Cait Flanders là một cây bút 29 tuổi. Cô là tác giả quyển sách The Year of Less, nói về 1 năm cô không cho phép bản thân mua sắm bất kì thứ gì cả. Sau 1 năm đó, Cait cho biết, cô đã được nhiều hơn mất và đó là những thứ khiến cô rất bất ngờ. Cô chia sẻ:
Thói quen chi tiêu của tôi có thể nói là hơi bốc đồng. Kể từ khi tôi có tấm thẻ tín dụng đầu tiên, tôi đã xem nó như tài khoản ngân hàng thứ hai của mình vậy. Tôi sử dụng thu nhập hàng tháng để chi trả cho những thứ như tiền thuê nhà, hóa đơn điện, nước, thực phẩm… Nhưng tiền luôn chạy sạch khỏi ví trước khi đến kì lương tiếp theo, vì thế tôi phải sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm cho đến khi nhận được lương.
Cait Flanders (Ảnh: Internet) |
Sau nhiều năm, tôi bắt đầu trở thành một con nợ. Số dư ít ỏi trên thẻ tín dụng luôn khiến tôi cảm thấy khó chịu, vì thế khi các ngân hàng tăng hạn mức cho thẻ, tôi rất biết ơn. Nhưng rồi tôi tiếp tục chi xài nhiều và nhiều hơn, cuối cùng đến mức tôi phải xoay xở rất khó khăn mới đủ khả năng chi trả số tiền tối thiểu mà ngân hàng yêu cầu. Vậy là tôi quyết định lên kế hoạch trả 30.000 đôla Canada trong 2 năm và khi đã chi trả xong, tôi mới quay trở lại chi tiêu bình thường.
Ban đầu, nó dường như vô hại nhưng sau 2 năm sống quỹ tiền eo hẹp, tôi cảm thấy mình có thể thoải mái đồng ý với những thứ nhỏ nhặt một cách thường xuyên hơn. Đi uống cà phê, ăn trưa, ăn tối, du lịch trong ngày, du lịch cuối tuần, những kỳ nghỉ. Và vâng, tôi còn mua sắm thường xuyên hơn nữa. Tôi không khẳng định mình là một “shopaholic” (kẻ cuồng mua sắm), cũng không phải mua những vật dụng cần thiết cho gia đình, tôi có thói quen mua sắm rất bốc đồng, dựa trên cảm xúc mà mãi sau này tôi mới nhận ra.
Đó là thời gian tôi dành phần lớn thu nhập của mình để mua sắm (khoảng 90 đến 95% thu nhập) và tôi không có được cảm giác mình sắp đến được mục tiêu tài chính của mình. Đó là lúc tôi biết mình phải sống theo một cách khác và tôi quyết định không được mua sắm gì cả trong vòng 1 năm.
Quyển sách của Cait đã xuất bản. (Ảnh: Internet) |
Các nguyên tắc tôi đặt ra cũng đơn giản thôi. Trong 1 năm, tôi chỉ được mua hàng tiêu dùng - những thứ tôi sử dụng mỗi ngày, mỗi tuần như thực phẩm, vệ sinh cá nhân, nhiên liệu cho xe. Danh sách tôi không còn được mua nữa bao gồm: quần áo, giày dép, phụ kiện, tạp chí, đồ điện tử, đồ nội thất và những thứ khác cho ngôi nhà. Tôi quyết định sẽ không mua cà phê ngoài của hàng trong 1 năm vì tôi không còn thấy nó ngon khi biết mỗi tháng mình phải chi 100 đô la cho nó.
Thực tế, tôi đã thành công với tối hậu thư tôi tự dành cho mình. Cuối năm đó, tôi tính toán mình đã sống trên 51% thu nhập của mình (khoảng 28.000 đô la), tiết kiệm được 31% thu nhập (khoảng 17.000 đô la) và dành 18% để đi du lịch (khoảng 10.000 đô la).
Hơn hết, tôi nhận ra rằng cách mua sắm của mình rất bốc đồng, nó bị kiểm soát bởi cảm xúc của tôi. Tôi bị thu hút bởi những món giảm giá, nó khiến tôi lo sợ sẽ chẳng bao giờ mua được với giá hời như thế nên đã mua mà không nghĩ nó có thực sự cần thiết hay không. Nhưng quan trọng hơn hết, sau 1 năm đó, tôi biết mình phải nói “có” với nhu cầu của bản thân một cách sáng suốt cũng như nhận ra điều tôi thực sự muốn trong cuộc sống.
Với những món tôi muốn, tôi phải tích lũy tiền để có được nó chứ không phải vay mượn để mua. Tôi nhận ra điều quan trọng với mình là phải dành nhiều thời gian cho gia đình, đi đến những nơi mình mơ ước và phải có một khoản tiền tiết kiệm. Trước đó, tôi chưa bao giờ tiết kiệm được 2.000 USD nên tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái với tình hình tài chính của mình. Bất kể tình huống khẩn cấp nào trong cuộc sống cũng sẽ khiến khoản tiền đó sạch veo.
Đến cuối năm đó, tôi đã có đủ tiền để nghỉ việc và bắt đầu một công việc tự do, du lịch hơn 10 thành phố và ít nhất, có nhiều chuyến đi thăm gia đình. Tôi sẽ không bao giờ làm được điều này nếu tiếp tục chi tiêu từng xu mà tôi kiếm được.
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.