Trên MXH từng có câu chuyện: Con trai và con dâu cùng ăn cơm với mẹ chồng, con trai hỏi: "Mẹ ơi, con cưới được 5 năm rồi, con hỏi thật mẹ thấy nàng dâu này thế nào?". Bà mẹ chồng cười đáp: "Trời ơi, nếu con không nhắc mẹ cứ tưởng con là con rể mẹ đấy".
Thế nhưng cũng chính dưới bài đăng ấy phụ nữ lại vào thi nhau than thở rằng truyền thuyết mẹ chồng – nàng dâu mãi không thể là cái kết có hậu. Thực tế cuộc sống luôn vậy, không phải mẹ chồng nào cũng xấu và không phải nàng dâu nào cũng ngoan.
Câu chuyện mẹ chồng đích thân xin lỗi con dâu
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe 1 câu chuyện rất thật xảy ra trong chính gia đình mình.
Ngày trước nhà bà ngoại tôi khá nghèo nên chỉ có mẹ tôi là được đầu tư học cao đẳng trên thành phố. Dì tôi là 1 người rất tình cảm, chăm lo gia đình và lúc nào cũng muốn có 1 cuộc sống bình yên.
Năm 20 tuổi dì kết hôn với 1 thanh niên trong làng. Không ai ủng hộ cuộc hôn nhân này vì chú nghiện rượu, tính còn gia trưởng. Vậy mà chả hiểu sao lấy dì tôi xong chú thay đổi tính nết hẳn.
Tôi rất ngưỡng mộ sự bản lĩnh và cứng rắn của dì nhưng những người khác lại nói dì độc đoán, ép buộc chồng phải làm theo ý mình. Ngày dì có con dâu mới cũng thế. Mẹ tôi còn đoán, sớm muộn gì dì ấy cũng uốn nắn, kiểm soát con dâu như từng làm với chồng và con trai thôi.
Tuy nhiên, đã 5 năm kể từ ngày em dâu tôi về đây sống, họ thực sự là một cặp mẹ chồng - con dâu mà cả làng đều ghen tị: đan áo len cùng nhau, đi du lịch cùng nhau, làm việc cùng nhau.
Tất nhiên, họ từng có cãi vã - điều mà tôi đã tận mắt chứng kiến.
Năm trước, tôi về quê ăn Tết và đến nhà dì chơi đúng bữa cơm không thấy em dâu. Tôi có hỏi thì cậu em nói vợ mình đang giận mẹ chồng, không muốn xuống ăn. Tôi cảm thấy thật nực cười, đời thuở nhà ai mà nước chảy ngược, con dâu dỗi mẹ chồng.
Một lúc sau, dì từ dưới bếp lên hỏi han mấy câu rồi lên tận phòng kéo con dâu xuống ăn cơm. Bà còn nhìn nàng dâu trêu đùa: "Gớm, mẹ xin lỗi được chưa. Mày giận mẹ không ăn mày thiệt thân à, dốt thế không biết!". Tôi thực sự choáng váng trước cảnh tượng này.
Mẹ tôi còn chưa từng 1 lần xin lỗi con gái mà giờ dì tôi - một bà nội 60 tuổi, xuống nước xin lỗi con dâu, nguyên nhân là gì tôi cũng không còn quan tâm nữa. Tôi chỉ hỏi lý do tại sao dì làm thế, dì trả lời: "10 năm nhìn mẹ chồng, 10 năm xem con dâu. Ai sai thì phải xin lỗi quan trọng gì tuổi tác hay vị thế. Dì phải sống đúng mực con dâu sau này mới nể trọng và yêu quý".
Cách mẹ chồng nàng dâu hòa hợp chỉ gói gọn 2 từ "bao dung"
Sau đó, tôi thực sự tò mò về cách họ hòa hợp với nhau. Tôi hỏi dì, dì đã làm như thế nào, có phải vì bà coi con dâu như con gái không? Hay là do con dâu coi bà như mẹ ruột của mình?
Câu trả lời của dì tôi thế này:
"Dì không coi nó là con gái, cũng không coi nó là con dâu. Dì luôn trong tâm thế là người mà con bé gọi bằng mẹ. Mẹ chồng đã từng làm con dâu nhưng con dâu chưa 1 lần được làm mẹ chồng nên dì luôn đặt dì vào vị trí con dâu để hiểu tâm lý nó".
Ở thời đại của chúng ta, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thực sự là một vấn đề lớn.
Dì tôi thường coi con dâu như bạn mình. Dì thường nói: "Nếu dì không kiên trì nhẫn nại, không có chú của ngày hôm nay. Nếu dì không bao dung thấu hiểu, dì không những mất con dâu, mất cháu mà còn mất cả con trai mình. Nên thay vì đối đầu, dì sẽ hòa nhập. Hòa nhập với giới trẻ làm dì ngày càng trẻ hơn".
Dù có mâu thuẫn hay bất đồng xảy ra thì chúng ta mãi mãi là 1 gia đình, không ai thay đổi được điều ấy. Vậy thì tại sao phải nặng nề để làm tổn thương lẫn nhau.
Tôi rất ngưỡng mộ quan điểm của dì tôi về việc nhìn mọi thứ từ một góc độ khác. Đôi khi, cách tốt nhất để giải quyết một vấn đề là phủ nhận sự tồn tại của một vấn đề.
Vì mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong tiềm thức là không thể giải quyết được, vậy tại sao không xóa bỏ sự tồn tại của mối quan hệ này ngay từ đầu? Đừng coi mẹ chồng con dâu là mẹ chồng con dâu, vì bản chất của mối quan hệ này vốn đã có nhiều định kiến. Bởi người ta luôn nghĩ nó không bình đẳng, như mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới. Tuy nhiên, nếu sự bất bình đẳng này bị loại bỏ và mối quan hệ giữa trên và dưới được chuyển thành cánh tay trái và phải thì có phải vấn đề đã được giải quyết?
Cũng giống như nhiều gia đình, quan hệ cha con, mẹ con không tốt là do bất bình đẳng, cha mẹ có quyền phân xử đúng sai, chỉ cần thấy con sai thì la mắng hoặc đánh đập. Điều này càng đúng với mối quan hệ mẹ chồng - con dâu.
Chúng ta muốn bất cứ 1 mối quan hệ nào tốt đẹp, điều quan trọng nhất cần giải quyết là xóa bỏ sự bất bình đẳng trong đó. Vì vấn đề nằm ở suy nghĩ, nhận thức chứ không phải do môi trường tác động. Hãy biến chuyện to thành nhỏ, nhỏ thành không có, như vậy không chỉ 1 người đỡ mệt mỏi mà cả nhà sẽ cùng được vui.
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/hanh-dong-xin-loi-nang-dau-dang-kinh-ngac-cua-me-chong-va-bai-hoc-sau-sac-me-chong-da-tung-la-con-dau-nhung-con-dau-chua-1-lan-lam-me-chong-22202274102022417.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.