Hơn 1 năm Covid-19 tàn phá thế giới
Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, thế giới hy vọng sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng vào một thời điểm nào đó, khi mà virus SARS-CoV-2 không có đủ vật chủ để lây lan dễ dàng. Tuy nhiên, hơn 1 năm sau, virus này đang tàn phá Ấn Độ với làn sóng thứ 2 đáng lo ngại và làm gia tăng số ca mắc ở nhiều quốc gia từ châu Á tới Mỹ Latin.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Colombo, Sri Lanka (Ảnh: Getty)
Hiện các chuyên gia cho biết, virus SARS-CoV-2 đang thay đổi quá nhanh khi ngày càng nhiều biến thể mới dễ lây lan hơn xuất hiện trong khi chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 diễn ra quá chậm chạp. Vì thế, miễn dịch cộng đồng sẽ không thể đạt được trong thời gian sớm.
Điều đó tức là nếu virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan ở nhiều nơi trên thế giới, nó sẽ dần trở thành một dịch bệnh, một mối đe dọa thường trực.
Các biến thể của virus này đang càn quét qua nhiều khu vực, những nơi mà mọi người tập trung với số lượng lớn mà không tuân thủ các quy định ngăn ngừa dịch bệnh như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, bác sĩ David Heymann, một giáo sư về dịch bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London nhận định.
Trong khi đợt bùng phát dịch bệnh ở Ấn Độ thu hút hầu hết sự chú ý của mọi người thì bác sĩ Heyman nhận định mức độ lây lan của virus cho thấy nó vẫn tồn tại ở hầu hết các khu vực trên thế giới.
Các loại vaccine có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa Covid-19 đang được phát triển nhanh chóng nhưng sự phân phối trên toàn cầu lại diễn ra chậm chạp và không công bằng. Việc các nước giàu tích trữ vaccine, các nước nghèo hơn đối mặt với những thách thức hậu cần để phân phối vaccine hay tâm lý ngần ngại tiêm vaccine là vấn đề ở mọi nơi. Các chuyên gia cảnh báo tốc độ tiêm vaccine trên thế giới quá chậm chạp và điều này sẽ khiến hy vọng loại bỏ virus SARS-CoV-2 trở nên ngày càng mong manh.
Theo Our World Date, chỉ 2 quốc gia trên thế giới tiêm vaccine đầy đủ cho hơn một nửa số dân, đó là Israel và quốc gia Đông Phi Seychelles - một quần đảo với dân số chưa tới 100.000 người. Chỉ một số quốc gia khác tiêm vaccine một phần cho ít nhất gần 50% dân số, trong đó có Anh, Bhutan và Mỹ.
Chưa tới 10% dân số Ấn Độ được tiêm vaccine một phần. Tại châu Phi, con số này là chưa tới 1%.
Dù vậy, các chuyên gia y tế nhận định, một số lượng tương đối nhỏ các quốc gia, chủ yếu là các đảo quốc đã phần nào kiểm soát và ngăn chặn được dịch bệnh. New Zealand, qua các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và đóng cửa biên giới, đã loại bỏ được virus SARS-CoV-2. Bác sĩ Michael Baker, một nhà dịch tễ học tại Đại học Otago cho rằng New Zealand có thể đạt miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm chủng cho người dân nhưng nước này vẫn còn một chặng đường dài khi chỉ 4,4% dân số được tiêm vaccine một phần.
"Tất cả các nghiên cứu đều cho thấy mức độ ngần ngại tiêm vaccine ở New Zealand nhưng cũng có rất nhiều người nhiệt tình với việc này. Do đó, tôi nghĩ chúng ta có thể sẽ đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng".
Học cách sống chung với dịch bệnh
Trong khi số ca mắc mới hàng ngày vẫn ở mức kỷ lục tại nhiều nơi trên thế giới thì số ca tử vong đã giảm sau khi đạt đỉnh từ tháng 2/2021, đi ngược lại với mô hình thông thường là số ca mắc tăng cao sẽ dẫn đến số ca tử vong tăng theo. Nếu xu hướng trên tiếp tục, chúng ta có thể hy vọng vào một viễn cảnh tương lai mà các nhà khoa học mong muốn: Đó là thậm chí cả khi virus lây lan và dường như có xu hướng trở thành dịch bệnh ở một khu vực thì nó sẽ ít gây ra nguy cơ tử vong và có thể được kiểm soát bằng vaccine, vốn sẽ được nâng cấp theo từng giai đoạn để chống lại các biến thể.
Khi ngày càng nhiều người mắc Covid-19, phát triển mức độ miễn dịch nhất định và tốc độ tiêm vaccine được đẩy nhanh, các đợt bùng phát trong tương lai sẽ không tàn phá ở quy mô khủng khiếp như tại Ấn Độ và Brazil, bác sĩ Heymann cho hay. Ông cũng đánh giá, “các đợt bùng phát nhỏ hơn sẽ ít chết chóc hơn nhưng sẽ là một mối đe dọa lâu dài".
"Đây là quy trình diễn tiến tự nhiên của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm ở con người, dù đó là bệnh lao hay HIV. Chúng sẽ trở thành những dịch bệnh mà chúng ta học cách sống chung với chúng, học cách đánh giá những rủi ro và học cách bảo vệ những người chúng ta muốn bảo vệ", chuyên này này nhận định.
"Nó vẫn là một dịch bệnh nhưng không phải theo cách đe dọa đến cuộc sống của chúng ta. Nó có lẽ sẽ giống như những triệu chứng chúng ta thấy ở trẻ em, đó là một dịch bệnh giống như cảm lạnh thông thường", bác sĩ Michael Merson, một giáo sư về y tế toàn cầu tại Đại học Duke, đồng thời là cựu giám đốc Chương trình toàn cầu phòng chống AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới cho hay.
Link gốc: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/hon-1-nam-quay-cuong-trong-covid-19-the-gioi-can-hoc-cach-song-chung-voi-virus-sars-cov-2-856859.vov
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.