Nhằm hạn chế sai sót, nhầm lẫn, từ ngày 24 đến 28/4, Bộ GD&ĐT tổ chức cho học sinh lớp 12 cả nước thử đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Sau ngày 28/4, hệ thống quản lý thi sẽ đóng lại, toàn bộ dữ liệu học sinh đăng ký trong thời gian từ ngày 24 - 28/4 sẽ bị xóa.
Từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5, học sinh chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2024.
Bộ GD&ĐT lưu ý, các trường phổ thông nhắc học sinh phải bảo mật thông tin tài khoản, mật khẩu được cấp để đăng nhập vào Hệ thống quản lý thi từ khi đăng ký dự thi đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Để bảo mật thông tin, ngay khi nhận được tài khoản và mật khẩu, học sinh nên thay đổi ngay mật khẩu. Trong trường hợp quên tài khoản và mật khẩu, học sinh thì có thể liên hệ với đơn vị đăng ký dự thi để được cấp lại.
Tùy từng thời điểm, khi đăng nhập vào hệ thống quản lý thi, học sinh có thể biết được các thông tin như: Thông tin đăng ký dự thi, thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT, giấy báo dự thi, kết quả thi, kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Riêng với thí sinh tự do sẽ thực hiện đăng ký trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do Sở GD&ĐT quy định. Sau khi nộp phiếu đăng ký dự thi, thí sinh tự do sẽ được cấp tài khoản hệ thống quản lý thi.
Theo lịch công bố của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức từ ngày 26 đến 29/6. Bộ sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ 8h sáng 17/7. Nếu thắc mắc về kết quả, thí sinh có 10 ngày để làm đơn phúc khảo. Thời gian xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh chậm nhất ngày 19/7.
Về cấu trúc, định dạng và mức độ phân hóa, đề thi cơ bản giữ ổn định với 4 cấp độ nhận thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; phù hợp với các mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về nội dung, đề thi bảo đảm khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông mới; độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.
Ngoài ra, trong các đề thi có những câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội, được xây dựng tiệm cận theo định hướng đánh giá năng lực người học giúp đánh giá được năng lực thí sinh công bằng và chính xác.
Về dạng thức câu hỏi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, đề thi được xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu. 14 môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn A hoặc B, C, D.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.