Trẻ em rất hay cáu kỉnh, chỉ cần không đáp ứng yêu cầu là chúng dễ dàng khóc lóc, ăn vạ, ném đồ đạc. Bố mẹ hãy khoan cho rằng đó là dấu hiệu của một đứa trẻ hư. Trên thực tế, điều đó chứng tỏ trẻ không kìm nén cảm xúc của mình. Nếu là một đứa trẻ lúc nào cũng lầm lì, không biểu lộ cảm xúc gì, chúng thực sự có vấn đề tâm lý, dễ bị trầm cảm. Vậy khi trẻ mất bình tĩnh, nổi cơn thịnh nộ, bố mẹ cần xử lý như thế nào?
4 sai lầm cần tránh khi xử lý trẻ mất bình tĩnh
- Bố mẹ tránh nói lý lẽ
Việc bố mẹ nói lý lẽ, giải thích, dạy dỗ khi trẻ làm sai là điều nên làm nhưng khi chúng mất bình tĩnh, việc làm này là vô ích. Khi tâm trạng trẻ không tốt, chúng sẽ không nghe thấy gì và không tiếp thu được gì vào đầu. Lúc này, dù bố mẹ có làm gì hay nói gì, trẻ nhất quyết không nghe theo.
- Bố mẹ tránh lạnh nhạt, phớt lờ
Khi trẻ đang buồn và tức giận, nếu bố mẹ phớt lờ, mặc kệ, chúng sẽ nghĩ rằng bố mẹ không quan tâm tới mình nữa. Một khi trẻ cho rằng bố mẹ vô tâm, không yêu thương mình nữa, trẻ sẽ càng không chấp nhận bất cứ điều gì bố mẹ nói. Thậm chí việc phớt lờ này còn để lại bóng đen tâm lý, khiến trẻ ngày càng không muốn nói chuyện với bố mẹ hơn. Một khi tình cảm giữa bố mẹ và con cái không hòa hợp, việc giáo dục sẽ trở nên vô ích.
- Bố mẹ tránh thỏa hiệp
Việc thỏa hiệp với con cái lúc này không mang tính giáo dục. Nếu bố mẹ đồng ý với những yêu cầu của trẻ, chúng sẽ được đà lấn tới, lần sau sẽ tiếp tục áp dụng cách này để đe dọa bố mẹ.
- Bố mẹ tránh mất bình tĩnh
Trong trường hợp này, khi thấy bố mẹ mất bình tĩnh, nóng giận hơn cả mình, trẻ sẽ sợ hãi và không dám làm lớn chuyện nữa. Sự mất bình tĩnh của bố mẹ có thể dẫn tới tình huống dùng đòn roi để dạy dỗ trẻ. Khi áp dụng cách dạy dỗ con cái kiểu này, về cơ bản tưởng như vấn đề đã được giải quyết nhưng nó để lại rất nhiều hệ lụy xấu sau này. Đặc biệt khi trẻ đến tuổi dậy thì, tính tình càng lúc càng khó dạy dỗ.
4 điều nên làm khi xử lý trẻ mất bình tĩnh
- Bố mẹ nên kiên nhẫn đợi trẻ bình tĩnh trở lại
Trong vấn đề giáo dục con cái, mọi thứ nên được nhìn nhận ở góc độ tích cực, đó mới là tình yêu thương thực sự. Khi trẻ nóng nảy, bố mẹ càng cần bình tĩnh hơn và tự nhủ đây là cơ hội tốt để dạy dỗ con mình. Chỉ khi trẻ bình thường trở lại, những lời nói của bố mẹ mới được chúng tiếp nhận.
- Bố mẹ nên chấp nhận cảm xúc của trẻ
Việc bố mẹ thừa nhận cảm xúc của con cái là điều cần thiết, dù trẻ có khóc ồn ào hay cáu giận thì dần dần chúng sẽ nguôi ngoai. Đặc biệt, bố mẹ cần tránh việc ra lệnh như "con nín khóc ngay không". Câu nói này càng khiến trẻ ức chế và khóc to hơn nữa.
Bằng cách thừa nhận cảm xúc của trẻ, chúng sẽ giải tỏa được sự khó chịu trong lòng, từ đó bình tĩnh trở lại.
- Bố mẹ nên ôm trẻ
Sau khi trẻ từ từ bình tĩnh trở lại, bố mẹ nhẹ nhàng hỏi "con đã đỡ hơn chưa", tốt hơn là nên ôm trẻ lúc này. Có thể trẻ sẽ không chấp nhận việc bố mẹ ôm mình lúc này nhưng sự chân thành sẽ khiến trẻ nguôi ngoai nhanh chóng. Tình yêu thương xuất phát từ trái tim, dù trẻ có khó chịu, cáu giận như thế nào, bố mẹ vẫn yêu thương và quan tâm.
- Bố mẹ nên đợi con bình tĩnh mới nói về vấn đề
Khi cảm xúc của trẻ đã lắng dịu, đó mới là thời điểm để bố mẹ nói những điều đúng đắn cho trẻ hiểu. Chỉ có lúc này, những điều bố mẹ nói mới được trẻ tiếp thu vào đầu. Về nguyên tắc, bố mẹ cần cho trẻ biết rằng, chúng được quyền trút bỏ cảm xúc của mình nhưng vẫn cần phải tuân thủ một số nguyên tắc.
Nguồn: QQ, Beisr
https://afamily.vn/khi-tre-noi-con-thinh-no-mat-binh-tinh-bo-me-hay-nho-4-tranh-4-nen-nay-de-xoa-diu-con-minh-20220104145316576.chn
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.