Không trao vàng ngày cưới: Mẹ chồng quá đáng hay con dâu so đo?

Cô gái ấm ức khi nhà trai không tặng vàng để chị dâu đỡ tủi thân. Đây là những vết rạn đầu tiên trong quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn rất nhạy cảm.

Cha mẹ trao con vàng ngày cưới như đặt nền móng cho tương lai sung túc, đủ đầy sau này. Món quà vừa mang giá trị vật chất, vừa nặng về tinh thần.

Nhưng đôi khi, rạn nứt gia đình cũng manh nha từ việc tặng hay không tặng và tặng nhiều hay ít. Như thường lệ, chuyện tiền bạc rất dễ tổn thương tình cảm.

Khong trao vang ngay cuoi: Me chong qua dang hay con dau so do? hinh anh 1

Tặng vàng ngày cưới được coi là lời chúc phúc cha mẹ gửi tới đôi vợ chồng mới. Ảnh minh họa.

Muốn được tặng vàng, vợ chồng tự mua

Cận kề ngày cưới, cô gái trẻ L.H. lên mạng than phiền về chuyện mẹ chồng quyết định không tặng vàng, dù gia đình có điều kiện. Lý do được đưa ra là hồi trước, bà không trao vàng cho vợ chồng anh trai nên giờ nếu tặng con dâu mới, người chị dâu sẽ tủi thân.

"Nếu muốn đẹp mặt, chồng em tự mua vàng để mẹ cho em hôm đó”, cô dâu mới cay đắng thuật lại lời mẹ chồng tương lai.

L.H. nói thêm cô không ham hố mấy chỉ vàng, chỉ là muốn mẹ chồng cho chút ít làm may và mọi người bên nhà mình mát mặt hơn.

Tình huống này dễ dàng nhận được sự đồng cảm từ đa phần chị em đang làm dâu, bởi nó động chạm đến nhiều người, câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu cũng luôn là vấn đề nhạy cảm.

Khong trao vang ngay cuoi: Me chong qua dang hay con dau so do? hinh anh 2

Câu chuyện của chị L.H. Ảnh chụp màn hình.

Một số người cho rằng dù ít dù nhiều, mẹ chồng cũng nên trao cái gì đó cho cô dâu. Nó thể hiện sự coi trọng thành viên mới trong gia đình cũng như tôn trọng gia đình nhà gái.

Với họ, lý do "sợ chị dâu tủi thân" không thể chấp nhận. Bà Thu Hường (58 tuổi, Hà Nội) khẳng định cũng là mẹ chồng nhưng bà không đồng tình với bà mẹ trong câu chuyện của chị L.H.

Mỗi thời mỗi khác, cách hành xử cũng biến đổi theo xu hướng xã hội, không lẽ chỉ vì ngày trước về làm dâu, bà không được tặng vàng nên khi hai con trai hỏi vợ, bà cũng bỏ luôn để tránh bản thân thiệt thòi.

"Làm như vậy mất mặt cả gia đình chứ không riêng gì con dâu và nhà gái. Nếu lo con dâu khác tủi thân, tôi có thể bù đắp cho con bằng cái khác, không nhất thiết cứ phải chị sao em vậy", bà Hường nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy ấm ức thay cô dâu mới. Nhiều người cảm thấy bà mẹ chồng có lý khi không tặng vàng để đảm bảo công bằng giữa các nàng dâu vì mối quan hệ chị em dâu khá nhạy cảm.

Chị Bùi Vui (26 tuổi, kế toán tại Bình Dương) cho rằng cô con dâu quá so đo. Bà mẹ chồng đã giải thích rõ ràng và quả thực, nếu cảm thấy vàng ảnh hưởng đến thể diện, vợ chồng cô dâu có thể mua vàng nhờ mẹ trao, đằng nào số vàng đó cũng thuộc về họ.

Là người đã lập gia đình, chị hiểu việc chuẩn bị cho một đám cưới vất vả đến mức nào và mẹ chồng là một trong những người phải lo lắng nhiều thứ nhất. Do đó, nếu bảo vợ chồng mới tự chuẩn bị vàng thì cũng không có gì quá đáng.

Ngoài ra, nhà có hai con dâu, bà mẹ nhiều lúc rơi vào tình huống khó xử khi đứng giữa họ. Nếu cảm thấy số vàng đó cũng không nhiều nhặn, con cái có thể tự mua thay vì tính toán, tủi thân.

"Nếu biết đặt mình vào vị trí của mẹ chồng hay chị dâu, chắc chắn cô này sẽ bớt so đo", chị Vui nêu quan điểm.

Mải tính toán, bỏ quên tình cảm

Nhiều người không phán xét đúng sai trong việc tặng vàng hay không, họ chỉ cảm thấy buồn khi chỉ vì chút chuyện nhỏ, cô dâu mới đã ấm ức về mẹ chồng.

Theo họ, quan trọng là cách hai người sống với nhau, đừng để những chuyện nhỏ ảnh hưởng tới tình cảm gia đình.

Khong trao vang ngay cuoi: Me chong qua dang hay con dau so do? hinh anh 3

Chuyện giữ tiền, vàng mừng cưới cũng khiến nhiều mẹ chồng - nàng dâu mâu thuẫn. Ảnh minh họa.

Nhiều người dễ tính an ủi L.H., mong cô dâu mới nghĩ thoáng hơn, đừng để lại khúc mắc trong lòng dẫn đến mất vui trước ngày trọng đại. Nhưng không ít người cảm thấy không hài lòng khi cô gái đưa những bất mãn với mẹ chồng lên mạng.

"Cho dù đầu bài đăng, L.H. hỏi liệu mình nghĩ thế có ích kỷ không nhưng về cơ bản, đọc bài viết, tôi thấy cô này đang nói xấu mẹ chồng", chị Minh Tâm (35 tuổi, Hà Nam) nhận xét.

Chị nói thêm đây không phải lần đầu tiên câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu được đưa lên mạng để người không quen biết phán xét, phân xử. Những mâu thuẫn liên quan đến tiền, vàng mừng cưới cũng không hiếm.

Theo chị, việc này ngoài giúp xả cơn tức ra, chả có tác dụng gì hết. Không những thế, mạng xã hội là môi trường mở, bất cứ ai cũng có thể đọc câu chuyện chia sẻ công khai, biết được người đang kể chuyện là ai dù người đó dùng tài khoản ảo.

"Sẽ ra sao nếu bà mẹ chồng đọc được tâm sự của con dâu mới về chuyện tặng vàng? Bà ấy sẽ thấu hiểu và thay đổi cách nghĩ hay ngay lập tức cảm thấy không hai lòng về cô dâu chưa vào cửa", chị Tâm đặt câu hỏi.

Giống chị Minh Tâm, Thúy Hà (24 tuổi) không đồng tình với việc lôi chuyện tiền bạc giữa mẹ chồng - nàng dâu lên mạng xã hội.

Không chỉ riêng việc không được tặng vàng vì sợ chị dâu tủi như chuyện chị L.H. kể, nhiều người về làm dâu còn so đo việc ai sẽ giữ tiền, vàng được tặng trong lễ cưới.

Các cô con dâu khẳng định không đưa vàng cho mẹ chồng giữ vì sợ khó lấy lại. Thay vào đó, họ gửi nhờ nhà mẹ ruột. Tương tự, không ít bà mẹ chồng kiên quyết không cho con dâu giữ tiền và lo sợ dâu đưa tiền về cho nhà mẹ đẻ.

"Vẫn biết mẹ chồng và con dâu khó có thể thân thiết như mẹ con ruột, song ai cũng giữ tâm lý dè chừng, nghi kỵ nhau thì tình cảm gia đình không thể bền chặt được", chị Phương Mai (30 tuổi, Đà Nẵng) chia sẻ.

Với chị, về làm dâu tức là từng bước dung nhập vào gia đình mới, phải tự coi mình là thành viên trong gia đình, học cách xóa dần ranh giới nhà chồng - nhà mình. Quan trọng, hai bên chủ động thấu hiểu, san sẻ với nhau, đừng quá so đo chuyện tiền bạc.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang