Việc đứng ra kêu gọi người dân ủng hộ tiền để chuyển đến hỗ trợ người khó khăn, gặp nạn do bão lũ, thiên tai gây ra… là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng. Tuy nhiên, thực tế có những người đứng ra kêu gọi và nhận tiền của mạnh thường quân ủng hộ nhưng chậm trễ hoặc không chuyển tiền đến người dân đang gặp hoàn cảnh khó khăn gây bức xúc dư luận trong thời gian qua; nhiều người đặt ra câu hỏi những người này có phải gánh lấy hậu quả pháp lý gì hay không.
Những chuyến xe chở đồ cứu trợ người dân miền Trung đợt mưa lũ tháng 10 năm 2020
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc cá nhân đứng ra quyên góp tiền từ thiện để ủng hộ cho người có hoàn cảnh khó khăn được điều chỉnh bởi các quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cụ thể, người gửi tiền cho người đứng ra kêu gọi quyên góp (thời gian qua có nhiều ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ… đứng ra quyên góp) được xem như người gửi tiền "ủy quyền" cho người đứng ra kêu gọi quyên góp chuyển đến hỗ trợ người đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Nếu người đứng ra kêu gọi quyên góp đã nhận tiền nhưng không chịu hoặc chậm trễ chuyển đến người gặp hoàn cảnh khó khăn thì người gửi tiền ủng hộ có thể yêu cầu trả lại tiền, nếu họ không chịu hoàn trả lại tiền thì có thể kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để đòi lại số tiền đó.
Lưu ý, trường hợp người đứng ra kêu gọi quyên góp chậm trễ hoặc cố tình không chuyển tiền cho người dân đang gặp hoàn cảnh khó khăn với chủ ý chiếm đoạt số tiền đó nhằm tư lợi thì có thể cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đối với tội danh này, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ96.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, việc người đứng ra kêu gọi quyên góp tiền nhưng chậm trễ trong việc chuyển số tiền đó đến hỗ trợ người đang có hoàn cảnh khó khăn thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, nguyên nhân của việc chậm trễ chuyển tiền sẽ gánh lấy chế tài tương xứng.
Nếu việc chậm trễ chuyển tiền cho người đang có hoàn cảnh khó khăn thuộc về lý do khách quan (như là người đứng ra kêu gọi quyên góp bị bệnh, gặp trường hợp bất khả kháng… nên không thể thực hiện được việc chuyển tiền) thì người đứng ra kêu gọi quyên góp sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật.
Theo kenh14.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.