Không phải lau mát, đây mới là việc mẹ cần làm khi phát hiện con bị sốt theo khuyến cáo của bác sĩ Nhi

Ngay khi sờ thấy trán con âm ấm - biểu hiện cho thấy có thể trẻ bị sốt, các mẹ thường hay nghĩ đến việc đầu tiên là lấy khăn lau mát cho trẻ.

Trong tình trạng dịch bệnh do virus corona như hiện nay, nhiều bố mẹ thấy con bị sốt nhưng ngại đưa bé đi khám vì sợ lây lan. Tuy nhiên, sốt ở trẻ nhỏ có thể là biểu hiện của nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau nên dưới đây, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang đã cung cấp cho các bố mẹ những thông tin căn bản về triệu chứng này ở trẻ nhỏ và việc cần làm khi thấy con bị sốt.

Sốt là cách cơ thể nâng nhiệt độ lên, để làm bất hoạt hoặc giảm quá trình nhân lên của vi sinh vật, tạo điều kiện cho các tế bào bạch cầu đến vây bắt tiêu diệt hay thải ra ngoài. Vậy nên hiểu sốt là cách cơ thể phản ứng với tác nhân bên ngoài chứ không phải vi sinh vật xâm nhập và khiến cơ thể ta sốt.

Nhiễm vi khuẩn sẽ sốt. Nhiễm siêu vi sẽ sốt. Một mảnh dăm nhỏ đâm vào tay nếu không lấy ra cũng gây sốt. Vậy suy cho cùng thì sốt là một biểu hiện chung chung cho nhiều tình trạng. Cần phải được thăm khám và kiểm tra.

Định nghĩa: Sốt là khi đo nhiệt độ hậu môn hoặc tai ≥ 38 độ C hoặc nhiệt độ kẹp nách ≥ 37.5 độ C (Lưu ý là chỉ dùng kẹp nhiệt kế đút hậu môn, kẹp nách, KHÔNG KHUYẾN CÁO LOẠI ĐO BẰNG TIA HỒNG NGOẠI).

Không phải lau mát, đây mới là việc mẹ cần làm khi phát hiện con bị sốt theo khuyến cáo của bác sĩ Nhi - Ảnh 1.
 

Làm gì khi phát hiện bé sốt?

- Bất kỳ bé dưới 3 tháng tuổi có sốt là PHẢI ĐI KHÁM NGAY! Vì giai đoạn này, tỷ lệ sốt nhiễm trùng lên tới 80-85%, thậm chí sốt có thể là biểu hiện đầu tiên của viêm màng não.

- Bé từ 3 tháng tuổi trở lên thì hãy chú ý bé có những dấu hiệu như bỏ bú, li bì, bứt rứt, thở mệt… hoặc bố mẹ cảm thấy có vấn đề không ổn thì đưa con đi khám ngay.

Nếu bé chỉ đơn thuần sốt ≥ 38 độ C mà vẫn ăn ngủ, chơi và bú bình thường… nhưng trong đêm thì có thể trì hoãn tới sáng và đưa đi khám. Thực chất việc đi khám là để xác định rằng con sốt do siêu vi hay nhiễm trùng. Nếu siêu vi thì dặn dò theo dõi. Nếu nhiễm trùng thì cân nhắc kháng sinh. Đó là quyết định của bác sĩ khám trực tiếp cho bé. Không nên tư vấn online hay tư vấn qua các mẹ khác.

Những lưu ý liên quan đến hiện tượng trẻ bị sốt

- Sốt gây mất nước nên hãy cho con uống thêm nước, bú thêm sữa… trong thời gian con sốt.

- Tất cả những đứa trẻ sốt cần được thăm khám ít nhất 1 lần bởi bác sĩ Nhi khoa.

Có những bé viêm màng não mủ luôn nhưng chỉ sốt nhẹ 37.5 độ C. Nhưng đó là lần mẹ cảm thấy bé bú ít hơn, ít chơi hơn nên linh cảm không ổn và mang bé đi khám. Kết quả xét nghiệm ra là con viêm màng não mủ, chích kháng sinh 14 ngày nhưng cũng may là người mẹ linh cảm đúng.

Không phải lau mát, đây mới là việc mẹ cần làm khi phát hiện con bị sốt theo khuyến cáo của bác sĩ Nhi - Ảnh 3.

Nên uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát cho trẻ khi bị sốt (Ảnh minh họa).

Có những bé nhiễm siêu vi sốt rất cao, hầu như sốt cao liên tục, nhưng bé vẫn vui vẻ, chơi tốt, hầu như sốt chỉ làm bé hơi đừ tí xíu, ngoài ra hoàn toàn bình thường. Những trường hợp như vậy thường mình sẽ giải thích không dùng kháng sinh, chỉ theo dõi vì nhiễm siêu vi sau 5-7 ngày sẽ giảm đi.

Có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng việc sốt cao hay thấp không liên quan đến tần suất co giật do sốt. Sốt cao co giật liên quan nhiều yếu tố từ thần kinh chưa hoàn thiện của bé cho đến di truyền. Co giật do sốt hay xảy ra vào 24 tiếng sau khi khởi phát sốt và tần suất thường gặp ở trẻ 12 – 18 tháng tuổi. 30% trẻ co giật do sốt sẽ bị co giật tái phát lần sau.

Hạ sốt đúng cách cho trẻ nhỏ

- Nếu thấy bé sốt nhẹ 38 - 38.5 độ C nhưng hoàn toàn ngủ ngon, không vấn đề gì thì cứ để bé ngủ, mặc áo quần mỏng nhất có thể để cơ thể con tự cân bằng mọi thứ.

- Nếu thấy bé sốt nhẹ 38 - 38.5 độ C nhưng hoàn toàn chơi giỏi thì có thể cho bú thêm sữa, uống thêm nước điện giải, nước lọc… và mặc quần áo thoáng mát.

- Nếu nhiệt độ nách >38.5 độ C thì bắt đầu hạ sốt bằng Paracetamol hay Ibuprofen:

1. Paracetamol: 10-15mg/kg/lần – mỗi 4-6 tiếng một lần (không quá 4 lần/ngày).

2. Ibuprofen 10mg/kg/lần – (không quá 4 lần/ngày).

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo chỉ nên dùng một loại thuốc hạ sốt. Việc dùng xen kẽ không hạ sốt tốt hơn nhưng tăng nguy cơ ngộ độc do thuốc hạ sốt.

Không lau mát cho trẻ nhỏ khi bị sốt

Các nghiên cứu hiện nay đều chứng minh rằng việc lau mát không giúp giảm nhiệt độ mà còn tăng sự khó chịu cho bé. Điều quan trọng nhất của bé khi sốt là NGHỈ NGƠI nhưng nhiều bố mẹ cứ đè bé ra lau rồi bé quấy khó chịu. Nếu bé sốt nhưng ngủ ngon nghĩa là bé vẫn chịu đựng được và hãy để bé nghỉ ngơi. Nếu thấy nhiệt độ cơ thể trẻ tăng cao quá có thể nhét hậu môn cho bé 1 liều thuốc hạ sốt Paracetamol rồi cân nhắc đưa đi khám.

Không phải lau mát, đây mới là việc mẹ cần làm khi phát hiện con bị sốt theo khuyến cáo của bác sĩ Nhi - Ảnh 5.

Hiện nay, các chuyên gia không khuyến cáo việc lau mát khi trẻ bị sốt (Ảnh minh họa).

Lau mát kết hợp với dùng thuốc cho phép hạ thân nhiệt tốt trong 15 phút nhưng lại tỏ ra kém hiệu quả trong kiểm soát sốt tại thời điểm 120 phút, thậm chí nó làm tăng nhiệt độ cơ thể trẻ cao hơn việc chỉ dùng thuốc.

Nếu bé sốt trong đêm, phải làm gì?

- Đầu tiên, phải xem con thực sự sốt hay không? Dùng đúng kẹp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn.

- Nếu con dưới 3 tháng tuổi: Đưa con đi khám ngay.

- Nếu con trên 3 tháng tuổi nhưng bỏ bú, li bì, bứt rứt, thở mệt hay không ổn: Cũng cần đưa con đi khám ngay.

- Nếu con trên 3 tháng và ngủ ngon: Không làm gì cả.

- Nếu con sốt >38.5 độ C + hoàn toàn ăn bú bình thường: Cho con dùng 1 liều hạ sốt, uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng, sáng mai đi khám.

- Nếu con sốt >39 độ C: Cho con dùng 1 liều hạ sốt, uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng. Đo lại sau 30 phút, nếu không tăng hơn hoặc giảm và ngủ ngon thì mai đi khám, nếu thân nhiệt tăng cao hơn hãy đưa con đi khám ngay.

Các mẹ lưu ý nên đưa trẻ đi khám ngay bất kỳ khi nào cảm thấy con không ổn, dù sốt cao hay không.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang – Bác sĩ Nội trú Huyết học - Đại học Y dược TP.HCM là bác sĩ khá nổi tiếng trong ngành Nhi khoa, được nhiều người gọi với biệt danh "bác sĩ yêu trẻ con". Bác sĩ Sang thường chia sẻ nhiều phương pháp điều trị bệnh cho trẻ khoa học, đơn giản và dễ hiểu. Ngoài ra, trên trang cá nhân, bác sĩ cũng hay đăng tải các bài viết, thông tin về sai lầm khi chăm con nhiều bố mẹ mắc phải.

 

Link bài gốc: http://ttvn.toquoc.vn/nuoi-day-con/khong-phai-lau-mat-day-moi-la-viec-me-can-lam-khi-phat-hien-con-bi-sot-theo-khuyen-cao-cua-bac-si-nhi-22202072192956445.htm

Theo Trí thức trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang