Chị Roxi Santiago, mẹ của bé trai Joaquin hiện đang sinh sống tại Philippines, chia sẻ câu chuyện vất vả mà chị và con trai phải trải qua, từng ngày chiến đấu cùng căn bệnh chàm da của con.
3 tháng tuổi – bé trai xuất hiện chàm da
Bé Joaquin bắt đầu có biểu hiện bệnh khi mới 3 tháng tuổi, vùng mặt bé nổi mẩn đỏ, đóng vảy. Các bác sĩ đã phải kê đơn thuốc chứa steroid để điều trị cho cậu bé, điều mà chị Roxi không hề mong muốn vì con còn quá nhỏ. Thuốc steroid lập tức có tác dụng sau 1 tuần, da mặt bé trở nên nhẵn nhụi hơn hẳn. Thế nhưng sau đó, các vết mẩn đỏ từ mặt, đầu tiếp tục lan rộng ra khắp cơ thể bé.
6 tháng tuổi – chàm lan rộng ra khắp cơ thể
Khi bé Joaquin được 6 tháng tuổi, căn bệnh chàm da trở nên nặng hơn. Đêm ngủ bé thường ngứa ngáy, khó chịu và gãi khắp người, cơ thể bé trầy xước, rớm máu, thấm cả ra quần áo và đệm giường.
Chị Roxi cũng đã thực hiện một loạt các biện pháp để giúp cải thiện tình trạng viêm của bé như dùng các sản phẩm dưỡng da, thay đổi xà phòng tắm và chất tẩy rửa trong gia đình, vì đang nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nên Roxi thậm chí đã cố gắng loại bỏ các chất có thể gây dị ứng trong chế độ ăn uống của mình bao gồm sữa, trứng, lúa mì, hải sản và thịt gà.
Bà mẹ người Philippines chia sẻ: "Tôi không thể âu yếm thằng bé, tất cả mọi người trong nhà đều cố gắng tránh không va chạm vào con, vì da của con quá nhạy cảm. Con không thể vui cười và hoạt động như những đứa trẻ khác. Các loại thuốc có chứa steroid chỉ giúp làm giảm triệu chứng tạm thời, nhưng không thể giúp chữa khỏi hoàn toàn. Điều này khiến tôi vô cùng buồn".
7 tháng tuổi – may mắn mỉm cười
May mắn đã mỉm cười khi Roxi tìm đến một bác sĩ da liễu có tên Richard Aron tại Cape Town, Nam Phi. Đáng nói là sau khi thăm khám, bác sĩ này còn kết luận bé Joaquin bị nhiễm tụ cầu khuẩn. Phương pháp điều trị được đưa ra là sử dụng một loại kem tổng hợp bao gồm các loại thuốc bôi steroid, thuốc kháng sinh và kem dưỡng ẩm và bôi trực tiếp lên da của bé. Điều kì diệu đã xảy ra, làn da vốn dĩ nhạy cảm và sần sùi của bé nay đã sáng dần và mịn màng hơn, cậu bé lanh lợi và không còn tỏ ra quá khó chịu như trước đây.
3 tuổi - hành trình chữa bệnh phía trước
Cậu bé Joaquin nay đã tròn 3 tuổi và vô cùng đáng yêu. Cậu bé bị dị ứng thực phẩm, bệnh chàm da vẫn thỉnh thoảng tái phát nhưng điều quan trọng là mẹ bé đã biết cách kiểm soát tốt hơn các yếu tố dễ gây bệnh cho con. Cứ cách vài ngày, Joaquin được mẹ tắm, hàng ngày đều đặn bôi kem dưỡng ẩm, chỉ sử dụng xà phòng loại dịu nhẹ. Mỗi khi cậu bé ngứa ngáy và gãi thì Roxi cũng biết cách chăm sóc các vết trầy xước của con tốt hơn để con luôn được thoải mái. Hành trình chữa bệnh cho cậu bé tuy còn khá dài nhưng hiện tại việc chung sống hòa bình cùng căn bệnh chàm da đã và đang được 2 mẹ con Roxi thực hiện mỗi ngày.
Viêm da cơ địa (bệnh chàm da, eczema) ở trẻ - Không phải cứ dùng thuốc là khỏi
Bệnh viêm da cơ địa (bệnh chàm da, eczema) là bệnh da phổ biến và phức tạp nhất ở trẻ em, gây nhiều khó chịu cho trẻ. Bệnh có thể xuất hiện ở giai đoạn sơ sinh của trẻ và phổ biến nhiều ở trẻ từ 1-3 tuổi. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe làn da, bệnh còn khiến trẻ quấy khóc, chậm phát triển kèm nhiều biến chứng nguy hiểm.
Viêm da cơ địa trẻ em thường có các biểu hiện như da khô, phát ban đỏ khu vực da trên mặt, trên da đầu, cánh tay, chân hoặc vùng sau tai. Ở trẻ mới biết đi và trẻ lớn, ban thường xuất hiện ở vùng da quanh đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và vùng mắt cá chân. Trong một số trường hợp đặc biệt ban có thể xuất hiện ở toàn bộ cơ thể trẻ. Ban thường rất ngứa, thậm chí khiến trẻ mất ngủ vào ban đêm. Ngứa sẽ khiến trẻ gãi nhiều và làm cho bệnh viêm da cơ địa ở trẻ trở nên nặng hơn, thậm chí gây nhiễm trùng.
Trên thực tế, các bác sĩ và nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh này để tìm ra phương pháp chữa trị hiệu quả nhất.
Bệnh viêm da dị ứng hay chàm da là căn bệnh không phải cứ dùng thuốc là khỏi. Thuốc steroid sẽ phát huy tác dụng khá nhanh với chàm da. Tuy nhiên, một số bệnh nhân khá do dự hoặc dùng thuốc không đúng chỉ định, nhất là với trẻ nhỏ, nên bệnh tái diễn, thậm chí nặng nề hơn. Steroid có hiệu quả khi điều trị phát ban bùng phát, nhưng nó lại không thể dùng lâu dài và có thể gây ra các biến chứng cho trẻ và cả người lớn
Tiến sĩ, bác sĩ Joanne B. Gonzalez, thành viên của Hiệp hội Da liễu Philippines và Học viện Da liễu Hoa Kỳ
Điều đáng nói là khi trẻ bị chàm da thì khả năng bị nhiễm tụ cầu khuẩn khá cao. Da bé lúc này khá là khô và ngứa, bé sẽ gãi, cào gây ra các vết thương hở. Đây là lúc nguy cơ nhiễm trùng xảy ra, vi khuẩn phổ biến nhất có thể lây nhiễm cho trẻ là tụ cầu khuẩn staphylococcus.
Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ:
- Cần vệ sinh sạch bằng khăn mềm và ướt, sau đó bôi một lớp kem dưỡng ẩm cho da của trẻ.
- Quần áo cho trẻ nên lựa chọn chất liệu cotton mềm mại, nhãn mác nên được loại bỏ để tránh cọ xát vào da.
- Chăn sử dụng cho trẻ nên chọn một tấm chăn cotton nhằm tránh làm cho da trẻ quá nóng.
- Tránh các chất dễ gây kích ứng cho da (chất tẩy rửa, xà phòng,...) và các yếu tố làm bệnh của trẻ nặng lên.
- Trẻ nên được sống trong môi trường thoáng mát cả ngày lẫn đêm (hạn chế lò sưởi, quạt sưởi...).
- Trẻ cần đi khám ngay nếu có biểu hiện nhiễm trùng (vùng da tổn thương nứt, chảy nước,...).
Cha mẹ chính là người chăm sóc, gần gũi nhất với trẻ. Hãy đưa trẻ đến thăm khám và tư vấn tại các cơ quan y tế chuyên ngành. Bác sĩ da liễu sẽ phối hợp để tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho bé, hướng dẫn cha mẹ cách phòng ngừa và chăm sóc cho bệnh chàm da của con.
Nguồn: Parent
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.