Bác sĩ hồi sức sáng kiến ra bồn chứa 32 tấn oxy cứu F0: “Cả khi ngủ, tôi vẫn liên tục nghe tiếng máy thở vang trong đầu!”

Hy sinh vì một tư tưởng chắc chắn là cao quý. Nhưng còn cao quý hơn biết bao nhiêu nếu người ta hy sinh vì tư tưởng đúng!" – là câu danh ngôn nổi tiếng của nhà báo người Mỹ Henry Louis Mencken được ghi trên tờ lịch treo tường tôi từng tình cờ đọc được khá lâu rồi.

Câu nói từng làm tôi khá ấn tượng bởi Henry đã dành những mỹ từ để nói về hành động hy sinh vì tư tưởng đẹp, đúng đắn. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thể cảm nhận, hay chính xác hơn là hình dung được thực tế người ta cao quý như thế nào khi một người sẵn sàng hy sinh vì một tư tưởng cho đến cuộc trò chuyện dài gần 1 tiếng đồng hồ với bác sĩ Nguyễn Đức Tâm (Phó giám đốc chuyên môn, Bệnh viện 38A - Nguyễn Văn Quỳ, TP.HCM) – người đang sát cánh trực tiếp cùng những nhân viên y tế chiến đấu với Covid-19, cứu những bệnh nhân bị con virus quái ác tấn công.

Bác sĩ hồi sức sáng kiến ra bồn chứa 32 tấn oxy cứu F0: “Cả khi ngủ, tôi vẫn liên tục nghe tiếng máy thở vang trong đầu!” - Ảnh 1.

Ngọc Minh: Hơn một năm qua, dịch bệnh Covid-19 là nỗi sợ, sự kinh hoàng với rất nhiều người. Ai cũng sợ một ngày nào đó mình sẽ trở thành F0, ngay cả bản thân tôi cũng vậy. Công việc đòi hỏi 24/24 giờ tiếp xúc với các trường hợp mắc Covid-19, anh có lo ngại rồi sẽ đến lượt mình?

Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm: Lo lắng trở thành F0 thì đương nhiên là có. Tôi cũng có gia đình, cũng có con nhỏ nên tôi cũng phải lo lắng chứ, sao không? Cái may mắn của tôi đó là, tôi là nhân viên y tế nên có kiến thức phòng chống lây nhiễm và đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Cho nên khi vào khu F0 thì không có gì phải lo sợ nữa. Tôi nghĩ nếu nhân viên y tế lại sợ ‘kẻ thù’- (virus SARS-CoV-2 -PV) làm sao có thể chiến thắng dịch bệnh. Chẳng may có một ngày tôi có bị mắc Covid-19, tôi cũng chấp nhận và không oán trách gì ai hết.

Ngọc Minh: Một số bác sĩ có chia sẻ với tôi: Khi bắt đầu bước vào cuộc chiến Covid-19 họ đã “sốc”. Sốc do bệnh nhân mắc bệnh cứ tăng lên hàng ngày, bệnh nhân chuyển nặng rất nhanh, trở tay không kịp. Còn với anh khi bước vào cuộc chiến này có bị chếnh choáng?

Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm: Có chứ, khi bắt đầu vào khu điều trị F0, điều làm khó tôi nhất là làm quen với bộ đồ bảo hộ.

Một bác sĩ khi vào ca trực sẽ phải mặc bộ đồ bảo hộ 4 tiếng/ca và sau đó được nghỉ 30 phút. Thời tiết tại TP HCM mùa này rất nóng nên khi mặc thêm bộ đồ bảo hộ sẽ khó chịu. Bạn có tin không, sau khi hết ca trực, chiếc áo bên trong của tôi thấm đẫm mồ hôi, vắt ra cả nước.

Điều khó nữa là khi mặc bộ đồ bảo hộ thì mọi sinh hoạt sẽ phải hạn chế như: uống nước, đi vệ sinh… Cho nên nhiều khi thèm uống nước mà không dám uống, sợ sẽ phải đi vệ sinh. Đồ bảo hộ khi cởi ra sẽ phải thay một bộ mới, như vậy sẽ lãng phí. Vì dịch bệnh không biết bao giờ mới kết thúc, mọi thứ dùng phải tiết kiệm, nhất là bộ đồ bảo hộ rất quý hiếm.

Ngọc Minh: Là bác sĩ hồi sức đã quen đối mặt với những ca bệnh khó, bệnh nặng, điều gì khiến anh cảm thấy khó khăn nhất khi điều trị bệnh nhân Covid-19?

Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm: Khi hồi sức cho bệnh nhân Covid-19, ám ảnh nhất đối với tôi là viêm phổi thường diễn biến rất nhanh. Bệnh nhân diễn biến từ trung bình vào nặng chỉ trong vòng 15-20 phút nếu như bác sĩ không để ý.

Do vậy bác sĩ phải làm việc không phải với 100% mà là 200% công suất, để ý từng bệnh nhân một, liên tục không rời. Vì chỉ cần rời bệnh nhân trong một vài phút, bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Bác sĩ hồi sức sáng kiến ra bồn chứa 32 tấn oxy cứu F0: “Cả khi ngủ, tôi vẫn liên tục nghe tiếng máy thở vang trong đầu!” - Ảnh 2.

Sau 7 ngày căng sức điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tôi đã bị ám ảnh. Khi đi tắm, tôi luôn nghe thấy tiếng báo động cấp cứu vang lên trong đầu. Một tuần công việc đã vào guồng, tôi có thời gian được chợp mắt buổi trưa một chút, đang ngủ tôi vẫn bị ám ảnh giật thót mình tỉnh giấc vì nghe thấy những hiệu lệnh như: "Bệnh nhân suy hô hấp, đặt nội khí quản", "Bệnh nhân đang chuẩn bị suy hô hấp" hay như "cấp cứu! cấp cứu!"… Rồi tiếng còi cấp cứu, tiếng báo động của máy thở liên tục trong đầu tôi.

Thậm chí, tôi đã phải đăng lên trang zalo cá nhân hỏi bạn bè: "Tôi có đang gặp vấn đề gì không, vì tôi liên tục nghe thấy âm thanh tiếng máy thở vang lên trong đầu?"

Ngọc Minh: Guồng quay của công việc rất áp lực, con người không phải là cỗ máy để có thể làm việc liên tục. Có khi nào anh cảm thấy mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi?

Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm: Thực sự tôi chưa bao giờ muốn được nghỉ ngơi. Bởi vì, nếu tôi nghỉ ngơi, công việc sẽ bị chậm trễ và sẽ đánh đổi bằng cả tính mạng của bệnh nhân. Tôi không muốn nghỉ ngơi để đứng ngoài cuộc chiến cam go và cần mình nhất.

Ngoài ra, tôi còn nhận được sự giao phó của quận ủy và ban lãnh đạo Quận 7, nên tôi phải cố gắng đáp lại niềm tin.

Bác sĩ hồi sức sáng kiến ra bồn chứa 32 tấn oxy cứu F0: “Cả khi ngủ, tôi vẫn liên tục nghe tiếng máy thở vang trong đầu!” - Ảnh 3.

Không chỉ riêng tôi đâu, mà tất cả nhân viên đều trong bệnh viện không cho phép mình được nghỉ ngơi, ai cũng làm việc quần quật từ sáng tới tối. Tất cả các bữa cơm của chúng tôi tại đây chưa bao giờ được ăn đúng giờ. Bữa cơm trưa thường xuyên ăn vào lúc 2h chiều, bữa cơm tối 20-21 giờ.

Có những thời điểm hết ca nghỉ ăn uống, chưa kịp cởi đồ bảo hộ thì lại có báo động "bệnh nhân nặng!" Anh em lại lao vào làm việc, những bữa cơm quá giờ đối với chúng tôi đã trở lên hết sức bình thường.

Bác sĩ hồi sức sáng kiến ra bồn chứa 32 tấn oxy cứu F0: “Cả khi ngủ, tôi vẫn liên tục nghe tiếng máy thở vang trong đầu!” - Ảnh 4.

Ngọc Minh: Thường xuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, chắc hẳn anh sẽ có rất nhiều câu chuyện "đặc biệt" về bệnh nhân?

Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm: Cuộc sống cùng ăn cùng ngủ với bệnh nhân Covid-19 tuy vất vả nhưng cũng có những kỷ niệm đáng nhớ. Tôi vẫn còn nhớ ngày hôm đó tiếp nhận một bệnh nữ (sinh năm 1983) được chuyển tới từ điểm cách ly tập trung. Bệnh nhân có 3 người con, đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa thứ hai là 4 tuổi, đứa thứ 3 chưa tới đến 1 tuổi.

Trước khi, vào phòng cấp cứu, chị bệnh nhân có nói với tôi một câu mà tôi vẫn còn nhớ mãi: "Bác sĩ ơi cố gắng cứu em! Con em nhỏ, cần em chăm sóc…".

Câu nói của nữ bệnh nhân làm tôi không kìm nén được xúc động, tôi nhớ tới 2 đứa con nhỏ của mình đang ở nhà. Nhìn vào đôi mắt đang khóc của chị, tôi hiểu được tình mẫu tử thiêng liêng như thế nào. Tôi tự hứa với lòng phải cố gắng cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá.

Rất vui là sau một đợt điều trị, bệnh nhân đã hồi phục và trở về nhà với gia đình và các con. Bệnh nhân có nhắn tin ngủ rất ngon và nhắn gửi lời cảm ơn tới đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện Nguyễn Văn Quỳ đã giúp chị được sống lại một lần nữa.

Ngọc Minh: Anh kể làm tôi cũng cảm thấy thật xúc động. Chắc anh đang nhớ bọn trẻ ở nhà?

Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm: Đương nhiên rồi! Tôi có 2 nhóc, anh lớn 4 tuổi, em nhỏ 2 tuổi, vì dịch bệnh nên đều phải gửi về nhờ bà ngoại chăm sóc. Khi vào khu điều trị F0, tôi cạo trọc đầu nên lúc gọi điện về 2 nhóc nhà tôi đã không nhận ra bố. Thằng anh nhìn thấy bố mếu máo, con em thì bỏ chạy nói với anh: "Không phải ba".

Sau rất nhiều ngày được bà ngoại giải thích mãi 2 con cũng hiểu và biết cổ vũ: "ba là siêu nhân, ba cố lên để giết chết corona". Và câu nhắn cuối cùng của con luôn là phải nhớ mua xe ô tô màu đỏ cho con.

Bác sĩ hồi sức sáng kiến ra bồn chứa 32 tấn oxy cứu F0: “Cả khi ngủ, tôi vẫn liên tục nghe tiếng máy thở vang trong đầu!” - Ảnh 5.

Ngọc Minh: Hồi sức là một ngành nhiều bác sĩ tránh né vì công việc vất vả, lương thấp, thường xuyên phải đối mặt với bệnh nhân tử vong. Vì sao anh lại chọn chuyên ngành được cho là “khoai” nhất này?

Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm: Tôi chỉ muốn nói gói gọn trong một từ nghề là ‘nghiệp’. Giờ ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thu nhập cao thì công việc gian khổ lương thấp sẽ phần cho ai… Nên tôi coi đó là cái nghiệp và tôi cảm thấy hạnh phúc khi điều trị cho một bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện.

Tôi đơn giản lắm, thích là làm và khi đã làm thì không hối hận. Giờ tôi chỉ cầu mong trời cho tôi sức khỏe gấp một ngàn lần. Tôi sẽ mang sức lực đó cùng ngành y tế, nhân dân nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh này, đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Bác sĩ hồi sức sáng kiến ra bồn chứa 32 tấn oxy cứu F0: “Cả khi ngủ, tôi vẫn liên tục nghe tiếng máy thở vang trong đầu!” - Ảnh 6.

Trong cuộc chiến khốc liệt này, tôi biết ơn những nhân viên y tế tại 38A, Nguyễn Văn Quỳ. Trong mắt tôi, họ là những chiến sĩ anh hùng. Họ là những người anh/chị, người em, thậm chí là những nhân viên kế toán, nhân viên hành chính ít khi phải tham gia vào công việc điều trị, nhưng khi cần họ vẫn thức trắng đêm, làm được gì cho bệnh nhân họ vẫn làm.

Ngọc Minh: 10 năm kinh nghiệm làm hồi sức, thường xuyên phải đối diện với những bệnh cực nặng, giờ đối mặt với trận chiến Covid-19, cảm giác của anh ra sao?

Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm: Đời tôi chinh chiến khắp nơi và trải qua rất nhiều sự thăng trầm của cuộc sống. Nhưng lần đầu tiên tôi cảm thấy đáng sợ, kinh khủng tới vậy.

Tôi luôn ước giá như mình có 100 bàn tay để xoay xở, giúp cho 100 người bệnh. Nhưng tôi và các nhân viên y tế chỉ có 2 tay, nên không thể dành cho bệnh nhân sự chăm sóc tốt nhất. Tôi chỉ chăm sóc được những thứ cơ bản như: oxy, cho thuốc… chứ không thể chăm sóc tốt hơn nữa cho bệnh nhân.

Tôi và tất cả ngành y sẽ không bao giờ quên những tháng ngày chống dịch này!

Bạn biết không, ngày đầu tiên tôi được phân công điều trị cho bệnh nhân Covid-19, tôi chỉ chợp mắt được 30 phút đến 1 tiếng/ngày.

Nhiều bạn nữ rất trẻ mới ra trường, làm việc tới 3 giờ sáng, mệt lả, nằm ngủ ngay tại hành lang bệnh viện. Tôi thấy một giấc ngủ đó cực kỳ ngon mà tôi chưa hề thấy bao giờ.

Không chỉ nhân viên y tế mà Covid-19 còn bào mòn sức khỏe của nhân dân (người mắc – pv) rất kinh khủng. Có những trường hợp đã khỏi bệnh nhưng bước đi của họ vẫn khó vững. Có những trường hợp khi đã khỏi bệnh, nhân viên y tế phải đỡ ra tận xe để về nhà. Bệnh nhân về nhà 5-7 ngày sau có nhắn tin cho bác sĩ đã đi lại được bình thường.

Tôi hứa với nhân viên của mình: "Nếu trận chiến này qua đi, anh em mình thành công trở về, tôi sẽ mời tất cả mọi người một bữa ăn thịnh soạn bằng tiền túi của mình".

Tôi rất cảm ơn tất cả các anh, chị, em làm việc tại bệnh viện từ những ngày đầu tiên đến bây giờ. Dù vất vả, mệt mỏi nhưng họ vẫn đang chiến đấu một cách anh dũng nhất.

Tôi hy vọng dịch bệnh có thể qua sớm nhất, nhân dân sẽ khỏe mạnh và sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Bác sĩ hồi sức sáng kiến ra bồn chứa 32 tấn oxy cứu F0: “Cả khi ngủ, tôi vẫn liên tục nghe tiếng máy thở vang trong đầu!” - Ảnh 7.

Ngọc Minh: Tôi nghe nói, trong điều kiện bệnh nhân cần thở oxy tăng nhanh mà lại thiếu đường dẫn oxy đến bệnh nhân, anh đã đưa ra những sáng kiến chưa có trong tiền lệ?

Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm: Đối với những bệnh nhân mắc Covid-19 có diễn biến nặng suy hô hấp, oxy chính là sự sống vô cùng quý giá. Nếu không có oxy để thở, bệnh nhân sẽ diễn biến xấu dẫn tới suy hô hấp và tử vong.

Dịch bệnh bùng phát mạnh tại TP HCM, bệnh viện được thành lập như là một trạm trung chuyển bệnh nhân Covid-19 và là cầu nối trạm y tế phường với các bệnh viện tuyến trên (tầng điều trị thứ 3-tầng 4, tầng 5). Cho nên nhiệm vụ của bệnh viện lúc đó cũng chỉ đơn thuần là cấp cứu tạm thời cho bệnh nhân, chăm sóc, thở oxy, truyền dịch… đó là những chăm sóc cơ bản cho những bệnh nhân Covid-19.

Tuy nhiên, điều không ngờ nhất là số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh, tuyến trên quá tải và bệnh nhân nặng bị ách tắc tại bệnh viện. Bắt buộc lúc này, chúng tôi phải xử lý cấp cứu và điều trị cần nâng lên một bậc: thở máy HFNC, đặt nội khí quản để cứu sống bệnh nhân.

Bác sĩ hồi sức sáng kiến ra bồn chứa 32 tấn oxy cứu F0: “Cả khi ngủ, tôi vẫn liên tục nghe tiếng máy thở vang trong đầu!” - Ảnh 8.

Lúc đầu chúng tôi dự tính chỉ có khoảng 15 giường dành cho bệnh nặng. Sau 2 ngày từ 15 giường bệnh nhân nặng đã tăng lên 70 giường.

Một đêm số oxy phải tiêu tốn khoảng 200 bình/ngày (bình oxy 40 lít), bình oxy chất cao như núi, nhưng bệnh nhân vẫn không có đủ oxy để thở.

Không chấp nhận nhìn bệnh nhân thoi thóp, thậm chí sẽ chết vì thiếu oxy, chúng tôi đã phải chế thêm đường dẫn oxy để bệnh nhân có thêm oxy thở. Nhưng tôi biết cách làm này chỉ là tạm thời giải quyết tình huống cấp bách cho bệnh nhân.

Ngọc Minh: Chăm sóc, cấp cứu cho số lượng bệnh nhân đông cũng đủ khiến cho bác sĩ bị vắt kiệt sức. Giờ lại thêm việc thay bình oxy một đêm tới 200 bình có làm khó đội ngũ y tế của bệnh viện?

Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm: Bệnh viện chỉ có 5 bác sĩ, 5 điều dưỡng chăm sóc cho 70 người bệnh nên việc gì cũng đến tay. Số bệnh nhân nặng tăng nhanh, bệnh viện phải huy động toàn bộ nhân lực thay oxy liên tục cho bệnh nhân thở để qua cơn nguy kịch.

Việc đẩy và thay một bình oxy nặng hơn 100kg là điều không hề đơn giản. Chúng tôi không đủ nhân lực để làm việc, không thể thuê người bên ngoài vào thay bình oxy cho bệnh nhân được. Do vậy, nhân viên y tế từ bác sĩ, điều dưỡng tới nhân viên hành chính đều phải làm ‘cu li’ đi thay bình oxy.

Bác sĩ hồi sức sáng kiến ra bồn chứa 32 tấn oxy cứu F0: “Cả khi ngủ, tôi vẫn liên tục nghe tiếng máy thở vang trong đầu!” - Ảnh 9.

Công việc thì nhiều, nhân lực thì thiếu, thời gian đầu khi phải liên tục thay bình chúng tôi cũng thấy mất sức, mệt mỏi và đuối sức.

Ngọc Minh: Có phải chính từ khó khăn đó, ý tưởng xây dựng bồn chứa oxy 32 tấn đã ra đời?

Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm: Đơn giản xuất phát từ thực tế bệnh nhân mắc Covid-19 tăng lên từng ngày, số lượng bệnh thở oxy cũng tăng theo cấp số nhân. Tôi nghĩ không thể tạm bợ chế đường dẫn oxy mãi được và không thể đêm nào cũng có đủ sức lực thay tới 200 bình oxy nặng tới cả hơn 100kg.

Trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như vậy, ban lãnh đạo Quận ủy (quận 7) và Ban lãnh đạo bệnh viện Quận 7 đã tính toán làm bồn oxy. Chỉ trong 2 ngày, đơn vị thi công oxy bồn đã gấp rút xây dựng hệ thống oxy bồn, đường dẫn cho bệnh viện.

 
 

Lúc đầu tôi chỉ dự tính làm bồn 10 tấn, nhưng có một chút may mắn đã được 1 công ty tài trợ xây dựng bồn 32 tấn, tương đương với 5.000 bình oxy 40 lít. Hiện nay, hệ thống oxy này cung cấp cho 200 bệnh nhân cần oxy và chạy được 1,5 tháng.

Khi đã có bồn chứa oxy, anh em trong bệnh viện ‘sướng’ lắm. Giờ chúng tôi không còn phải làm cu li (bác sĩ Tâm cười -pv), có thời gian để nghỉ ngơi, tranh thủ gọi điện về cho người thân trong gia đình.

Với bệnh nhân, nhờ có hệ thống oxy bồn số lượng bệnh nhân phục hồi trở lại tăng, giảm áp lực cho tuyến trên. Tại bệnh viện trong 2 tuần, bệnh nhân đang thở oxy được điều trị đã có thể trở về cuộc sống bình thường. Tính tới thời điểm hiện tại, bệnh viện đã có 80 ca bệnh nặng đã được ra viện về theo dõi y tế tại nhà. Mỗi ngày bệnh viện đã cho xuất viện khoảng 20-30 người - trước đó từng phải nằm cấp cứu.

Ngọc Minh: Như anh chia sẻ, tôi đang hiểu oxy đối với bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng là cực kỳ quan trọng. Cuộc chiến dịch bệnh tại TP HCM chưa rõ ngày kết thúc, anh có muốn sáng kiến bồn chứa oxy này được nhân rộng?

Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm: Đương nhiên là có rồi, có oxy bệnh nhân mới có thêm cơ hội sống. Dịch đang bùng phát tại thành phố, F0 có triệu chứng tăng cao, bồn hay bình oxy đều rất cần thiết giúp duy trì sự sống ‘tạm thời’ cho bệnh nhân có triệu chứng.

Bác sĩ hồi sức sáng kiến ra bồn chứa 32 tấn oxy cứu F0: “Cả khi ngủ, tôi vẫn liên tục nghe tiếng máy thở vang trong đầu!” - Ảnh 11.

Với phương án bồn oxy sẽ giải quyết rất nhiều công việc cho nhân viên y tế. Nhân viên y tế không phải quá vất vả khi liên tục phải thay bình, có thêm thời gian nghỉ ngơi, giữ gìn sức khoẻ. Đối với bệnh nhân, có đủ oxy bệnh nhân sẽ được ‘thở’ và có cơ hội được cứu sống.

Giải pháp oxy bồn có thể thay đổi được cục diện điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng, giảm được tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.

Cảm ơn bác sĩ, chúc bác sĩ vững vàng sức khỏe và bình an!

 

Link gốc: http://toquoc.vn/bac-si-hoi-suc-sang-kien-ra-bon-chua-32-tan-oxy-cuu-f0-ca-khi-ngu-toi-van-lien-tuc-nghe-tieng-may-tho-vang-trong-dau-8202115873929806.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang