, không thể bảo vệ người thân.
"Trong văn hóa của Indonesia, việc một gia đình nhiều thế hệ chung sống là điều phổ biến, thậm chí 3 gia đình trong 1 nhà cũng không hiếm. Nó sẽ tạo ra các ổ dịch nhỏ trong cộng đồng," - ông nhận định. Hơn nữa, cũng rất khó để ngăn chặn người không có triệu chứng rời khỏi nơi cư trú của mình.
"Họ dễ dàng đi lung tung và lây nhiễm cho người khác nữa."
Ngày càng nhiều người chết
Số ca nhiễm tại Indonesia đã giảm hẳn so với tháng 7. Dẫu vậy, tỉ lệ tử vong mỗi ngày vẫn đang nằm trong nhóm cao nhất thế giới - 1500 người. Ấn Độ lúc này chỉ có 490 người, và Mỹ là 342.
Cơn khủng hoảng chết chóc ấy cũng góp phần làm chậm chiến dịch tiêm chủng của đất nước. Hiện tại, chính quyền Indonesia đang lên kế hoạch tăng tốc tiêm chủng gấp đôi, lên ít nhất 2 triệu liều mỗi ngày. Họ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 208 triệu người trên tổng số 270 triệu dân, dù còn một chặng đường dài phía trước. Tính đến ngày 13/8, chỉ dưới 10% người Indonesia được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid.
Trong lúc đó, Taufiq và đội của mình vẫn phải luôn túc trực, sẵn sàng xuất hiện hỗ trợ khi có người cần. Anh cho biết một ngày của mình bắt đầu bằng việc cầu nguyện cho cả nhóm bình an, và kết thúc sau khi xử lý thi thể người bệnh.
"Gia đình tôi rất lo lắng, sợ rằng tôi sẽ nhiễm bệnh và mang virus về nhà. Nhưng tôi đã thuyết phục được, và giờ chúng tôi chỉ còn có thể cầu nguyện."
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/hang-ngan-giuong-benh-bo-trong-dan-chung-van-chet-vi-covid-tai-nha-chuyen-ky-la-gi-dang-xay-ra-o-dat-nuoc-tam-dich-cua-dong-nam-a-162211508072953959.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.