"Karen nhiễm bệnh, để rồi bố chồng cô qua đời": Cuốn nhật ký chứa đầy xót xa của một bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19

Tại Anh, rủi ro lây nhiễm Covid-19 trong ngành y thực chất phân bổ không đều. Chẳng phải bác sĩ và nhân viên y tế mới là những người chịu nhiều rủi ro nhất.

*Lược dịch theo nhật ký của bác sĩ John Wright, chuyên gia dịch tễ học từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe Bradford, được đăng tải trên BBC Stories

Người đầu tiên tôi thấy mỗi buổi sớm tại bệnh viện là Karen Smith - cô lao công mẫn cán. Suốt 10 tháng bất ổn, Karen vẫn luôn ở đó. Ngoại trừ vài tuần đầu tiên của mùa xuân, khi cô ngã bệnh vì Covid-19.

Karen nhiễm bệnh, để rồi bố chồng cô qua đời: Cuốn nhật ký chứa đầy xót xa của một bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Karen Smith

Karen vẫn thường lau dọn các văn phòng tại bệnh viện, nhưng trong đợt dịch đầu tiên, cô được gọi đến làm việc tại khu vực cách ly và điều trị Covid-19. Đó là thời điểm cực kỳ ác mộng với rất nhiều người, nhưng Karen thậm chí tình nguyện làm thêm ca do thiếu hụt nhân sự. 

Và trong một lần làm thêm như thế, cô nhiễm bệnh.

Chúng ta đều biết rằng làm việc tại bệnh viện sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm lên ít nhất gấp 3 lần, nhưng rủi ro ấy thực chất phân bổ không đều. Số liệu xét nghiệm trong mùa hè cho thấy, những nhân viên làm việc trong "vùng đỏ" - chính là khu chăm sóc tích cực (ICU) - không có tỉ lệ nhiễm cao nhất, mà là những nhân viên đẩy xe và lau dọn ở khu vực đó. Rủi ro lây nhiễm của họ lớn hơn các đồng nghiệp ngành y gấp 2 lần. 

Rủi ro ấy cũng hiện diện với gia đình của họ nữa.

Karen nhiễm bệnh, để rồi bố chồng cô qua đời: Cuốn nhật ký chứa đầy xót xa của một bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Karen và chồng - Mal

Trong thời gian làm việc hồi tháng 4, Karen cũng sợ nhiễm bệnh. Nhưng nỗi sợ ấy không dành cho bản thân, mà là gia đình cô. Karen và chồng - Mal Smith - đã chuyển tới sống trong một chiếc xe tại khu vườn của bố mẹ Mal khi mẹ anh mắc ung thư, và rồi ở lại đó để chăm sóc người bố 80 tuổi - Malcolm - sau khi bà qua đời. Mal là một nhân viên đẩy xe trong bệnh viện, bị phổi tắc nghẽn mãn tính, trong khi Malcolm đã lớn tuổi. Cả hai hiển nhiên đều thuộc nhóm nhiều rủi ro trong đại dịch. 

Thế nhưng, nghỉ việc không phải là lựa chọn Karen có thể làm. Họ không có nhiều tiền. Và cũng không giống như nhiều nhân viên khác được bệnh viện cấp khách sạn để bảo vệ người thân, cô vẫn phải trở về nhà sau mỗi đêm làm việc.

Karen nhiễm bệnh hồi cuối tháng 4/2020, theo sau là Mal vào đầu tháng 5. Trời khi đó rất nóng, trong khi họ ho và thở khò khè đầy mệt mỏi trong chiếc xe kín bưng.

Karen nhiễm bệnh, để rồi bố chồng cô qua đời: Cuốn nhật ký chứa đầy xót xa của một bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 3.

"Giống như bị nhốt trong một chiếc hộp thiếc vậy. Tôi nhiễm bệnh và không thể trị bệnh cho đúng. Rồi Mal cũng nhiễm, nặng hơn cả tôi. Và khi bố cũng ngã bệnh, mọi thứ thay đổi hoàn toàn."

2 vợ chồng vẫn phải vào nhà để nấu ăn, tắm rửa. Nhưng dù làm mọi thứ để tránh tiếp xúc với Malcolm, ông vẫn nhiễm bệnh. 

"Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để không lây cho ông. Nhưng ông vẫn ngã bệnh. Thành thực mà nói, bố giống như một đứa trẻ vậy, cuộn tròn trong chăn một cách hoang mang. Khi ông bắt đầu run rẩy, chúng tôi gọi cấp cứu. Họ bảo mang ông đi xét nghiệm, và chúng tôi chẳng thể tin kết quả trả về là dương tính," - Karen chia sẻ. 

Malcolm nhập viện. Tôi vẫn nhớ và có ấn tượng tốt khi gặp Malcolm tại khu điều trị, lúc ông vật lộn với các triệu chứng bệnh. Ông là một người tốt, hiền lành, nghiêm khắc và cũng đầy kiên nhẫn. 

Karen nhiễm bệnh, để rồi bố chồng cô qua đời: Cuốn nhật ký chứa đầy xót xa của một bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Ông Malcolm khi mới 80 tuổi, được chụp tại Canada

Malcolm dường như đã phục hồi rất ổn, thậm chí được xuất viện. Nhưng Covid-19, nó là một căn bệnh khó đoán trước. Căn bệnh ấy có thể khiến người nhiễm phục hồi ở mức độ khó tin rồi đột nhiên đổ sụp. Đó chính xác là những gì đã xảy ra với Malcolm khi ông trở về nhà.

"Bố đã không muốn quay trở lại bệnh viện. Bố bảo chỉ cần mở nhạc bố nghe là có thể giúp bố dễ thở hơn" - Karen chia sẻ. "Nhưng chẳng thứ gì có tác dụng nữa, vì ông ốm quá rồi. Chúng tôi buộc phải nói 'Không, bố mắc Covid và cần phải khám chữa đúng cách.'"

Sau 2 ngày ở nhà, Malcolm tái nhập viện rồi qua đời vào ngày 28/5.

Nỗi đau dai dẳng không thể mất 

Karen rốt cục cũng khỏi bệnh và quay trở lại làm việc. Nhưng cũng giống như rất nhiều người khác, cô gặp phải nhiều biến chứng sau đó, cả về thể chất lẫn tinh thần. Giờ đây, cô không thể hít thở bình thường, gần như không nếm được bất kỳ mùi vị gì trong vòng 7 tháng kế tiếp, và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Cô cũng phải tham gia một lớp thiền định vì luôn trong tâm trạng lo sợ phải trở về khu điều trị, nơi cô có thể mắc bệnh thêm một lần nữa. 

Đó là chưa tính đến nỗi đau mất đi người thân xen lẫn cảm giác tội lỗi, vì cô và chồng chính là người đã mang căn bệnh ấy về ngôi nhà.

"Khi nghĩ về bố, nước mắt tôi lại rơi, và đôi khi tôi khóc nức nở cả một ngày. Sự hối hận sẽ luôn ở đó, vì tôi sẽ không bao giờ biết chính xác ông mắc bệnh từ đâu. Bố chồng tôi thậm chí không đặt một chân ra ngoài, trong khi chúng tôi buộc phải vào trong. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Suy nghĩ ấy không thể thoát ly, vì tôi nhiễm bệnh, Mal nhiễm bệnh, rồi bố cũng nhiễm." 

Cả Karen và Mal đã được tiêm vaccine. Đối với Karen, đây đích thực là sự giải thoát, bởi bất kỳ thứ gì khiến cô giảm được khả năng nhiễm bệnh cũng giúp cô bớt căng thẳng hơn. 

Trên thực tế, nỗi sợ lây nhiễm virus cho người thân là một bóng ma ám ảnh mọi nhân viên chống dịch tuyến đầu. Dù nhiều người đã phải cách ly ngay trong đợt dịch đầu tiên, nhưng với một đại dịch lây lan mạnh, việc lây nhiễm cho người thân bỗng trở nên phổ biến đến đáng buồn. Karen và Mal đã tự mình trải nghiệm thực tế đáng buồn ấy.

Nguồn: BBC

 

Theo kenh14.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang