Với chủ đề "Khơi nguồn sáng tạo, mở khóa đam mê", sự kiện là ngày hội STEAM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật, Arts - Nghệ thuật, Math - Toán học) mang tầm quốc tế dành cho học sinh, phụ huynh, thầy cô và nhà trường. Sự kiện là ngày hội để tụ họp, trao đổi kiến thức tiên tiến về STEAM và đẩy mạnh việc tiếp cận giáo dục STEAM cho trẻ em nữ, ngay từ cấp học mầm non.
Sự kiện được tổ chức với một loạt các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và tương tác trong lĩnh vực STEAM, thu hút hàng trăm trẻ em, thanh thiếu niên, phụ huynh và giáo viên từ các vùng miền khác nhau, trong đó có Hà Nội, Lào Cai và Sóc Trăng. Không gian ngày hội được thiết kế một cách sáng tạo để người tham gia thỏa thích tận hưởng, sáng tạo và tương tác, xây dựng trên các khái niệm về tư duy tính toán, tư duy phát triển và kỹ năng thực tiễn, được áp dụng thông qua các chương trình như Scratch và Robotics, giải đấu với Robotics VEX và khám phá khoa học...
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Lê Anh Lan - Chuyên gia Giáo dục UNICEF Việt Nam chia sẻ: "Tiến bộ và đầu tư vào giáo dục STEAM và kỹ năng chuyển đổi – dành cho cả nam và nữ, là ưu tiên hàng đầu cho Việt Nam được UNICEF cam kết mạnh mẽ. Trẻ em gái và nữ sinh Việt Nam gặp phải những thách thức do định kiến giới - xuất hiện từ trước khi các em được sinh ra. Do vậy, sự bất bình đẳng giới trong lĩnh vực STEAM trong giáo dục phải được giải quyết trong toàn bộ quá trình học tập, bắt đầu từ cấp mầm non. Khích lệ hoài bão của trẻ em gái trong lĩnh vực STEAM cũng như việc hỗ trợ cách tiếp cận toàn diện đối với kỹ năng, khám phá công việc phù hợp là rất quan trọng".
"Giáo dục STEAM chất lượng, công bằng và bình đẳng cho tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em nữ, vô cùng quan trọng. Chúng tôi tin rằng nền tảng vững chắc của giáo dục STEAM sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của thế hệ tiếp theo của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Hệ sinh thái các chương trình của STEAM for Vietnam xoay quanh sứ mệnh mang giáo dục STEAM hiện đại cho trẻ em Việt Nam từ 6 đến 18 tuổi thông qua các công nghệ tiên tiến, mô hình giáo dục sáng tạo và chuyên môn của giáo viên", bà Nguyễn Phương Thuỷ, Đồng sáng lập Quỹ STEAM cho Việt Nam chia sẻ, đồng thời cho biết ngày hội này là một điểm nhấn trong hành trình của STEAM for Vietnam để khuyến khích quyền truy cập bình đẳng, miễn phí cho tất cả trẻ em đến hệ thống giáo dục tiêu chuẩn quốc tế.
Bày tỏ cam kết ủng hộ, bà Kate Bartlett, Tùy viên Văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội chia sẻ: "Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam cam kết ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đào tạo lực lượng lao động thế kỷ 21 sẵn sàng hội nhập toàn cầu. Bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đối tác cùng chí hướng, chúng ta có thể đạt được nhiều hơn thế. Thanh niên Việt Nam là những công dân toàn cầu năng động, tài năng và đầy tham vọng. Tiềm năng của họ là vô giới hạn".
Với Ngày hội khám phá STEAM 2023, phụ huynh và giáo viên được khuyến khích cùng nhau hợp lực để phá bỏ những rào cản mà trẻ em gái và nữ giới còn gặp khó khăn phải đối mặt, để mở khóa tiềm năng của họ trở thành những người kiến tạo kiến thức khoa học đương đại và công nghệ mới. Sự kiện đã tổ chức các talkshow và cuộc thảo luận giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế, người làm chính sách và các trường học, chia sẻ phương pháp thiết kế bài giảng và tài liệu giảng dạy cho giáo viên để họ có thể phát triển kiến thức giảng dạy của mình và học từ kinh nghiệm trong thiết kế chương trình học.
STEAM for Vietnam Foundation là tổ chức phi lợi nhuận Hoa Kỳ được thành lập và vận hành bởi các chuyên gia người Việt đang sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia, với sứ mệnh đưa giáo dục STEAM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật, Arts - Nghệ thuật, Math - Toán học) đến cho 20 triệu học sinh Việt Nam trong vòng 5 năm tới. STEAM for Vietnam Foundation đã tổ chức thành công 8 chương trình học về Lập trình, Robotics và Nghệ thuật trong 7 học kỳ với hơn 35.000 học sinh đăng ký đến từ 63 tỉnh thành tại Việt Nam và 33 quốc gia trên thế giới.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.