Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ liều tăng cường vắc xin Covid-19 giảm tác dụng sau khoảng 4 tháng.
Điều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng những người có nguy cơ biến chứng hoặc tử vong cao có thể cần đến liều thứ tư. Phân tích mới tập trung vào những bệnh nhân phải điều trị Covid-19 do có triệu chứng cụ thể, hầu hết là người miễn dịch kém hoặc người cao tuổi.
CDC Mỹ trước đây đã công bố dữ liệu cho thấy liều vắc xin Covid-19 thứ hai và thứ ba của Pfizer, Moderna kém hiệu quả hơn trong việc phòng chống biến chủng Omicron. Trong nghiên cứu mới, họ thu thập dữ liệu từ 10 bang kể từ ngày 26/8 năm ngoái đến ngày 22/1 năm nay. Trong khoảng thời gian này, Delta và Omicron lưu hành đồng thời.
Độ bảo vệ của vắcxin giảm từ 69% xuống còn 37% trong vòng hai tháng sau liều thứ hai. Liều tăng cường nâng mức bảo vệ lên 87%. Song 4 tháng sau, liều tăng cường giảm hiệu quả xuống còn 66%. Tỷ lệ này tiếp tục giảm còn 31% trong tháng thứ 5.
Ở những người được tiêm hai liều vắc xin AstraZeneca và một liều tăng cường vắc xin Moderna hoặc Pfizer, hiệu quả ngăn ngừa triệu chứng là 60% từ hai đến 4 tuần sau tiêm. Tuy nhiên, sau 10 tuần, liều tăng cường Pfizer chỉ tác dụng 35%. Liều tăng cường Moderna hiệu quả 45% trong tối đa 9 tuần.
Đối với những người đã tiêm ba liều vắc xin Pfizer, hiệu quả giảm từ 70% xuống 45% trong 10 tuần. Người tiêm hai liều Pfizer và liều tăng cường Moderna có kết quả khả quan hơn bảo vệ tới 75% trong tối đa 9 tuần.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, vắc xin luôn giảm hiệu lực kháng thể theo thời gian. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin mũi 3 chỉ kéo dài được 4 tháng không nằm ngoài dự liệu của giới chuyên môn.
PGS Dũng cho rằng cơ chế của vắc xin Covid-19 khác với các loại vắc xin như sởi bảo vệ bền vững hơn thậm chí vắc xin cúm còn kéo dài được 1 năm nhưng kháng thể của vắc xin Covid-19 chỉ được vài tháng. Kháng thể bền vững nhất vẫn là kháng thể nhiễm tự nhiên.
Người dân cũng không nên quá lo lắng. Bởi vì đến nay thì đối với nhóm người khoẻ mạnh, không có bệnh nền, tuổi dưới 50 thì chỉ cần tiêm 3 mũi là đủ. Những người có bệnh lý nền suy giảm miễn dịch thì có thể tăng cường thêm mũi thứ tư hoặc giống như vắc xin cúm có điều kiện vẫn có thể nhắc lại.
Thực tế, với người khoẻ khi kháng thể sụt giảm thì cơ thể còn có tế bào nhớ. Bởi vì khi chúng ta tiêm vắc xin là đưa kháng nguyên vào cơ thể để cơ thể chống lại kháng nguyên đó. Khi chống lại kháng nguyên này cơ thể mới hiểu và có trí nhớ miễn dịch. Như vậy, lần sau nếu virus tiếp tục xâm nhập thì trí nhớ miễn dịch tự sinh kháng thể để chống lại virus.
Nếu bạn nhiễm virus SARS-CoV2 thì cơ thể mất 3,4 ngày để khởi động tế bào nhớ và sản sinh ra kháng thể chống lại virus.
Nhưng với người yếu, miễn dịch kém thì sau 3,4 ngày chờ tế bào nhớ sinh ra kháng thể thì virus đã nhân lên sinh sôi nhanh chóng có thể tấn công các cơ quan khác nhau của cơ thể. Vì vậy, ở nhóm người này có thể ưu tiên tiêm bổ sung – PGS Dũng nói.
Ngoài ra, nếu có kháng thể không có nghĩa là cơ thể được bảo vệ hoàn toàn khỏi virus và ngược lại nếu lượng kháng thể thấp hoặc rất thấp cũng không có nghĩa cơ thể không được bảo vệ. Vì vậy, tiêm vắc xin sẽ đem lại hiệu lực bảo vệ. Hiệu lực bảo vệ ít hay nhiều tùy theo cơ địa từng người. Nếu sức đề kháng mạnh thì cơ thể không mắc bệnh, nhưng cơ thể yếu hơn thì có thể bị nhiễm bệnh, có triệu chứng hoặc bị nặng nhưng sẽ ít nguy cơ tử vong.
Ngoài kháng thể từ vắc xin, PGS Dũng cho rằng mỗi người vẫn nên cố gắng xây dựng hệ miễn dịch cho mình tốt nhất từ việc thay đổi lối sống, sinh hoạt. Ăn uống đủ dinh dưỡng, tăng cường luyện tập cộng với miễn dịch từ vắc xin sẽ tạo cho mỗi người 1 hàng rào miễn dịch tốt và bền vững nhất.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.