Trước khi gặp Vũ Thị Huyền - một bệnh nhân ung thư, riêng tôi đã đọc vô số bài báo viết về những người cùng cảnh như cô. Đau xót. U ám. Sợ hãi. Ám ảnh. Hoang mang. Mệt mỏi. Cảm thương. Hy vọng… Mọi cung bậc cảm xúc đều có cả. Nhưng chỉ đến khi gặp Huyền, lặng nghe chị nói thật chậm, trong một khung cảnh chiều mưa chớm lạnh ở Hà Nội, tôi mới cảm thấy điều mà ở những bài viết khác không hoặc chỉ lờ mờ gợi ra: Nhẹ bẫng!
Có câu: "Ngộ thì giây phút thoát ra", thoát ra thì nhẹ bẫng. Tôi tin không cần phải đợi đến khi trở về Đất Mẹ, mà ngay từ bây giờ, Huyền đã "thoát ra" khỏi những dằn vặt về thể xác và tinh thần - mà với người ung thư và gia đình của họ, đau đớn thể xác, tinh thần là "thứ còn đáng sợ hơn cả thần chết".
Giống như cách, chẳng hạn, một người sau vài tuần phải nằm điều trị miết trong bệnh viện đến một ngày khỏi bệnh và lần đầu được ra ngoài trời, cảm nhận không gian và khí trời tươi mát. Hoặc như, một người vốn thường ngày sống vội vã hờ hững, đột nhiên khi ngồi bên tách trà hay cà phê, nhận ra buổi sáng hôm đó đất trời quá đỗi tươi đẹp mà mình vẫn bỏ qua.
Với tâm thế sống như vậy, nên khi gặp và chia sẻ câu chuyện của mình, Huyền nói với tôi, cuộc hẹn này hẳn là món quà mà Trời Phật đã mến tặng cho chị. "Chị không biết sẽ sống đến khi nào, nên bài viết của em chắc sẽ là một kỉ niệm đẹp trên đoạn ngắn cuộc đời".
Căn bệnh của Huyền bắt đầu từ hơn 6 năm trước khi chị vừa sinh con tròn 18 tháng. Hôm đó, đúng ngày sinh nhật của một người bạn thân – chị Thương Sobey (sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam - PV), Huyền biết tin mình cũng mắc ung thư vú giống bạn. Cách đó tròn 1 năm, sau khi vừa vui mừng vì biết tin Thương có lễ ăn hỏi, Huyền rất bất ngờ nghe chị tâm sự mắc bệnh nan y.
Huyền Vũ đã điều trị ung thư vú tái phát được hơn 1 năm.
Sự trùng hợp tréo ngoe đó thật khó lý giải. Huyền chỉ nhớ, khi cầm trên tay tờ giấy ghi kết quả sinh thiết, lần đầu tiên chị trải nghiệm cảm giác tuyệt vọng cùng cực. Tảng đá ung thư đè nặng khiến lồng ngực chị ngộp thở. Những nỗi sợ dồn dập ập tới. Ngay cả suy nghĩ phải chung sống với ung thư đến hết quãng đời ngắn ngủi còn lại cũng đủ khiến chị cảm thấy hoang mang.
Rồi Huyền cũng trải qua những ca phẫu thuật dài 2-3h đầy mạo hiểm, phải xạ trị, hóa chất và ra về với một ngoại hình khác biệt: đầu trọc lốc, lông mày, lông mi nhẵn nhụi, cân nặng sụt giảm nhanh chóng.
Một sáng, khi Huyền chợt tỉnh giấc ở bệnh viện, vùng mạch máu trên tay chị cháy đen vì bỏng hóa chất. Một lần khác, hóa chất khô lại làm móng tay, chân sưng lên, mưng mủ rồi thối rữa, dây thanh quản cũng bị bỏng, cổ họng phồng rộp. Trong những lúc mệt mỏi đến tàn lụi, Huyền thường tự hỏi, cuối cùng mình sẽ chết vì hóa chất – vũ khí chống ung thư của bệnh viện hay vì căn bệnh quái ác kia?
Những hình ảnh ghi lại kỉ niệm Huyền đi làm thiện nguyện ở vùng cao.
Giữa lúc những mảng đen mênh mông, không bờ bến của suy nghĩ tiêu cực đang ập sâu vào nội tâm của Huyền thì ở Australia, Thương Sobey đã ra đi sau hơn 2 năm chống chọi với bệnh tình. Huyền vẫn nhớ Thương, người phụ nữ mạnh mẽ đã động viên, truyền cho chị năng lượng tích cực rất nhiều lần trong suốt 6 tháng đầu bị bệnh. Dù mắc bệnh nặng nhưng lúc nào Thương cũng cười rất tươi… Nhưng sự lạc quan, tấm lòng thiện nguyện của Thương với cộng đồng cũng không giúp chị ở lại lâu hơn.
Những người xung quanh mà chị biết, nhiều người lần lượt ra đi. Huyền như tòa lâu đài không đổ sập một lần, mà cứ sụp xuống từng tầng, từng tầng một tưởng như không gì cứu vãn nổi…
Hơn 1 năm sau ngày phẫu thuật, bệnh của Huyền dần ổn định nhưng sau 5 năm, ung thư đã quay lại. Một năm trước, khối u đã di căn vào phổi. Bác sĩ không còn dám tiên lượng số ngày Huyền còn sống. Họ nói, chị sẽ tiếp tục phải sống chung với hóa chất cho đến khi nào không thể chịu đựng được nữa.
Kể từ đó đến nay, Huyền đã trải qua gần 15 lần hóa chất và 2 ca phẫu thuật nặng. Nhưng thay vì cảm giác mệt mỏi như lần đầu, Huyền đối mặt với tất cả bằng tâm thế bình thản hơn. Chị nói, 5 năm ổn định bệnh là quá trình tuyệt vời để Huyền giác ngộ về cái chết.
"Có một lần, trong lúc đi bên chồng, anh nói rằng: "Tất cả những gì em đang trải qua, anh không thể hiểu hết. Nhưng dù có vui mừng, hạnh phúc hay khổ đau… thì cũng chỉ là cảm giác của em. Tất cả rồi sẽ qua. Tất cả".
Huyền đưa tay cấu mình thật mạnh rồi buông ra, cảm giác đau đớn trôi qua rất nhanh. Chị nhớ đến cuốn sách "Khi hơi thở hóa thinh không" của vị bác sĩ Paul Kalanithi. Ông từng điều trị cho rất nhiều người bệnh sắp chết và chứng kiến cái chết của vô số bệnh nhân. Kalanithi đã phải luôn tập làm quen với nó để sau mỗi sự ra đi của họ không phải là sự tuyệt vọng đến nát lòng.
Rồi chính ông cũng bị ung thư phổi dày vò. Nhưng giống như Thương Sobey và rất nhiều người khác, Kalanithi đã chọn cách chiến đấu với nó đến hơi thở cuối cùng. Ông viết rằng: "Một ngày chúng ta được sinh ra, một ngày khác chúng ta sẽ chết đi, cùng một ngày, cùng một giây… Cửa sinh cũng là cửa tử, ánh sáng lóe lên một khoảnh khắc, và lần nữa, lại là đêm".
Dù bị bệnh nặng nhưng khi tiếp xúc với Huyền, người khác luôn cảm nhận nguồn năng lượng tích cực từ cô.
Cho đến khi đọc hết cuốn sách ấy, Huyền mới thực sự hiểu vì sao những người bạn của chị lại mạnh mẽ đến thế. Chị bất giác đưa tay lên sờ mái tóc của mình. Ngọn tóc đã từng bị hóa chất làm cho trụi sạch nay dần dần lại len lỏi mọc lên dưới làn da nhẵn nhụi. Huyền chợt nghĩ, sự luân hồi là có thật! Mọi thứ sinh ra rồi mất đi, mất đi để rồi lại được sinh ra thêm một lần nữa.
"Con người ta sống ở kiếp này chỉ là để hoàn thành một sứ mệnh. Trần gian cũng chỉ là cõi dừng chân. Nếu như tin cuộc sống có sự kéo dài sau cái chết, trong đó tận cùng của sự chết cũng là khởi thủy của kiếp sống mới… thì không còn gì đáng sợ nữa".
Khoảnh khắc giác ngộ ấy cũng là thời khắc Huyền quyết định, không thể chỉ sống một cuộc đời chật hẹp, u tối như những ngày đã trôi qua ở bệnh viện.
Trước khi bị bệnh, Huyền là thành viên rất tích cực của dự án Cơm có thịt do nhà báo, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Đăng Tuấn khởi xướng. Chị cũng tham gia giảng dạy cách làm đồ handmade cho học sinh ở Trung tâm nghị lực sống do chị Nguyễn Thị Vân (top 100 người phụ nữ ảnh hưởng nhất thế giới - BBC bình chọn) làm Giám đốc.
Lúc Huyền mới phát hiện bệnh không lâu thì chị Hà và chị Ngọc của CLB Phụ nữ Kiên Cường thường xuyên chủ động hỏi han và mời chị tham gia CLB dù Huyền lúc đó không biết họ là ai.
Những tổ chức thiện nguyện đã giúp Huyền quen được rất nhiều người đáng nể trong xã hội. Họ không chỉ có tài năng mà còn rất lạc quan và mạnh mẽ. Như chị Vân, dù mắc bệnh teo cơ tủy sống bẩm sinh vẫn vươn lên, trở thành GĐ trung tâm và có cuộc tình rất lãng mạn với chàng trai ngoại quốc. Hay như chị Ngọc (CLB PNKC), dù mất 1 chân và đang mắc ung thư vú nhưng luôn vui vẻ và giàu tấm lòng thiện hướng ra cộng đồng. Trong lúc Huyền nằm viện, rất nhiều học sinh ở trung tâm của chị Vân, phải ngồi xe lăn vẫn đến thăm, đông viên.
Điểm tựa là sự kết nối với xã hội, với những con người như thế đã dần kéo Huyền trở lại. Quan trọng nhất là trong suốt cuộc chiến ấy, gia đình, đồng nghiệp đã luôn ở bên động viên chị. Họ không bao giờ coi chị như người bệnh nhưng sẵn sàng hỗ trợ hết mình khi chị cần. Ở vào lúc tuyệt vọng, bi đát nhất, chồng chị không chỉ lắng nghe mọi tâm sự mà luôn nói rằng: "Có anh luôn ở đây" và "em đừng lo, mọi thứ rồi sẽ qua".
Mỗi lần như thế, Huyền lại thấy sự bất an tuôn trào bị trấn át, đại dương vô định tưởng chừng bất khả vượt qua cuối cùng cũng rẽ nước. Chị tiếp tục tham gia rất nhiều dự án tình nguyện khác và quen Hà (một người mẹ có con trai mất vì ung thư).
Huyền tham gia diễn vở kịch được dựng dựa trên cuốn sách "Điểm đến của cuộc đời" của tác giả Đặng Hoàng Giang.
Câu chuyện của Hà và bé Nam được tác giả Đặng Hoàng Giang viết trong cuốn sách Điểm đến của cuộc đời. Để động viên Huyền, một người bạn trong dự án Cơm có thịt đã tặng cuốn sách này cho chị. Đọc sách, chị nhận ra Hà (nhân vật đã đổi tên), người bạn rất thân nhiều lần vì nghe Huyền không ổn mà bỏ hết mọi việc, phi xe đến tận nơi chỉ để lắng nghe, nhìn chị khóc và kéo chị ra khỏi nguy cơ trầm cảm.
Ngày đi casting thử vai Hà, Huyền bật khóc nhiều quá khiến đạo diễn ái ngại. Nhưng vì chị có hoàn cảnh đặc biệt (cũng bị ung thư) và rất thân với Hà nên có lẽ được ưu ái.
"Cho đến hôm diễn thật, chị mới làm chủ được cảm xúc và không khóc nức nở như nhiều lần diễn tập". Vở kịch là cơ duyên giúp chị quen thêm rất nhiều người bạn đặc biệt. Đó là Huế, cô gái diễn vai Liên – một nhân vật có thật cũng đã mất vì ung thư vú sau 5 năm điều trị. Ngoài đời, Huế cũng mắc ung thư và mới mất cách đây không lâu. Suốt thời gian bị bệnh, cô đã thực sự sống như một người chiến binh, luôn vui vẻ, lạc quan và hoàn tất tâm nguyện học hết ĐH. Đó là em nhỏ đóng vai Nam có mẹ mắc bệnh ung thư… Mỗi diễn viên đều có hoàn cảnh rất đặc biệt, là nhân vật chính trong cuốn sách đầy cảm động của chính cuộc đời mình.
"Điểm chung của họ là đều nhìn nhận về cái chết rất hồng. Có phải căn bệnh hiểm nghèo là món quà hoàn hảo giúp họ thấu hiểu cái chết? Chị tự hỏi và vẫn thường nghĩ đúng là như vậy".
Trong các bức hình của Huyền, người khác thường thấy chị luôn cười rất tươi.
Cùng với ung thư, Huyền dành rất nhiều thời gian suy ngẫm về cái chết. Chị thường nghĩ, sinh, lão, bệnh, tử vốn là chu trình tuần hoàn, lặp đi lặp lại từ người này sang người khác, từ khi cơ thể mới sinh ra cho đến khi về với đất mẹ. Cái chết như một vị khách không chào đón, là sự đối nghịch tột cùng của niềm vui. Nó vẫn thường xuất hiện bất ngờ, phi lý... nhưng chúng ta chắc chắn sẽ thua cuộc nếu cố tìm cách né tránh.
"Cho nên chị vẫn nói với chồng, sẽ dừng điều trị nếu lúc nào đó quá đau. Khi mà mỗi hơi thở, mỗi cơn đau đều trở thành thước đo của sự sống thì có lẽ, ta nên có quyền được chết".
Theo cách lý giải nào đó, cuộc đời chúng ta thường đi theo lộ trình từ ước mơ - đam mê - kỳ vọng và mong muốn mọi thứ được tiếp diễn một cách êm đềm. Thế nhưng, nối tiếp sự kỳ vọng đôi khi lại là khổ đau – sụp đổ. Chỉ những ai có may mắn nhìn rõ cửa tử, chấp nhận sự sụp đổ như một khởi đầu sẽ là người có khả năng xoay ngược lại tiến trình không mong muốn ấy, đến phút cuối vẫn giữ được ước mơ.
Đó cũng là con đường mà những người bạn của chị đã đi. Là cô gái tên Huế đầy lạc quan, đã ra đi khi ước mơ học ĐH hoàn tất, là nhà báo Cẩm Bào, người chiến binh kiên cường rất nổi tiếng trong cộng đồng ung thư vú, vẫn còn kịp ra mắt cuốn sách cuối cùng (Đóa hoa vô thường) ở bệnh viện Ung bướu Hà Nội trước khi mất, là rất nhiều chị em khác trong CLB Phụ nữ kiên cường (thành lập năm 2014 với mục đích hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú) mà Huyền đang là thành viên ban Chủ nhiệm… Mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đều đã ra đi với tâm thế ngẩng cao đầu.
Huyền cùng dàn diễn viên vở kịch Memento Mori dựa theo cuốn sách của Đặng Hoàng Giang.
"Thế là chị được tụ vui cùng mọi người rồi nhé! Con đường cầu vồng sẽ dẫn chị đến nơi chị muốn, khát vọng sống của chị, em sẽ giữ lại một phần cho mình để tăng thêm cái khát vọng đang cháy trong em...", Huyền viết trong nhật ký ngày chị Cẩm Bào mất.
Huyền cũng viết riêng cho Huế trong nhật ký của mình ngày cô lên đường đi xa. "Trong lúc em lên đường thì chị nằm trong 4 bức tường với những cơn sốt triền miên tưởng chừng không dứt. Theo dõi từng bài và từng lời tiễn em, chị chợt nhận ra - nhẹ bẫng! Em đến như một giọt nắng ngọt ngào và ra đi như một hạt mưa trong trẻo nhất vào đất mẹ. Những ngày biết em chính là những ngày chị dặn mình cố gắng hơn - trọn vẹn hơn và cười nhiều hơn".
Cái chết của những người "đồng đội" đã dạy cho Huyền nhiều điều. Rằng chết có thể còn là kinh nghiệm tuyệt vời nhất trong đời sống. Chị đã thấy những người bạn ra đi nhẹ nhàng hoặc đau đớn, nhưng khi họ thật sự hòa vào vòng tay cõi chết, tất cả đều an lạc, nhẹ nhõm như trút bỏ được gánh nặng.
Và sự chết còn giúp Huyền luôn nghĩ về việc đi sâu vào nội tâm mình để sống trọn vẹn khi còn có thể. Làm sao cho cuộc sống trở nên đáng sống khi đối mặt với cái chết đã không còn là câu hỏi khiến chị trăn trở.
"Cuối cùng chỉ còn lại sự sống và chết. Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không. Phải đến tận cùng 2 cõi sống và chết để làm tan biến đi những mộng đời không thực", Trịnh Công Sơn đã từng viết như thế.
Trước kia Huyền không hiểu. Khi căn bệnh ung thư quay lại, di căn vào phổi khiến sự sống càng mong manh cũng là lúc Huyền thật sự hiểu sâu sắc câu nói ấy. Và chị đã dành thời gian mua cho con trai một bảo hiểm lớn, chuẩn bị cho tương lai đưa con sang Đức nếu chị mất sớm. Huyền cũng đã nhiều lần bàn với chồng và khuyên anh nên đi bước nữa sau khi chị mất đi.
Chị thành lập một công ty startup nhỏ cùng với 15 người anh em thiện lành, tất cả đều là đồng nghiệp cũ và cần chị giúp. Sau khi công ty này hoạt động ổn, chị dự định sẽ rút ra và chuyên tâm vào công ty startup cùng chồng.
Huyền vẫn tích cực tham gia rất nhiều dự án cộng đồng. Chị đang kết nối tổ chức Chung tay vì cộng đồng với các nhà hảo tâm mình quen biết, làm việc trong ban Chủ nhiệm CLB Phụ nữ kiên cường và các dự án nhỏ khác.
"Khi mình chuẩn bị mọi việc cho cái chết thì sẽ sống rất thoải mái, làm được nhiều điều mình muốn làm, sống nhanh nhưng không vội vã nữa".
Huyền nói chị chỉ còn một mong mỏi duy nhất đó là khi mình chuẩn bị đi xa, sẽ có bố mẹ, anh em, con trai và chồng ở bên cạnh, chứng kiến khoảnh khắc hơi thở của chị hóa thinh không!
"Ngày mai thôi...
mái tóc kia chẳng bồng bềnh như thế.
Ngày mai thôi....
sẽ là một cái đầu chẳng có cọng tóc.
Nhưng....
đừng vội xót xa tôi .....
vì tôi rất ổn.
Hãy nhìn những nụ cười của tôi và những người đứng cạnh tôi.
Chúng tôi không vội vã sống.
Vẫn bình tĩnh tận hưởng từng ngày ngọt ngào.
Vì thế - nếu một mai gặp tôi với cái đầu không tóc - thì hãy nhớ đến nụ cười hôm nay của tôi để cùng tôi vui sống!
Và hãy để gió cuốn đi những nỗi phiền.
Và nụ cười kia vì đâu mà có.
Vì những yêu thương đang cho và đang nhận" – Bài thơ Huyền sáng tác.
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.