Sự thành công trong sự nghiệp hay giầu có vật chất, rồi cuối cùng cũng là để đến cái đích hạnh phúc. Tuy nhiên hạnh phúc lại là một cảm giác tự thân. Và thật thuyệt vời khi để chạm đến hạnh phúc không phải quá khó khăn.
Bằng các hành động dưới đây, cha mẹ sẽ truyền sang trẻ cảm giác hạnh phúc mỗi ngày:
1. Đừng giật một món đồ từ tay trẻ
Chính bạn cũng không thích bị ai giật cái gì khỏi tay mình. Hãy giải thích cho trẻ hiểu tại sao, tại thời điểm đó, việc đó, cái đó không được làm. Trẻ sẽ hiểu, thậm chí không hiểu hết trẻ cũng sẽ muốn nghe lời nếu được tôn trọng.
2. Ăn sáng và ăn tối cùng nhau ở nhà
Các nhà khoa học đã kết luận rằng trong những gia đình thường xuyên dùng cơm cùng nhau, tỷ lệ trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên bị trầm cảm và có suy nghĩ tự sát thấp. Trẻ thường xuyên ăn cùng gia đình có quan điểm tích cực hơn về cuộc sống so với trẻ không ăn tối với gia đình. Bữa ăn là một cơ hội tuyệt vời để bạn gần gũi với con hơn. Lúc đó, bạn sẽ có cơ hội để trò chuyện, hỏi thăm việc học hay bạn bè ở trường, giải đáp những thắc mắc của trẻ trong cuộc sống hay những điều trẻ mới gặp phải. Tuy nhiên, bạn đừng quên tắt tivi nhé, vì tivi có thể làm xao nhãng việc ăn của trẻ.
3. Biến những công việc nhàm chán nhất trở nên thú vị
Tại sao mẹ không biến những nhiệm vụ nhàm chán như dọn dẹp đống đồ chơi thành một trò chơi? Bạn sẽ không chỉ giành điểm trong mắt con như là một người mẹ thú vị, mà con còn sẽ rất nhiệt tình tham gia giúp mẹ nữa. Hơn thế, bạn cũng đang dạy cho chúng hiểu rằng ngay cả những điều đơn giản nhất trong cuộc sống cũng có thể khiến ta vui vẻ.
4. Có ít nhất một hoạt động thể chất trong ngày
Các bác sĩ khuyên rằng, phải luôn cân bằng giữa hoạt động tinh thần và thể chất. Cho trẻ làm quen với các hoạt động thể dục, thể thao từ nhỏ là điều rất cần thiết. Chơi một môn thể thao sẽ trở thành thói quen của một đứa trẻ mạnh khỏe và sau đó trở thành một sở thích. Mẹ cũng có thể lồng ghép các hoạt động thể thao vào ứng dụng trong cuộc sống, dạy trẻ tự bảo vệ bản thân khi gặp người lạ, nhằm giup` trẻ hứng thú hơn.
5. Có ít đồ chơi
Nhiều tất cả các thứ rồi chính bạn không quản lý được chứ đừng nói đến trẻ. Đắt hay rẻ thì cuối ngày tất cả bỏ hết vào một thùng lộn xộn chẳng đồ nào còn đủ bộ. Hãy mua cho bé một cái giá thấp 3 tầng, mỗi tầng để một đồ dùng học tập, mỗi đồ dùng một kỹ năng khác nhau. Sau một tuần, để bé tự chọn rồi đổi 3 đồ dùng khác. Bé chỉ cần có thế và cũng chỉ có thể quản lý được ngần đó để học cách giữ gìn và tôn trọng những gì mình.
Việc có ít đồ chơi sẽ giúp trẻ tự khám phá bản thân cũng như phát triển trí sáng tạo nhiều hơn. Trẻ em có khả năng tuyệt vời trong việc tự tạo ra niềm vui từ bất kỳ thứ gì có trong tay, vì vậy khi có thừa thãi đồ chơi sẽ làm giảm khả năng sáng tạo của con. Thỉnh thoảng tặng trẻ 1 món đồ chơi mới sẽ là cách giúp con biết trân trọng món quà hơn.
6. Giúp trẻ đối phó với suy nghĩ tiêu cực
Trẻ không được sinh ra với khả năng kiểm soát cảm xúc của mình. Chúng cần bố mẹ giúp đỡ để học cách làm được điều đó. Hãy cố gắng giúp con hiểu được cảm xúc của mình và dạy trẻ nói ra điều trẻ muốn. Chỉ cho trẻ một cách đơn giản để đối phó với cảm xúc tiêu cực: Con cần dừng lại một giây, hít một hơi thật sâu bằng mũi, thở ra qua miệng và đếm đến 5. Nhờ vậy, trong tương lai, trẻ sẽ ít có những cơn tức giận, ghen tỵ và cảm xúc tiêu cực khác. Đó là tiền đề để một đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc.
Theo giadinh.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.