Học sinh rối loạn lo âu từ mẫu giáo, tự tử vì áp lực 'xuất sắc' là cái giá mà Singapore phải trả để đứng đầu BXH giáo dục thế giới

Từ bậc tiểu học, thậm chí mẫu giáo - nhiều đứa trẻ ở Singapore đã mắc các triệu chứng lo âu, căng thẳng kéo dài vì áp lực 'phải trở nên xuất sắc' từ gia đình và xã hội.

Học sinh mọi cấp học đang phải trả giá đắt cho sự thành công của Singapore trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu. Số lượng sĩ tử tìm đến trợ giúp tâm lý ngày một tăng lên đã phần nào hé lộ cuộc sống đầy áp lực để giành lấy danh hiệu "xuất sắc."

Các chuyên gia y tế Singapore cảnh báo, trẻ em đang mắc các chứng rối loạn lo âu, căng thẳng kéo dài ngay từ khi học tiểu học. Thậm chí đã có những trường hợp đau lòng khi học sinh tìm đến cái chết để tự giải thoát.

25f5fb6a-9d82-11e9-baa5-dd214ed0de8f_1320x770_102311

Thanh thiếu niên ở Singapore thường phải đối mặt với ngày dài ở trường; nhiều giờ làm bài tập về nhà; bị cha mẹ thúc ép đi học thêm... Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của các em.

Giờ đây, trong nỗ lực giảm căng thẳng trong các trường học của mình, Singapore đang tiến hành các cải cách để loại bỏ một số bài kiểm tra học thuật và thay đổi quy trình giáo dục cứng nhắc.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là cân bằng niềm vui trong học tập và sự nghiêm khắc của giáo dục..." Ông Ong Ye, Bộ trưởng Bộ giáo dục Singapore cho biết vào đầu năm nay.

2b87b98a-9d80-11e9-baa5-dd214ed0de8f_1320x770_102311

Ông Ong Ye, Bộ trưởng Bộ giáo dục Singapore

Động thái này diễn ra vào thời điểm mà nhiều nhà chức trách ở châu Á buộc phải đánh giá xem, học sinh có phải gánh chịu quá nhiều áp lực hay không.

Đánh giá về tình trạng tử vong ở trẻ em Hồng Kông (Child Fatality Review) cho thấy, các vấn đề từ việc học và làm bài tập là một trong những lý do chính khiến nạn nhân tự sát ngày một trẻ hơn.

Còn ở Nhật Bản, tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên vào năm 2016 - 2017 rất đáng báo động, cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Các quan chức trong ngành giáo dục Nhật Bản thừa nhận, tỷ lệ tự tử thường tăng đột biến vào ngày 1/9 hàng năm - thời điểm năm học mới ở Xứ sở hoa Anh đào bắt đầu.

Kể từ khi giành được độc lập vào những năm 60 của thế kỷ trước, Singapore đã đặt giáo dục làm trọng tâm của sự phát triển. Hiện tại, Đảo quốc Sư tử đang đứng đầu bảng xếp hạng quốc tế PISA - được mệnh danh là "World Cup" giáo dục thế giới dành cho các bộ môn như toán và khoa học nói chung.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây để đánh giá PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho thấy: Dù rất thành công trong thứ hạng giáo dục thế giới, học sinh, sinh viên Singapore lại có mức độ lo âu đáng báo động, hơn hẳn các quốc gia khác.

Ở Singapore, thành công của học sinh và phụ huynh, chủ yếu nằm ở việc con cái có vào được các trường danh tiếng hàng đầu hay không.

Nhà tâm lý học Daniel Koh đến từ Trung tâm định hướng Tư duy Insights cho biết, trẻ em trên Quốc đảo Sư tử đang bị "ép chín" quá nhanh.

"Lớn lên và học tập một cách bình thản đã trở thành điều xa xỉ và xã hội Singapore không cho phép điều đó xảy ra." Ông nói thêm.

904503fe-9d81-11e9-baa5-dd214ed0de8f_1320x770_102311

Trường hợp trẻ nhất mà Koh đã trực tiếp điều trị căng thẳng liên quan đến giáo dục, là một cháu lớp 1, đang phải vật lộn với những cú sốc sau... mẫu giáo.

Dưới áp lực nặng nề như vậy, học gia sư, học thêm đã trở thành chuẩn mực và hiếm có phụ huynh Singapore nào không cho con tham gia. Trong báo cáo của OECD chỉ ra: Học sinh, sinh viên Singapore đứng thứ 3 toàn cầu về thời gian làm bài tập về nhà. Trung bình 9,4 tiếng mỗi tuần.

"Mỗi khi kỳ thi lớn cận kề, những lời kêu cứu, tâm sự của học sinh, sinh viên gửi đến nhóm phòng chống tự tử Samaritans của Singapore lại tăng lên chóng mặt," ông Wong Lai Chun, trợ lý giám đốc của OECD cho hay.

39_40255210_-_20_10_2016_-_sqexam21

Năm 2016, một học sinh 11 tuổi ở Singapore đã nhảy lầu tự tử vì thi trượt 2 môn

Vào năm 2016, một học sinh 11 tuổi đã nhảy lầu tự tử vào ngày mà đúng ra, em phải thông báo kết quả thi giữa năm cho bố mẹ. Đáng buồn, học sinh xấu số này đã thi trượt 2 môn và tự giải thoát bằng cách vô cùng dại dột.

"Trong vài năm qua, dựa trên kinh nghiệm lâm sàng, tôi đã thấy nhiều thanh thiếu niên đến từ các trường hàng đầu báo cáo trải qua căng thẳng liên quan đến trường học", Lim Choon Guan, chuyên gia thuộc Viện Sức khỏe Tâm thần Singapore cho biết.

"Dù áp lực học tập trải đều ra cả năm, sự căng thẳng và lo lắng của thanh thiếu niên tăng đột biến trước các kỳ thi," Lim nói thêm.

16e4cc8c-9d82-11e9-baa5-dd214ed0de8f_1320x770_102311

Trẻ mầm non hoặc chuẩn bị vào tiểu học phải đi điều trị tâm lý là việc không hiếm ở Singapore

Nhà chức trách trong ngành giáo dục Singapore đang hi vọng vào một số cải cách để giúp học sinh giảm bớt áp lực.

Một trong những phương án được nhiều người ủng hộ, là phân nhóm học sinh theo khả năng - thay vì bắt các em phải học phân luồng tất cả các môn.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để giảm bớt kỳ vọng vào con cái, phải là thái độ của các bậc phụ huynh.

Wendy, một bà mẹ ở Singapore, khẳng định việc cho cô con gái 12 tuổi đi học thêm ngoài giờ là cách duy nhất để đảm bảo thành công.

Con gái của Wendy phải học toán và các môn khoa học với gia sư 2 lần mỗi tuần; đến trung tâm dạy thêm tiếng Anh, tiếng Trung 3 lần mỗi tuần.

"Tôi phải theo dõi cháu, tôi phải chắc chắn rằng con bé đã làm bài và ôn tập trước khi đến lớp," Wendy nói.

49caed10-9d79-11e9-baa5-dd214ed0de8f_image_hires_102311

Cindy Khoo, giám đốc kế hoạch của Bộ Giáo dục Singapore, cho biết: "Chúng tôi sẽ thúc đẩy các trường học giải thích cho phụ huynh học sinh rằng, việc giảm bớt áp lực cho con cái họ sẽ có tác dụng lâu dài trong tương lai."

Tuy nhiên, cô thừa nhận việc "thúc ép một đứa trẻ phải học thật giỏi" đã là một phần cố hữu trong văn hóa của Singapore.

Theo SCMP

 

Theo Trí Thức Trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang