Các quan chức y tế ở Indonesia đang nhận định rằng sự xuất hiện của biến thể Delta - được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ - là nguyên nhân khiến số ca nhiễm COVID-19 ở Indonesia gia tăng gấp ba lần trong những tuần gần đây.
Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia, Budi Gunadi Sadikin, thừa nhận trong một hội thảo trực tuyến hôm 13/6: "Sự lây lan của biến thể virus này rất nhanh". Ông nói thêm rằng biến thể Delta đã ‘đổ bộ’ vào Indonesia thông qua cảng biển.
Ông nói: "Bởi vì nhiều cảng biển ở Indonesia chuyên chở hàng hóa và nhiều hàng hóa đến từ Ấn Độ, biến thể vào từ đó".
Nhưng các chuyên gia cho biết biến thể Delta không phải là vấn đề chính.
Nguyên nhân số ca nhiễm COVID-19 ở Indonesia tăng
Các chuyên gia nói rằng số ca nhiễm COVID-19 ở Indonesia tăng chóng mặt là kết quả của sự di chuyển của người dân vào cuối tháng Ramadan - khi nhiều người bỏ qua lệnh cấm di chuyển để về quê; thiếu chính sách y tế đồng bộ; thiếu xét nghiệm và truy vết không hiệu quả.
Trong khi việc di chuyển bị hạn chế tại các sân bay nội địa và bến phà từ ngày 22 tháng 4 đến ngày 24 tháng 5, 5-6 triệu người vẫn di chuyển giữa các thành phố trên hai hòn đảo đông dân nhất của Indonesia là Java và Sumatra trong kỳ nghỉ lễ sau tháng Ramadan.
Nhân viên nghĩa trang khiêng quan tài đi chôn cất tại nghĩa trang dành cho những người đã chết vì COVID-19 ở Bandung, Indonesia [Timur Matahari / AFP]
"Tất cả các biến thể COVID đều đáng lo ngại nhưng biến thể Delta chưa được chứng minh là gây chết người nhiều hơn", giáo sư Đại học Udayana, ông Gusti Ngurah Mahardika, nhà virus học cao cấp nhất của Bali, cho biết.
"Nó chỉ nhận được một huy chương bạc; nhà vô địch ở Indonesia vẫn là biến thể Alpha. Tôi tin rằng biến thể Delta đang được sử dụng như một cái cớ vì chính phủ Indonesia không có khả năng kiểm soát đại dịch".
Cơ quan y tế Indonesia, đất nước 270 triệu dân, đông dân thứ 4 thế giới, hôm 17/6 báo cáo 12.624 ca mắc COVID-19 mới. Đây là số ca mắc trong một ngày cao nhất kể từ tháng Hai. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia hiện là gần 2 triệu người.
Giáo sư Mahardika nói rằng hầu như không thể xác định chính xác lý do của sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 ở Indonesia vì tỷ lệ nhiễm virus không được báo cáo đầy đủ, nhưng ông chỉ ra một số nguyên nhân khả thi.
"Những người di chuyển trong tháng Ramadan đóng một vai trò nào đó, không nghi ngờ gì về điều này", giáo sư nói. "Nhưng chúng ta là một đất nước không có kế hoạch rõ ràng, phần lớn trọng tâm là kinh tế và người dân đang phải trải qua sự kiệt quệ và mệt mỏi của COVID. Ở Denpasar nơi tôi sống, quán cà phê và nhà hàng chật kín người mỗi tối".
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Indonesia [Juni Kriswanto/AFP]
Ahmad Utomo, một nhà tư vấn sinh học phân tử ở Jakarta, chuyên về chẩn đoán nhiễm trùng phổi, đồng ý rằng biến thể Delta đang được sử dụng để che giấu sự yếu kém trong khống chế dịch ở Indonesia.
"Tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó. Dù là biến thể nào, nó cũng cần hoạt động của con người để tái tạo", ông Utomo nói. "Indonesia đang làm rất tốt công việc theo dõi bộ gen, đó là cách họ biết biến thể Delta đã đến đây".
"Nhưng biến thể Delta giống như một chiếc xe thể thao. Nó có thể đi rất nhanh. Nhưng ngay cả một chiếc xe thể thao cũng chỉ có thể đi nhanh trên một con đường thuận lợi và bạn phải giảm sự di chuyển của con người để giảm tốc độ của biến thể".
Chuyên gia Utomo cho biết có quá nhiều người không tuân theo các quy định phòng, chống COVID-19 và chính phủ đang làm cho tình trạng tồi tệ hơn khi không đầu tư vào xét nghiệm và truy vết.
"Sớm đối mặt nguy cơ giống Ấn Độ"
Tiến sĩ Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học, người đã giúp soạn thảo chiến lược ứng phó với đại dịch của Bộ Y tế Indonesia trong 20 năm, cho biết: Mặc dù biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Alpha, nhưng chính biến thể Alpha mới đang thúc đẩy sự gia tăng ca bệnh hiện nay. [Mới đây, WHO đã công bố cách đặt tên biến thể COVID-19 mới]
"Hiện tại, sự lan truyền của biến thể Delta là rất nhỏ, trong khi biến thể Alpha đang được lan truyền bởi người dân không tuân thủ lệnh cấm di chuyển", ông Budiman nói với Al Jazeera. "Tôi đồng ý rằng biến thể Delta đang được sử dụng như một cái cớ. Chúng ta đã trải qua hơn một năm đại dịch, nhưng chính phủ Indonesia đã chứng minh rằng họ không có khả năng kiểm soát COVID-19".
Trong khi biến thể Alpha có thể vẫn chiếm ưu thế, tiến sĩ Buduman cảnh báo rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chủng Delta chiếm ưu thế.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Indonesia [Reuters]
Ông Buduman lo ngại rằng Indonesia có thể sớm đối mặt với một đợt bùng phát tương đương với Ấn Độ.
Ông nói: "Biến thể Delta sẽ dẫn đầu số ca mắc vào tháng tới. Tôi dự đoán rằng vào tháng 7 sẽ có một lượng lớn ca bệnh trong cộng đồng và tỷ lệ tử vong gia tăng ở Java vì 40% dân số Indonesia sống trên hòn đảo này và mật độ này khiến họ rơi vào tình trạng rất nguy hiểm".
"Nếu bạn hỏi tôi rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ như thế nào, thì câu trả lời là nó sẽ trở nên rất tồi tệ với tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều. Chúng ta có thể thấy từ những gì đã xảy ra ở Ấn Độ rằng biến thể Delta tác động mạnh hơn nhiều ở các quốc gia thiếu giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, xét nghiệm, truy vết và tiêm chủng".
Vì chỉ 1% các trường hợp dương tính ở Indonesia được giải trình tự gen nên không có dữ liệu thuyết phục để chỉ ra tỷ lệ nhiễm của từng biến thể.
Tiến sĩ Nadia Wiweko, người phát ngôn của Bộ Y tế của Indonesia, thừa nhận rằng việc di chuyển của người dân đã góp phần gia tăng dịch bệnh.
Bà Wiweko nói với Al Jazeera: "Có một xu hướng gia tăng số ca mắc do sự di chuyển của người dân từ tháng Ramadan. Trước đây, chúng tôi có 3.000 trường hợp mỗi ngày nhưng bây giờ chúng tôi đã vượt qua 9.000 trường hợp".
"Chưa quá muộn"
Các nước phát triển đã khống chế được đại dịch bằng các chương trình tiêm chủng hàng loạt, được hỗ trợ bởi xét nghiệm và truy vết hiệu quả.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 vào tháng 1, nhưng mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho 4,3% dân số.
Kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vaccine COVID-19 ở Tây Java, Indonesia [Willy Kurniawan/Reuters]
Chính phủ Indonesia đã lo ngại về tác động kinh tế kể từ khi đại dịch bắt đầu vào cuối năm ngoái - sợ rằng họ không thể bảo đảm an sinh xã hội, chưa nói đến các gói hỗ trợ thực phẩm, cho 270 triệu người. Khoảng 10% người Indonesia sống dưới mức nghèo.
Wiweko cho biết chính phủ Indonesia hiện đang xem xét một chiến lược phong tỏa vi mô để nhắm mục tiêu vào các khu vực có khả năng lây nhiễm cao.
"Chúng tôi đã ban hành các quy định để hạn chế hoạt động cộng đồng ở quy mô vi mô được thực thi ở tất cả các tỉnh, huyện thành phố. Điều này giống như những hạn chế xã hội quy mô lớn nhưng được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện địa phương", Wiweko nói.
Bà Wiweko cho biết chiến lược mới bao gồm cách ly và điều trị có mục tiêu, làm việc tại nhà và hạn chế giờ mua sắm. Việc truy vết cũng đang được tăng từ 5-10 trường hợp/mỗi ca dương tính lên 20-30 trường hợp/ca, cô nói thêm.
"Chúng tôi biết mọi người đang lo lắng", cô nói, "nhưng vẫn chưa muộn để ngăn chặn đỉnh dịch".
Nhưng tiến sĩ Budiman cảnh báo rằng các lệnh đóng cửa vi mô sẽ không hiệu quả.
"Họ vẫn đang tập trung quá nhiều vào các hậu quả kinh tế nhưng sớm hay muộn, họ sẽ phải suy nghĩ lại về cách ứng phó của mình. Kinh nghiệm từ nhiều nước khác cho thấy chỉ đóng cửa toàn bộ, kết hợp với tăng cường xét nghiệm và truy vết, sau đó là cách ly và kiểm dịch với tiêm chủng hàng loạt mới có hiệu quả trong việc kiểm soát biến thể Delta", tiến sĩ Budiman nói.
Chuyên gia Utomo cũng bày tỏ quan điểm tương tự: "Giải pháp rất đơn giản: thực thi các quy định y tế, xét nghiệm, truy vết và tiêm chủng. Họ phải kiên trì với chiến lược của mình".
Ngay cả khi số ca mắc gia tăng, Indonesia vẫn đang thảo luận về việc cho phép du khách nước ngoài quay trở lại các điểm đến nổi tiếng như Bali, sớm nhất vào tháng 7 để khởi động lại nền kinh tế của hòn đảo. Bali đã chào đón 10 triệu người nước ngoài vào năm 2019 - năm cuối cùng trước khi đại dịch xảy ra.
"Tạp chí The Lancet đã xuất bản một bài báo nói rằng cách duy nhất để đối phó với các đợt bùng phát dịch bệnh là loại bỏ, không phải giảm thiểu", Utomo nói. "Các nhà lãnh đạo của chúng tôi phải phá vỡ xu hướng gia tăng, đừng lo lắng về việc người dân có bỏ phiếu cho họ hay không. Nếu không làm vậy, chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi đại dịch này".
(Nguồn: AL JAZEERA)
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/indonesia-doi-mat-nguy-co-bung-phat-covid-19-giong-an-do-161212106113729118.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.