Sau cuộc gọi dài hơn 10 phút với vợ chồng chị Nguyễn Hằng Ni (1983, Cà Mau), chúng tôi quyết định vượt hơn 60km tìm về căn nhà trọ mà vợ chồng chị đang thuê ở một vùng ven Sài Gòn, giáp ranh địa phận tỉnh Long An. Chuyến đi này ngoài tìm gặp cậu bé Phan Thanh Ngoan (con chị Ni, 12 tuổi) - cậu bé gan dạ đạp xe hơn 400km từ Cà Mau lên Sài Gòn thăm mẹ khiến nhiều người bất ngờ, còn là dịp để được lắng nghe tâm sự của đôi vợ chồng trẻ sống xa con 10 năm có lẻ.
Câu chuyện hôm nay được kể trong căn nhà trọ lợp tôn cấp 4 ấm cúng được vợ chồng chị Ni thuê cách đây khoảng nửa tháng. Mang cái khí thế hào sảng, chu đáo của người miền Tây, chúng tôi được gia đình chuẩn bị cho nước và hoa quả sau một quãng đường dài từ trung tâm thành phố. Có một điều đặc biệt khiến chúng tôi cảm nhận được ngay từ đầu, em Ngoan (con trai chị Ni) là một cậu bé ít nói, trầm lắng khác biệt nhiều so với lớp bạn bè cùng trang lứa, chính vì cảm nhận được những gì cậu nghĩ nên giữa ekip và gia đình có nhiều hơn 1 câu chuyện để chia sẻ!
DÒNG TIN NHẮN: “GIA ĐÌNH NGỪNG VIỆC TÌM KIẾM ĐI!” KHIẾN NGƯỜI NHÀ KHIẾP SỢ
“Chị lên Sài Gòn lúc mới mang bầu thằng Ngoan, lúc gần sinh chị về Cà Mau đến năm con được 2 tuổi, chị để cho ba mẹ ở quê chăm sóc rồi vợ chồng chị lên Sài Gòn đi làm, giờ nó 12 tuổi rồi”, chị Ni bắt đầu bằng việc nhắc lại câu chuyện 10 năm trước trong dòng cảm xúc đan xen. Chạm đến trái tim người mẹ này lúc này vẫn chưa ngớt cơn hoảng sợ len lỏi trong đó là sự tự trách.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hơn chục năm về trước chị Nguyễn Hằng Ni (1983) cùng chồng là anh Phan Hiền Thương (1979) rời quê nhà lên Sài Gòn làm thuê. Thời gian đầu cả hai xin làm công nhân ở 1 nhà máy thuộc địa phận huyện Bình Chánh ngày công chỉ vỏn vẹn 65.000 đồng/người. Sau này, vì không đủ tiền xoay xở và nuôi hai con ở quê ăn học, vợ chồng anh chị chuyển sang một nơi khác lương ổn định hơn, nếu tính lương cả tháng cộng thêm tăng ca là khoảng 8 triệu đồng/tháng.
“Một năm chị về thăm con 1 lần. Đi làm ở trên này, ngày nào chị tăng ca được là chị đăng ký tăng ca, một tháng công ty cho nghỉ một hai ngày không dám nghỉ mà để dành ngày nghỉ đó gom lại một lần phòng nhà mình lỡ có chuyện gì thì mình còn về, hoặc đợi đến Tết mình về ở với gia đình lâu một chút”, những năm vừa qua anh chị chưa bao giờ tâm sự chuyện mình đi làm công xa nhà với một người xa lạ, chính vì vậy nên điều mà chúng tôi được nghe cũng xúc động hơn bội phần.
Trong hơn chục năm trở lại đây, người Cà Mau di cư lên Sài Gòn, Bình Dương, Bình Phước đông vô kể, gia đình chị Ni cũng không phải là một ngoại lệ của quyết định “kiếm kế sinh nhai” này. Và trong những cuộc di dân âm thầm ấy, đương nhiên họ sẽ phải chấp nhận buồn tủi để vươn khỏi “cái kén nghèo khổ” mong con cháu đỡ vất vả.
“Nghĩ trong bụng cũng tội nghiệp con cái, xa cha mẹ sống với ông bà từ nhỏ. Cái gì cũng phải tự làm, thằng Ngoan 12 tuổi chứ biết làm hết mọi việc nhà, ngay cả chuyện đánh lưới hay bắt cá nó cũng rành hơn ai hết, nghề của nó mà”, anh Thương tâm sự.
Chị Ni nghe chồng nói xong mắt đỏ hoe thuật lại hôm hay tin tìm được con:“Chị đang làm trong công ty, ngoại nó cho hay “nó đi học không về kiếm khắp nơi không thấy” mà tay chân chị run, đầu óc hoảng loạn không còn thấy trời thấy đất nhưng đang làm nên phải bấm bụng nán lại làm đến hết giờ người ta mới cho về, vừa về chị vừa sốt ruột. Rồi chờ cả đêm, đêm đó mưa gió lớn lắm, vợ chồng chị gọi điện dặn ngoại ở nhà bình tĩnh ngày mai lên trình công an. Đến hôm sau người nhà chị đưa ngoại đi trình công an, công an bắt đầu phát thông báo đi tìm, đến hôm sau thì nó nhắn tin cho ngoại nói là: “Con đi lên mẹ, ngoại yên tâm, con không đi một mình””.
Đôi mắt chị Ni đỏ hoe như bật khóc khi ngẫm lại hoàn cảnh của gia đình và sự hiếu thảo của các con.
Sau dòng tin nhắn Ngoan báo lên Sài Gòn tìm mẹ, chị Ni quyết định chờ con ở Sài Gòn. Chờ 1 ngày 1 đêm không nhận được tín hiệu, cả hai sốt ruột nên quyết định đi xe máy dọc quốc lộ 1A về Cà Mau. Trên đường đi anh chị không ngừng mỏi mắt tìm kiếm, hỏi thăm. Nhìn thấy đứa nhỏ nào trạc tuổi con mình anh chị cũng chăm chú dõi theo với hy vọng tìm thấy được con.
“Nó mở Zalo một lúc là nó tắt, bạn bè nó nhắn tin cho nó báo là công an đang tìm, người nhà phát tờ rơi, nó sợ rồi nhắn lại với chị là: “Gia đình ngừng việc tìm kiếm đi”, lúc đó trong đầu chị nghĩ là con bị bắt cóc rồi, chị mới nhắn lại hỏi: “Mày là thằng nào, mày muốn gì mới thả con tao hả?”, nó hoảng quá mới trả lời: “Con nè, con nè”, rồi lại mất liên lạc lần nữa”, giọng nói chị Ni run lên dần.
Đúng là một đứa trẻ ngây thơ, Thanh Ngoan chỉ biết mỉm cười khi chúng tôi bảo sao em liều thế!?
Về đến Cà Mau, nghĩ đến trường hợp con mê chơi đi theo người lạ, anh chị cũng phối hợp với lực lượng chức năng địa phương đi từ huyện lên thành phố Cà Mau tìm nhưng mọi sự đều vô vọng, ngay lúc sốt ruột nhất lại nhận thêm dòng tin nhắn từ Zalo của Ngoan: “Gia đình ngừng việc tìm kiếm đi” nên cả hai càng hoảng sợ, nghĩ đến việc con bị bắt cóc chỉ biết khóc.
“Sợ lắm, sợ mất con”, anh Thương cúi mặt, trầm giọng nói.
“LẤY 40 NGÀN MUA LƯỚI ĐỂ GIĂNG CÁ ĂN QUA NGÀY, CÒN 15 NGÀN ĐỂ DÀNH XE BỂ BÁNH THÌ VÁ”
Điều mà nhiều người đều muốn hỏi có lẽ là suy nghĩ của cậu bé 12 tuổi khi quyết định đạp xe lên TP.HCM thăm mẹ. Chúng tôi cũng muốn biết điều đó, nhưng hiểu rằng câu trả lời ngoài “Nhớ mẹ” thì còn là: một hy vọng.
Ngày 1 tháng 12, vào lớp học em Ngoan rủ em Phan Văn Hậu (2006) và em Đỗ Nhật Huy (2009) đạp xe đi tìm thăm mẹ. Nhận lời Ngoan, cả 3 mượn thêm của bạn bè 40.000 đồng, cộng thêm 15.000 đồng đang có trong túi, 3 em có tổng cộng 55.000 đồng cùng 2 xe đạp xuất phát từ huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau bắt đầu hành trình đạp xe lên Sài Gòn tìm mẹ.
Chiếc xe mà Ngoan và mấy anh em đạp suốt 5 ngày trong hành trình tìm sự đoàn tụ của một gia đình.
Chúng tôi không kể về câu chuyện của em Ngoan trong hành trình đi tìm thăm mẹ bằng sự cổ vũ vì hiểu rằng đó là một chuyện không nên, đặc biệt là trước những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Trong khi, trẻ con thích sự khen ngợi, chúng sẽ học theo những gì được cổ vũ, rất nguy hiểm. Thế nhưng, một bài học mà các bậc phụ huynh cần phải biết qua hành trình hơn 400km khi con trẻ chỉ có vỏn vẹn 55 nghìn trong tay này.
Ngoan là người chủ động chia 55 nghìn đồng ra làm 2 phần tiền nhỏ, một phần để bơm vá xe, phần còn lại để mua lưới giăng cá trên đường lên Sài Gòn.
“Em mua lưới 40 nghìn, định để giăng cá, trên đường đi thấy mé sông thì xuống giăng cá ăn. 3 đứa giăng được một con cá tra bự lắm rồi kiếm chỗ nướng ăn”, Ngoan kể lại.
Hoàn cảnh gia đình chị Ni vẫn còn nhiều thiếu thốn lắm.
Ngoan là đứa trẻ ít nói, suốt cuộc nói chuyện chúng tôi đều phải mớm lời cho em, điều này càng khẳng định được rằng việc làm của Ngoan không chỉ xuất phát từ sự hiếu kỳ, hay từ sự tinh nghịch, bồng bột. Mọi sự cố trong suốt hành trình từ Cà Mau lên Sài Gòn đều là do Ngoan chủ động từ việc xin nước uống của người dân ven đường đến việc tìm chỗ vá xe đạp giá rẻ.
“Xe 3 đứa bị tuột dây sên hơn 20 lần, vá 4 lần. Em vừa đi vừa xin nước uống, cơm thì không xin được, chỉ xin được bánh mì với dưa leo. Người ta cho bánh mì không, chia ra mỗi đứa một miếng ăn với dưa leo, ăn vậy rồi đạp cả ngày không ăn thêm gì nữa, nếu 3 đứa đói thì chỉ xin nước uống cho qua cơn đói, mệt quá thì 7 giờ tối kiếm ghế đá có mái che ngủ, hôm nào còn sức thì đạp đến 11h đêm mới tìm chỗ ngủ, sáng 4 giờ em thức trước em kêu mấy đứa đi chung thức dậy luôn rồi 3 đứa em tranh thủ đạp xe đi tiếp”, em Ngoan thuật lại.
Khi được hỏi trong suốt chuyến đi 3 đứa sợ nhất là điều gì, Ngoan nói:“Sợ người ta biết mình đi từ Cà Mau lên Sài Gòn người ta bắt lại không lên với mẹ được”. Trong mắt cậu bé lấp lánh sự tha thiết, suốt câu chuyện em không hề rơi một giọt nước mắt nào cho tới khi nghe mẹ nói nhớ mình.
“Đi qua đoạn nào em nhớ tên đoạn đó, đến khi em xin nước uống người ta hỏi 3 đứa ở đâu thì em trả lời chỗ em vừa đi qua cho gần để người ta không nghi ngờ mà bắt lại”, sự nhanh trí của cậu bé 12 tuổi khiến ai nấy đều bất ngờ.
Cứ đi được một đoạn đường vài chục cây số Ngoan mở chiếc máy tính bảng nhỏ của mình kéo ánh sáng màn hình tối hết mức, xem Google Map sau đó tắt máy rồi cả 3 đi tiếp, nhờ vậy mà máy của Ngoan giữ pin được 5 ngày. Từ Cà Mau lên TP.HCM, cả 3 men theo tuyến Quốc lộ 1A đi từ Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cần Thơ - Vĩnh Long rồi theo tuyến Quốc lộ 60 sang tỉnh Bến Tre (Ngoan còn khéo léo tránh đường qua cầu Mỹ Thuận vì phải lên Cao Tốc Trung Lương), đi xa một chút nhưng lại an toàn hơn, cứ như thế mà 3 cậu nhóc đến Tiền Giang - Long An và dừng chân tại khu Tân Tạo huyện Bình Chánh, TP.HCM (cách nơi cha mẹ đang ở trọ khoảng 20km).
“NÓ DẶN PHẢI RA ÁM HIỆU MỚI GẶP ĐƯỢC NÓ. LÚC GẶP CÓ 1 ĐỨA SỐT, ĐI THÊM 1 - 2 NGÀY NỮA CHẮC KHÔNG SỐNG NỔI”
“Anh chị chờ hoài, công an ở Cà Mau cũng tìm giúp mà mấy ngày vẫn bặt vô âm tín, thấy con không truy cập Zalo nữa, chị cũng từng nghĩ “chắc hết hy vọng rồi”, nhưng đêm đó tự dưng linh tính mách bảo, chị thức đến 2 giờ sáng canh chừng coi con có truy cập Zalo không thì đột ngột nhận được tin nhắn của con nói tới TP.HCM rồi. Lúc đó, anh chị hỏi con ở đâu rồi kêu con gửi định vị qua cha mẹ ra đón. Nhận được định vị chỗ của con, ở Cà Mau anh chị tức tốc gọi lên Sài Gòn cho ông cậu nó rồi ông chạy ra theo định vị đón nó. Lúc chuẩn bị đi đón nó còn dặn: “Điện thoại con còn có 5% pin, ông cậu đem nón bảo hiểm cho 3 đứa con””, chị Ni kể lại.
Ngoan cảnh giác với người lạ kể cả lực lượng công an hay giao thông, biết người nhà đã phát tờ rơi tìm mình cậu bé càng sợ hãi hơn nên khi đến Cầu vượt Tân Tạo gặp lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại đây, Ngoan và 2 em Hậu và Huy trốn ở dưới gầm cầu, nhận thấy máy sắp cạn pin, cậu bé nhanh trí gửi định vị cho cha với lời nhắn phải ra ám hiệu thì mới chịu gặp mặt: “Cha tới địa điểm nhớ kêu lên một tiếng hú để con biết con ra”.
“Đứa nhỏ nhất sốt luôn, 3 đứa như ăn mày, người vật vờ, tôi nghĩ đạp xe thêm 1 - 2 ngày nữa chắc thằng nhỏ nhất không sống nổi, chắc tại vì ngủ ở ngoài đường muỗi chích nhiều, không ăn uống, tắm rửa lại thêm trời nắng không nón, không áo khoác”, ông cậu của Ngoan kể lại thời điểm tìm gặp được các cháu.
Chị Ni không giấu nổi sự xúc động cho hay, Ngoan không biết đường xá ở Sài Gòn. Nhưng cứ hè là được ngoại đưa lên Sài Gòn chơi với cha mẹ nên phần nào nhớ khu vực cha mẹ trọ. Chúng tôi đặt ra trường hợp máy hết pin, lại không biết chỗ ở cụ thể của mẹ, không nhớ số điện thoại thì 3 đứa làm như thế nào? Ngoan chỉ cười rồi ngập ngừng trả lời: “Em nói người ta đưa đến cầu Xáng đến đó là biết đường đi rồi tại hè năm trước em có đi với cha lên đây chơi”. Có lẽ do chưa tưởng tượng được những nguy hiểm khi quyết định đạp xe một quãng đường dài vài trăm cây số nên trong câu trả lời của Ngoan còn rất nhiều sự ngây thơ và đôi khi nó còn khiến gia đình hoảng sợ khi nghĩ lại.
Tiếp lời, ông cậu của Ngoan thuật lại ngày gặp cháu: “Cô cậu không biết đâu, 5 ngày không tắm, không ăn uống, không nón, không khăn mà cứ đi suốt, nhìn nó tôi cũng nhận không ra, 3 đứa đứa nào cũng như ăn mày, 2 giờ sáng vừa gặp tôi là chạy tới ôm tôi rồi cậu cháu khóc nức nở”.
“Cả nhà chị ở Cà Mau tập trung với nhau bắt xe lên Sài Gòn đón con về, lúc gặp lại không nhận ra con tại vì ốm mà đen quá, nhìn xót lắm. Cha nó nói “gặp là đánh cho nó bỏ cái thói đi như vậy” nhưng gặp rồi cả nhà chỉ biết ôm nhau khóc chứ không biết làm gì hơn”, chị Ni kể.
Thấy con trẻ khờ dại đạp xe lên thăm cha mẹ, vợ chồng chị Ni không nỡ xa con lần nữa. Cả hai cuối cùng bàn bạc với nhau để con ở Sài Gòn sống cùng. Cả gia đình 4 người đoàn tụ. Thế nhưng, người mẹ này vẫn một lần nữa tự trách cứ bản thân, đau đáu về tương lai của các con sau này.
“Cả gia đình lên đây hết, đoàn tụ nhưng vừa mừng vừa lo, lo nó không được đi học đến nơi đến chốn lỡ mất tương lai. Thủ tục ở trên này phải lo nhiều lắm, tiền chi phí con học rồi tiền sinh hoạt trong gia đình anh chị lo không xuể. Giờ chị ước để con nó được đi học bao nhiêu chị cũng ráng làm mà lo”, chị Ni rơi nước mắt nói.
Bữa cơm gia đình có đúng một món mà chiều nay chị Ni đi làm về sớm tranh thủ nấu cho con trai ăn lấy lại sức. Thương người mẹ trẻ nói với chúng tôi: “Tội nghiệp, sức nó ăn một hơi 4 chén cơm, vậy mà nó dám đạp xe đi 5 ngày 5 đêm không ăn uống gì, sống được đã là may”, dứt lời chị đưa chén lên lùa cơm vội, trên khuôn mặt hai dòng nước mắt thì cứ thế mà chảy xuống không lau kịp.
Lúc chúng tôi về, Ngoan ới theo trả lời câu hỏi mà chúng tôi hỏi em trước đó: "Nếu có 1 điều ước, em ước gì?"
- Em ước được đi học gần cha, gần mẹ...
CÁC BẬC PHỤ HUYNH KHÔNG ĐỂ CON TRẺ TUỔI VỊ THÀNH NIÊN "PHƯỢT XE ĐẠP"
Chúng tôi không cổ vũ hành động "phượt bằng xe đạp" của trẻ em tuổi vị thành niên. Hi vọng rằng quý độc giả sẽ thêm hiểu tâm tư, nguyện vọng của con trẻ thông qua bài viết này. Ngoài nền tảng giáo dục từ nhà trường, con cái cũng rất cần sự khích lệ tinh thần, động viên và quan tâm từ ba mẹ và cần nhất vẫn là những kỹ năng sống, ý thức được sự nguy hiểm từ việc phượt bằng xe đạp.
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/hanh-trinh-ly-ky-nhu-tren-phim-cua-3-dua-tre-dap-xe-400km-suot-5-ngay-tu-ca-mau-len-sai-gon-de-tham-me-tin-nhan-cat-dut-hi-vong-cua-nguoi-me-tui-con-di-them-1-ngay-nua-se-khong-song-noi-16220161211002807.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.