Trong suy nghĩ của nhiều người, ở cái tuổi "bẻ gẫy sừng trâu" 17, 18 việc học tập là quan trọng hơn cả, mọi suy tư về thế giới xung quanh nên được gác lại vì chúng ta chưa đủ khả năng để nghĩ về những thứ lớn lao, về các vấn đề về nóng hổi của thế giới... Tuy nhiên, đó không hẳn là tư tưởng đúng đắn bởi cứ bó buộc trong suy nghĩ như vậy, chúng ta sẽ không thể nào bước ra được ranh giới an toàn của bản thân mà khám phá thế giới và những vận động xung quanh của cuộc sống. Bởi lẽ, "học phải đi đôi với hành", những kiến thức sách vở cần được áp dụng vào thực tiễn để lý giải các vấn đề bên ngoài, chỉ có như thế thì sự học mới thật sự đạt được hiệu quả vốn có của nó.
Thấu hiểu được những trăn trở đó, Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc (International Model United Nations, viết tắt là IMUN) đã được phát triển. Đây chính là sân chơi để các bạn trẻ được tự do thể hiện mình và nói lên tiếng nói của bản thân về những vấn đề "đao to búa lớn".
Chia sẻ rõ hơn, IMUN là chương trình mang tính học thuật dành cho học sinh và sinh viên trên toàn thế giới, nơi những người tham gia đóng vai trò là đại biểu từ các quốc gia để tranh luận về các vấn đề nóng hổi về kinh tế, chính trị xã hội. Các bạn trẻ tham gia thảo luận, soạn thảo các nghị quyết và làm việc nhau như những chính trị gia đích thực.
Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc Việt Nam 2023
IMUN Việt Nam và những con số ấn tượng
Năm ngoái, IMUN đã được tổ chức tại Philippines với hơn 250 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia tham gia. Còn sang đến năm nay, Việt Nam vinh dự trở thành nước đăng cai tổ chức chương trình trong 3 ngày từ ngày 11 - 13/3/2023 và Đại học Anh quốc Việt Nam là nơi được chọn đồng phối hợp tổ chức IMUN Việt Nam 2023.
IMUN Việt Nam được bảo trợ bởi Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và LianLianGlobal Việt Nam. Chương trình được đầu tư vô cùng quy mô, quy tụ dàn điều phối viên, thành viên Ban tổ chức giàu kinh nghiệm cùng hơn 200 bạn trẻ năng động, tự tin đến từ 40 nền giáo dục khác nhau trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Philippines, Ấn Độ...
Đặc biệt, IMUN Việt Nam còn được tài trợ và hỗ trợ bởi nhiều tổ chức Liên Hợp Quốc và đại sứ quán ở các quốc gia khác nhau như: UNFPA Philippines, WFP Philippines, WHO Indonesia, UNHRC Ấn Độ, UNDP Việt Nam cũng như Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Thái Lan.
Hội thảo đã thu hút hơn 200 bạn trẻ từ các khắp các nền giáo dục trên thế giới: Việt Nam, Philippines, Ấn Độ...
Chương trình năm nay bao gồm 3 ủy ban "mô phỏng": WHO (Tổ chức y tế thế giới); UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc); UN WOMEN (Phụ nữ Liên Hợp Quốc). Mỗi ủy ban sẽ thảo luận về các vấn đề khác nhau như: WHO chỉ đạo và điều phối y tế quốc tế trong hệ thống Liên Hợp Quốc; UNICEF chịu trách nhiệm về cung cấp viện trợ nhân đạo và phát triển cho trẻ em trên toàn thế giới; còn UN WOMEN thảo luận về bình đẳng giới và sức mạnh của người phụ nữ...
Cụ thể hơn, người tham gia sẽ được chỉ định làm đại diện của một quốc gia trong mỗi hội đồng và thảo luận về chủ đề cụ thể trong phạm vi của họ. Các đại biểu sẽ được kiểm duyệt bởi Hội đồng quản trị trong phiên họp của ủy ban. Đương nhiên, mọi quá trình đều yêu cầu đại biểu phải sử dụng Tiếng Anh hoàn toàn.
Một điều đặc biệt tại sự kiện năm nay là sau những phiên thảo luận căng thẳng, các bạn sẽ có thời gian nghỉ ngơi, ăn trà bánh. Vào giờ ăn trưa, sẽ có rất nhiều món ăn Việt Nam được BTC chương trình năm nay chuẩn bị nhằm mục tiêu quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Bạn Nguyễn Trần Mai Anh (sinh viên năm 4, ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Anh quốc Việt Nam) - thành viên Ban tổ chức chương trình chia sẻ: "Quảng bá văn hóa Việt Nam là một trong những điều bọn mình rất chú trọng trong IMUN năm nay. Không chỉ ẩm thực mà bọn mình còn giới thiệu cả cảnh đẹp, đất nước con người Việt đến với bạn bè quốc tế. Một loạt các hoạt động như cultural performance, city tour tham quan Hà Nội..."
Sau những phiên thảo luận căng thẳng, các bạn sẽ có thời gian nghỉ ngơi, ăn trà bánh
Nhiều vấn đề nóng hổi được đưa ra
Có thể nói, IMUN Việt Nam là một cơ hội tuyệt vời để các bạn trẻ có cơ hội tập làm chính trị gia, hay đơn giản là học cách tranh luận về các vấn đề xã hội từ "nho nhỏ" đến "to to".
Đúng với tinh thần của Liên hợp quốc, IMUN luôn thúc đẩy một diễn đàn mang tính xây dựng để đối thoại cởi mở về các vấn đề toàn cầu bao gồm hòa bình và an ninh quốc tế cũng như tiến bộ kinh tế và xã hội. Một số vấn đề đã được đưa ra thảo luận ở các phiên như: Ảnh hưởng của mạng xã hội lên sức khỏe tinh thần; Nguyên nhân và những tác động tiêu cực của vấn đề kết hôn trẻ em...
Mục tiêu cuối cùng của IMUN là khuyến khích giới trẻ nhận thức về các vấn đề quốc tế, hiểu và cố gắng hình thành giải pháp khả thi để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đương nhiên, khi tham gia các hoạt động, các bạn trẻ còn có cơ hội phát triển rất nhiều kỹ năng theo hướng toàn diện như:
- Phát triển sâu rộng các vấn đề toàn cầu trong thời đại ngày nay và cải thiện khả năng tư duy phân tích.
- Củng cố kỹ năng ngoại giao và phát triển các ý tưởng nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế.
- Cải thiện kỹ năng nghiên cứu, nói trước đám đông, tranh biện và kỹ năng viết thêm vào đó là kỹ năng viết lách, làm việc nhóm và khả năng lãnh đạo.
- Cải thiện khả năng tiếp xúc quốc tế bằng cách tích lũy kinh nghiệm từ các đại biểu trên khắp thế giới; Phân biệt được nghị viện với Liên Hợp quốc...
Đặc biệt hơn cả, chương trình còn có sự xuất hiện của rất nhiều chính khách, nhà ngoại giao nổi tiếng. Một trong số đó phải kể đến ông Ola Karlman - Trưởng ban xúc tiến, Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam. Sự xuất hiện của ông H.E. Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.