Khi mắc không triệu chứng, hậu Covid vẫn nặng nề
Ngày 17/2, anh N.V.H, 34 tuổi, trú tại Bình Dương, đi kiểm tra di chứng sau hai tháng mắc Covid-19. Anh H. hoàn toàn bất ngờ với hình ảnh tổn thương phổi trắng xoá trên phim. Bác sĩ cũng giật mình vì xơ phổi tiến triển quá nhanh.
Anh H. cho biết anh mắc Covid-19 từ tháng 12 và khi điều trị bệnh anh hoàn toàn không có triệu chứng gì. Anh tự theo dõi ở nhà thậm chí không ho, sốt. Sau khi âm tính anh lại bắt đầu thấy mệt, chân tay hay bải hoải, cảm thấy mất sức.
Anh H. nghĩ mình không có triệu chứng khi dương tính thì làm sao mắc hậu Covid-19. Anh cho rằng tình trạng khó thở có thể là do anh suy nghĩ, lo lắng quá. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng nặng hơn, cơn khó thở đến nhiều, người thấy thiếu oxy, anh H. không thể làm việc được.
Hình ảnh xơ phổi sau Covid-19.
Anh đã đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả chụp phổi khiến anh H. bất ngờ. Phổi của anh gần như trắng xoá do tổn thương hậu Covid-19.
Trường hợp khác là bà P.T.K. 58 tuổi, TP.HCM qua đời do di chứng của hậu Covid-19. Theo người nhà của bà K. khi mắc bệnh, bà K chỉ mệt mỏi nên đã tự cách ly ở nhà. Sau khi âm tính với Covid-19, tình trạng mệt vẫn kéo dài. Bà K. có đi kiểm tra sức khoẻ nhưng vì không nói mình từng mắc Covid-19, nên bác sĩ không kiểm tra chuyên sâu mà chỉ hướng dẫn xét nghiệm. Kết quả cho thấy cơ thể bà không có gì bất thường nên bà lại về nhà.
Sau đó đến tháng 1, tình trạng mệt mỏi, khó thở xuất hiện nhiều hơn bà K. mới đến BV Nhân dân Gia Định kiểm tra. Sau khi có kết quả chụp phổi, bác sĩ cho biết bà bị di chứng hậu Covid-19 tổn thương xơ 1/3 phổi. Sau quá trình điều trị hậu Covid-19 kéo dài nhưng tình trạng phổi của bà vẫn không mấy khả quan.
Sau đó, bà K. tiếp tục đến BV Chợ Rẫy điều trị. Bác sĩ chẩn đoán bà bị xơ phổi, nhiễm trùng phổi, tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng máu. Do bệnh quá nặng nên sau đó bà K. đã qua đời. Người nhà của bà cho biết vì gia đình chủ quan và nghĩ Covid-19 lúc cấp tính không có triệu chứng nặng, không thể mắc hậu Covid-19 nên đã không đưa bà K. đi điều trị sớm.
Bà Bùi M.T. 56 tuổi, trú tại huyện Châu Đốc, An Giang đã khỏi Covid-19 được hai tháng nhưng bà T. vẫn liên tục gặp tình trạng khó thở.
TS BS Vinh khám cho bệnh nhân.
Bà T. đã đến BV kiểm tra hậu Covid-19. Kết quả chụp X-quang cho thấy bà cũng bị xơ phổi hậu Covid, tổn thương xơ phổi nặng hai bên. Tình trạng tổn thương dạng mô kẽ rải rác hai phổi, xơ rải rác hai phổi, dãi phế quản rải rác hai phổi. Bà T. phải điều trị dài ngày và đến nay bà vẫn chưa khỏi.
Bà T. là một trong số nhiều người đang gặp các vấn đề di chứng hậu Covid-19.
Xơ phổi nguy hiểm như thế nào?
Theo TS BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tổn thương xơ phổi là một di chứng hậu Covid-19 "đáng sợ". Quá trình điều trị cũng hết sức khó khăn nên ngay bản thân bác sĩ cũng thấy lo lắng vì đến nay điều trị xơ phổi có thể phục hồi hay không vẫn chưa có câu trả lời.
Tình trạng tiến triển xơ phổi sau Covid-19 phần lớn đều thuộc nhóm người bệnh nặng bị tổn thương phổi, phải thở oxy dòng cao, thở máy trong giai đoạn cấp tính khi điều trị Covid-19 và một số ít người bệnh nhẹ gặp di chứng xơ phổi Covid-19 kéo dài.
Theo BS Vinh, di chứng xơ phổi là do virus SARS-CoV-2 khi xâm nhập cơ thể con người đã tấn công vào quan hô hấp đầu tiên. Trong đó, phổi bị tấn công nhiều nhất. Đến nay, đa số người bệnh Covid-19 tử vong do phổi tổn thương nặng khiến bệnh nhân không thể thở được phải lệ thuộc vào oxy và máy thở. Chính vì vậy, người bị Covid-19 sau khi khỏi bệnh, phổi vẫn bị tổn thương là điều dễ hiểu
Dấu hiệu của tổn thương xơ phổi điển hình đó là người bệnh cảm thấy khó thở, cơ thể thiếu oxy nên cảm giác ngộp thở, đầu chi tím đen… Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng ho khan kéo dài, khó thở khi vận động gắng sức, nặng hơn nữa thì bệnh nhân có thể khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, gây cản trở mọi sinh hoạt đời sống thường ngày.
Đối với những người có dấu hiệu trên, khi đi khám bác sĩ có thể cho chụp X-quang phổi hoặc CT phổi. Nếu có hình ảnh dải xơ, dày các vách liên tiểu thùy, hình ảnh lưới, dãn phế quản co kéo và điển hình nhất là hình ảnh tổ ong thì đó chính là tình trạng tổn thương xơ phổi.
TS Vinh cho biết đến nay bệnh lý xơ phổi hậu nhiễm virus Corona này thực sự là một gánh nặng cho bệnh nhân cũng như cho hệ thống y tế: giảm chất lượng cuộc sống do tình trạng tàn phế, tăng nguy cơ nhập viện, giảm tuổi thọ và tăng chi phí điều trị đáng kể. Trong khi đó, việc điều trị xơ phổi hậu COVID có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm tùy diễn tiến bệnh.
Ngoài các triệu chứng trên, TS Vinh khuyến cáo tất cả những bệnh nhân từng mắc viêm phổi do Covid-19 đều nên khám sàng lọc di chứng phổi hậu Covid-19. Đặc biệt là những bệnh nhân nguy cơ rất cao như: viêm phổi nặng, ARDS, từng thở máy, điều trị ECMO, người lớn tuổi, có bệnh nền phổi từ trước… nên được đánh giá xơ phổi và điều trị sớm để giảm tổn thương cho phổi.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.