Dẫu biết rằng khi có con thứ 2, mọi sự quan tâm thường được dành cho thành viên bé bỏng nhất, thế nhưng tâm lý của con đầu cũng cần phải được chú ý. Trước, trong và sau khi gia đình có thêm thành viên mới, tâm lý và tính cách của con đầu sẽ có những thay đổi nhất định, tùy thuộc vào cách bố mẹ ứng xử.
Chị Hòa (sống tại Hà Nội) vừa sinh em bé thứ 2 được 5 ngày. Trước khi đi sinh, trong lòng chị luôn đau đáu về cô con gái lớn là Chíp 5 tuổi. Bình thường, con hay ngủ cùng bố mẹ, nhưng trước khi đón bé thứ 2 ở viện về, bà ngoại đã cẩn thận dặn dò cho bé ra phòng riêng để mẹ và em bé mới sinh có không gian nghỉ ngơi.
Bà và mọi người sợ con đang tuổi nghịch ngợm, hay hát hò sẽ làm cho em tỉnh giấc. Hơn nữa, chiếc giường khá chật chội nên cả nhà nằm ở đó sẽ không được thoải mái. Thế nhưng, Chíp có vẻ không muốn phải ngủ riêng, bé nhất quyết năn nỉ xin ngủ cùng ba mẹ. Bà ngoại và mọi người trong nhà đều không đồng ý, ép con phải sang phòng mới ngay khi mẹ và em bé từ viện về.
Tới ngày đón em bé về, trong khi mọi người hân hoan thì Chíp lại tỏ ra không mấy vui thích. Trong lòng con cho rằng sự xuất hiện của em đã chiếm hữu bố mẹ của mình. Sau khi nghe mọi người kể lại, chị Hòa cười và đưa ra quyết định của mình.
"Con sẽ để Chíp ngủ cùng cả gia đình. Chắc chắn không thể tránh khỏi những lúc con nghịch ngợm, hét hò hay nhiều tình huống khác, nhưng con sẽ có nhiều tình cảm với bố mẹ cũng như em bé hơn. Chíp vẫn sẽ ngủ cùng mẹ, nằm cạnh mẹ và được mẹ xoa lưng mỗi tối. Khi nào mẹ bận em, mẹ mong Chíp sẽ chờ đợi mẹ, hoặc ru em bé nín trong khi mẹ đang bận", chị Hòa nói.
Nghe mẹ nói vậy, Chíp vui vẻ trở lại. Cô bé cảm thấy rất hạnh phúc và nghĩ rằng mẹ vẫn luôn yêu thương mình. Mọi người trong gia đình dù lo lắng nhưng cũng đồng ý với quyết định của chị Hòa. Quả nhiên, Chip càng ngày càng ra dáng cô chị cả, yêu thương em trai mình nhiều hơn.
Trong gia đình có nhiều anh chị em, cha mẹ nên áp dụng một số nguyên tắc sau để các con luôn hòa thuận, yêu thương nhau.
1. Không nên để con lớn ngủ một mình
Sau khi sinh con thứ 2, chúng ta sẽ có vô vàn lý do để cho đứa lớn ra ngủ riêng như là giường chật quá, sợ con đè vào em hay là sợ em quấy làm phiền con… Thế nhưng chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của con mà cảm nhận. Tại sao vừa có em, tình yêu của bố mẹ dành cho mình lại bị bớt xén đi, đến cả chỗ ngủ cũng bị chiếm mất? Do đó, các cha mẹ có thể nghĩ đến việc cho con ngủ riêng từ trước khi có em, hoặc là 1 đứa ngủ với bố 1 đứa ngủ với mẹ còn không thì cả nhà nằm chung 1 giường cũng không sao.
2. Không được mang 2 con ra so sánh
Mỗi đứa trẻ đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng, bố mẹ nên là người giúp con phát huy ưu điểm thay vì nói "sao chị học giỏi mà con dốt thế", "sao chị ngoan mà con hư thế"...
Cách mắng này của mẹ khiến đứa trẻ được khen tự tin một cách thái quá còn đứa trẻ bị chê thì chìm đắm trong sự tự ti, bằng mọi cách phải giành lấy sự công nhận từ bố mẹ.
3. Nói với con rằng, tình yêu bạn dành cho bé sẽ không vì bất cứ ai mà thay đổi
Khi gia đình có con thứ 2, người lớn hay nói: "Mẹ con không yêu con nữa đâu mà yêu em trai con cơ". Là bố mẹ, xin đừng để người khác nói với con bạn những câu như vậy, người lớn đều hiểu câu nói đó là đùa nhưng đứa trẻ không hiểu, chúng sẽ thật sự cảm thấy tổn thương, tuyệt vọng, sẽ thăm dò xem có phải bố mẹ muốn bỏ rơi mình thật không.
4. Đừng bắt con nhường em chỉ bởi vì con là anh/chị
Câu nói này được xem như là câu cửa miệng của những gia đình có đông con: "Con là anh nên đồ chơi nhường em chơi trước, con là anh con phải nhường em đồ ăn vặt, con là anh nên con không được đánh lại em".
Cứ thế, đứa trẻ sẽ lớn lên với một cảm giác thiếu an toàn trầm trọng, tại sao mình phải nhường? Bởi vì mình không đủ tốt. Đối với những đứa trẻ chỉ cách nhau chưa đến 2 tuổi, cảm giác này sẽ càng mạnh hơn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.