Nhiều gia đình phải phó thác hết việc nhà cho người giúp việc (ảnh minh họa) |
Chuyện người giúp việc đã trở thành chủ đề than vãn mỗi khi chị Huyền (ở quận 2, TPHCM) ngồi tám chuyện với chị em trong cơ quan. Vợ chồng chị Huyền có điều kiện, chị lại làm sếp nên không có thời gian để nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Chính vì thế, bao nhiêu năm nay, chị phải phó thác mọi việc nhà cho người giúp việc. Chị giúp việc được cái nhanh lẹ, làm việc nào ra việc nấy. Nhưng nhiều khi lại quá vô duyên.
Có lần, chị vừa mua con cua biển về để bồi dưỡng cho hai con trai. Hai đứa chưa kịp ăn miếng nào, quay đi quay lại đã thấy một đống vỏ trên bàn. Chị giúp việc hồn nhiên: “Người ta ăn giùm cho đó, chứ để không ai ăn, mai nó bốc mùi hôi khắp nhà”. Vụ phơi quần áo của chị giúp việc cũng khiến chị Huyền nhiều phen “đỏ mặt”. Đồ lót của chị ấy toàn màu nổi, xanh xanh đỏ đỏ mà ngày nào chị cũng đem phơi phất phơ ở ban công đón nắng. Hàng xóm đi ngang qua “bụm” miệng cười.
Nhiều lúc chị Huyền quá bức xúc cũng không dám nặng lời. Cứ nghĩ đến việc chị ta dùng dằng nghỉ việc là lại lo lắng. Nếp sống trong nhà chắc chắn sẽ đảo lộn. Biết “giá trị” của mình, chị giúp việc thỉnh thoảng lại thủ thỉ xin…tăng lương.
Mỗi ngày phải vùi mặt vào hàng tá việc không tên, người giúp việc cũng có những áp lực căng thẳng của riêng mình (ảnh minh họa) |
Cũng thuê được một cô giúp việc “xịn” vì khá tháo vát, nhanh nhẹn, vừa đảm việc nhà vừa trông 2 đứa con nhỏ. Nhưng chị Hoa (ở quận 7, TPHCM) nhiều phen đau đầu vì độ “có duyên” của osin. Thực đơn mọi bữa ăn thì hầu như chị Hoa đều không được phép góp ý. Cô giúp việc lúc nào cũng làm theo ý mình. Vì thế, dù là người miền Bắc nhưng cả nhà chị cũng phải tập ăn những món miền Tây đầy đường do osin nấu: “Ăn phải vầy chứ ai lại nêm mỗi muối với mắm, ăn gì kì”.
Ăn thì tập mãi cũng quen, nhưng “khó đỡ” nhất là chuyện gì trong nhà cô giúp việc cũng đem ra “buôn” với osin của mấy chị hàng xóm. Chuyện hai vợ chồng chị cãi nhau, chuyện chị ủi đồ cho chồng làm cháy áo hay chuyện hai vợ chồng chị tránh thai bằng bao cao su…đều được đem “phơi bày” cho hàng xóm. Nhiều lần, chị Hoa nói thẳng với người giúp việc thì chị này cãi: “Chuyện này có gì xấu đâu mà chị không cho em kể”.
Chọn được người giúp việc tốt, ưng ý là điều không dễ dàng. Nhưng mối quan hệ giữa người giúp việc, gia chủ cũng cần phải có sự rõ ràng. Đó là kinh nghiệm xương máu chọn người giúp việc của chị Tường Anh (ở Hà Nội). Theo chị, thuê người giúp việc cũng nên soạn thảo hợp đồng, đưa ra những nguyên tắc nhất định để tránh trường hợp “dở khóc dở cười”. Ông bà ta có câu “mất lòng trước được lòng sau”, thẳng thắn ngay từ đầu chắc chắn sẽ dễ chịu hơn việc phải “ôm cục tức” về sau.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.