Inner child là gì?
Inner child – "đứa trẻ bên trong" là cách nói ẩn dụ cho một phần tâm trí của mỗi người. Inner child là nơi lưu giữ những ký ức, những trải nghiệm, và những cảm xúc chúng ta đã trải qua trong thời thơ ấu đến trước tuổi dậy thì.
Những trải nghiệm đã diễn ra trong thời thơ ấu, cách mỗi người được nuôi dưỡng và lớn lên chính là một trong những viên gạch tạo nên nhận thức, cách suy nghĩ, cá tính và bản ngã của con người trong hiện tại.
"Đứa trẻ bên trong" mỗi chúng ta vẫn luôn ở đó, có thể vui tươi hồn nhiên hạnh phúc, hay thường đau buồn mặc cảm với những tổn thương và vẫn chờ đợi để được xoa dịu hoặc chữa lành.
Inner child ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hiện tại?
Mọi trẻ em từ 2-7 tuổi đều có xu hướng xem mình là trung tâm (egocentric). Ở độ tuổi này, trẻ chưa có khả năng tự nhìn nhận và đánh giá tình huống từ quan điểm và cảm xúc của người khác. Trẻ tự cho rằng tất cả những gì diễn ra xung quanh mình đều liên quan đến mình, có thể là do mình hoặc vì mình.
Chẳng hạn: Một người cha mỗi ngày đi làm về đều gặp con trong tâm trạng bực tức, giận dữ và bức bối. Tất cả những năng lượng tiêu cực đó được gắn chặt trong mối quan hệ cha con. Người cha không thể vui vẻ và thoải mái chơi đùa cùng con. Đứa con luôn có cảm giác dè chừng, rụt rè vì không muốn làm cha mình nổi giận.
Lí do thực sự làm cho người cha này mỏi mệt có thể vì áp lực công việc, lí do kinh tế, vì sếp hay đồng nghiệp không hợp tác… Nhưng đứa con chưa thể hiểu được những điều diễn ra ở xã hội bên ngoài, mà chỉ đơn giản nghĩ rằng: "Cha không yêu quý mình nhiều. Mình không phải là một đứa trẻ đáng được yêu thương. Cha bực tức mỗi khi cha nhìn thấy mình",...
Khi tình trạng này diễn ra liên tục và quá lâu, suy nghĩ đó sẽ ăn sâu vào tiềm thức, và hình thành nên cách đứa trẻ đó nhận định và hành xử với các mối quan hệ khi thưởng thành.
Nếu người yêu hoặc bạn đời của trẻ bày tỏ thái độ tiêu cực mỗi khi gặp gỡ, mà nguyên nhân có thể do stress từ công việc bên ngoài, thì tiềm thức và những ký ức tuổi thơ – inner child – vẫn vọng lên tiếng nói rằng: "Họ giận dữ hoặc chán chường như vậy là vì họ không yêu mình nữa. Do mình không đáng được yêu thương. Họ có thể bỏ mình đi nếu họ gặp mình và luôn cảm thấy thất vọng".
Trẻ nghe và tiếp nhận mọi lời nói và hành động của người lớn về bản thân chúng. Người lớn đối xử như thế nào, thì trẻ sẽ tự đúc kết và đặt ra giá trị của bản thân ở mức đó. Khi lớn lên cùng những trải nghiệm đau đớn, những tổn thương kéo dài suốt thời thơ ấu như bị xâm hại, bị bỏ rơi và bị bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần, trẻ nghĩ rằng cách đối xử như vậy là điều bình thường trong cuộc đời. Hoặc trẻ cho rằng mình phải chịu đựng những việc đó vì đáng bị như vậy.
Đặc biệt, những tổn thương tâm lý vì bị bỏ rơi hay bạo hành về mặt tinh thần rất khó nhận biết, nhất là khi trẻ không có được một sự so sánh hay trải nghiệm khác biệt nào khác. Chỉ đến tận khi lớn lên, có được trải nghiệm tốt đẹp hơn về tình cảm gia đình, tình thương yêu của bố mẹ (chồng/vợ/người yêu) thì trẻ mới nhận ra mình từng bị tổn thương như nào trong quá khứ.
Dù đã trưởng thành, "inner child" vẫn đóng vai trò là một lăng kính phản chiếu cách hành xử và phản ứng của mỗi người – tích cực hay tiêu cực. Khi "inner child" trong một cá nhân bị tổn thương và tổn hại quá nhiều, người đó thường gặp những vấn đề sức khoẻ và tâm lý như: chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, hoặc lạm dụng các chất gây nghiện và chất kích thích.
Kết nối với inner child và chữa lành những tổn thương quá khứ như nào?
Khi nhận ra bản thân có một "đứa trẻ bên trong" cần được xoa dịu hoặc chữa lành thì bạn đã đi được 50% đoạn đường. Nếu "đứa trẻ bên trong" bạn bị tổn thương quá sâu sắc, hãy tìm đến các chuyên gia trị liệu tâm lý để được chữa trị và giải toả. Khi đó, chất lượng cuộc sống hiện tại và tương lai của bạn sẽ được củng cố và trở nên tích cực hơn. Việc nuôi dạy con cái cũng tích cực và vui vẻ hơn.
Nếu bạn cho rằng bản thân những tổn thưởng vẫn nằm ở mức độ kiểm soát được thì hãy tự mình kết nối với "inner child" để chăm sóc, yêu thương, xoa dịu và vỗ về.
Dưới đây là một vài gợi ý để bạn có thể tự kết nối với "inner child":
- Giữ một tâm tưởng rộng mở và thoải mái hơn để đón nhận mọi người và mọi việc
- Dành thời gian quan sát và hết lòng chơi đùa cùng những đứa trẻ thật sự.
- Đối diện thẳng thắn với những kí ức thơ ấu.
- Nói chuyện hoặc viết thư, giãy bày cùng "inner child"
- Dành thời gian làm những việc bạn thật sự yêu thích và cảm thấy hạnh phúc.
Nếu bạn có một tuổi thơ với ít nhiều tổn thương theo bất cứ hình thức nào, hãy cho phép bản thân đối mặt, tha thứ hoặc gạt hẳn ra những nỗi đau đó nếu có thể. Hãy tự mình trở thành cha mẹ tích cực của chính "inner child", dành mọi nỗ lực thương yêu, trân trọng và chữa lành cho đứa trẻ đó. Từ đó rút kinh nghiệm để sống hạnh phúc và nuôi dạy con đúng cách.
Tú Anh Nguyễn là mẹ của hai bé gái. Năm 2020, chị trở thành một Parent Coach – Tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp với chứng chỉ từ Academy for Coaching Parents International (ACPI); đồng thời là Certified Positive Discipline Parent Educator – Chuyên viên đào tạo phụ huynh về dạy con tích cực với chứng chỉ được cấp bởi tổ chức Positive Discipline Association.
Với mục tiêu không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực làm cha mẹ, chị đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học. Với định hướng tự tin nuôi dạy con bằng sự tôn trọng và tình yêu thương, Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Tú Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/khong-phai-con-ca-hay-con-ut-day-moi-chinh-la-dua-con-ma-cha-me-phai-dac-biet-quan-tam-162202909143857364.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.