Trong khi ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân lên tiếng bảo vệ các loài động vật, cần giải cứu và trả lại cho chúng môi trường sống bị con người xâm chiếm thì vẫn có vô số trường hợp gây phẫn nộ khi sát hại các loài vật một cách dã man.
Kết cục bi thảm của con khỉ đột
Nhiều người Mỹ chắc chắn không thể nào quên về câu chuyện một con khỉ đột bị bắn chết vào năm 2016 tại một buổi triển lãm Thế giới Khỉ đột diễn ra ở sở thú Cincinnati, Ohio.
Vào thời điểm đó, một bé trai 3 tuổi đã bò qua rào chắn vào chuồng của khỉ đột rồi rơi xuống hào bảo vệ phía trước. Harambe, tên của con khỉ đột, đã nhanh chóng đến bên cậu bé. Theo các nhân chứng, Harambe đối xử với đứa trẻ khá hiền lành dù nó nhiều lần tìm cách lôi đứa trẻ qua lại hào nước khiến mọi người hét toáng lên.
Sau hơn 10 phút vụ việc xảy ra, đội phản ứng nhanh của vườn thú buộc bắn hạ con vật để đảm bảo sự an toàn cho đứa trẻ. Bé trai nhập viện trong tình trạng có nhiều vết thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Theo truyền thông địa phương, Harambe chuyển tới sống tại sở thú bang Ohio từ năm 2014. Nó vừa bước sang tuổi 17 một ngày trước đó.
Cái chết của chú khỉ đột này đã gây ra nhiều tranh cãi. Hơn 2.000 người đã ký vào đơn kiến nghị trên trang Change.org, lên án lực lượng cảnh sát Cincinnati và sở thú vì giết chết Harambe. Dòng hashtag #RIPHarambe (Harambe hãy yên nghỉ) cũng được nhiều người chia sẻ trên Twitter.
"Nếu Harambe định làm hại hay giết đứa trẻ thì nó đã làm rồi. Nó chỉ đang tự bảo vệ mình và cũng muốn cứu đứa trẻ. Một hành động giết hại động vật vô nghĩa", một người dùng mạng bình luận.
Cái chết đau đớn của "Chúa sơn lâm"
Chắc chắn, những người yêu động vật trên thế giới không thể quên được sự việc từng gây chấn động dư luận thế giới: Con sư tử bị dụ ra khỏi vườn quốc gia rồi chặt đầu vào năm 2015.
Cụ thể, sư tử Cecil khi ấy 13 tuổi là một trong những con vật nổi tiếng và được yêu mến nhất tại Vườn quốc gia Hwange, Zimbabwe. Vào đầu tháng 7/2015, Cecil đã bị 1 nhóm thợ săn dụ ra khỏi vườn quốc gia và bị bắn, chặt đầu, lột da một cách độc ác.
Theo điều tra, người đứng sau vụ giết hại con sư tử nổi tiếng của quốc gia này là một nha sĩ có tên Walter Palmer đến từ thị trấn nhỏ ở Minneapolis, Mỹ. Palmer đã tham gia vào cuộc săn bắn tại Zimbabwe và được cho là đã trả 55.000 USD (hơn 1 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) cho các hướng dẫn viên du lịch để "được phép" giết chết con sư tử.
Ông Johnny Rodrigues, người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm bảo tồn Zimbabwe, cho biết: "Nhóm thợ săn đã ra tay trong đêm với 1 chiếc đèn pha và họ đã phát hiện ra Cecil. Sau đó, nhóm người này đã trói 1 con vật chết vào chiếc ô tô để dụ Cecil tới khu vực cách công viên khoảng 1,5km".
Ngay sau khi thông tin về vụ sư tử Cecil nổi tiếng Zimbabwe bị giết, người dân trên toàn thế giới đã lên tiếng chỉ trích sự độc ác của nha sĩ người Mỹ cùng nhóm thợ săn. Trong vòng 72 giờ sau khi cái chết của Cecil được đăng tải trên báo chí, 1,5 triệu thông điệp thương tiếc đã được viết trên Twitter.
Trong khi đó, "Cecil hãy yên nghỉ" cũng là thông điệp được viết nhiều nhất và đơn giản nhất được hàng triệu người dùng mạng gửi gắm. Còn kẻ giết Cecil, Walter Palmer, trở thành cái tên bị truy lùng và chỉ trích nhiều nhất trong suốt thời gian đó.
Cá heo con chết vì sở thích "tự sướng" của con người
Vào năm 2016, một con cá heo đã chết thảm thương sau khi bị 1 nhóm khách du lịch vuốt ve, đùa nghịch và bỏ mặc trên bãi biển ở Santa Teresita, tỉnh Buenos Aires, Argentina.
Theo đó, khi nhìn thấy một cá heo con bị dạt vào gần bờ biển, thay vì giúp đỡ nó trở về với mẹ đại dương thì một nhóm du khách đã tranh nhau cầm nắm, sờ soạng con cá. Nhiều người thậm chí còn mang điện thoại ra để chụp ảnh tự sướng khoe chiến tích với bạn bè.
Rất nhiều bức ảnh chụp lại cảnh tượng nhóm du khách túm tụm tranh giành nhau chơi đùa với con cá nhỏ đã được đăng tải trên các báo mạng, mạng xã hội, dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng thế giới. Và trong số những bức ảnh được đăng tải, gây bức xúc nhất đó chính là hình ảnh con vật tội nghiệp bị bỏ mặc nằm chết trên bãi cát, trong khi đó, một số du khách vẫn thờ ơ đứng nhìn và chụp ảnh.
Các nhà khoa học cho biết, con vật trên là cá heo La Plata hay còn được biết đến với tên gọi cá heo Franciscana. Tuổi thọ của chúng thường kéo dài khoảng 20 năm. Tuy nhiên, khi bị đưa ra khỏi môi trường sống, chúng sẽ nhanh chóng bị mất nước và chết. Trước sự việc gây bức xúc trên, Tổ chức động vật hoang dã Argentina đã phải lên tiếng đưa ra cảnh báo cho người dân về những loài động vật dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ.
Mẹ voi mang thai chết tức tưởi
Vào tháng 6/2020, cộng đồng mạng châu Á đã rơi nước mắt khi một con voi đang mang thai đã qua đời ở Ấn Độ sau khi ăn dứa nhồi thuốc nổ. Vào thời điểm đó, dân làng trong khu vực thường sử dụng pháo hoặc dứa nhồi chất nổ để bảo vệ đồng ruộng khỏi bị động vật hoang dã phá hoại.
Khi ấy, voi mẹ vì ăn trúng quả dứa phát nổ nên đã phải chịu cái chết đầy đau đớn. Mohan Krishnan, nhân viên bảo vệ động vật hoang dã, là người tìm thấy voi mẹ đã kể lại giây phút cuối đời vô cùng ám ảnh của voi mẹ. Anh cho hay, con voi đã chảy nước mắt vì nỗi đau quá lớn về thể xác và tinh thần. Nó đã không ăn được gì nhiều ngày sau đó vì vết thương quá nặng. Và rồi, voi mẹ qua đời trong tư thế đứng và voi con trong bụng cũng mất đi cơ hội được chào đời.
Theo những người chứng kiến sự việc, voi mẹ phải ngâm mình hàng giờ liền dưới sông để làm dịu vết thương cho đến khi chết với miệng và vòi bị thương nặng. Cộng đồng mạng đã bày tỏ phẫn nộ vì sự ích kỷ của con người mà giết chết hai mẹ con nhà voi. Nhiều họa sĩ quốc tế đã chia sẻ những bức vẽ để tưởng nhớ đến voi mẹ và voi con tội nghiệp.
Sau đó, cảnh sát địa phương đã bắt giữ 1 chủ đồn điền cao su tên Wilson cùng những người có liên quan đến vụ việc.
Nguồn: Tổng hợp
Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/khi-dot-bi-ban-chet-khi-cuu-be-trai-3-tuoi-va-nhung-cau-chuyen-nhoi-long-ve-su-ra-di-day-tuc-tuoi-cua-dong-vat-duoi-ban-tay-con-nguoi-162212805212424256.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.